-Cần có lộ trình, đầu tư cho việc đào tạo cử nhân tiếng Nga, tìm những cố vấn chuyên gia... là những góp ý của NGƯT Vũ Thế Khôi, nguyên trưởng khoa phiên dịch tiếng Nga – Anh – Pháp – Trung, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội về đề án đưa tiếng Nga và tiếng Trung thành ngoại ngữ thứ nhất ở trường phổ thông.

Đề án đưa tiếng Nga và tiếng Trung trở thành ngoại ngữ thứ nhất trong trường phổ thông và sẽ thí điểm trong năm 2017 tới vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Vietnamnet đã có cuộc trò chuyện với NGƯT Vũ Thế Khôi – nguyên trưởng khoa phiên dịch tiếng Nga – Anh – Pháp – Trung, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là ĐH Hà Nội) để tham khảo ý kiến của ông về vấn đề này.

Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ đưa tiếng Nga, tiếng Trung thành ngoại ngữ thứ nhất trong trường phổ thông và dự kiến sẽ thí điểm vào năm 2017 tới đây. Ý kiến của ông về đề án này như thế nào?

NGƯT Vũ Thế Khôi: Theo tôi, tốt nhất không bao giờ nên trong một hệ thống giáo dục chỉ có độc một ngoại ngữ. 

Chúng ta đã phải trả giá cho cái thời chỉ có độc một tiếng Nga. Liên Xô sụp đổ là khủng hoảng. Cho nên, việc đưa tiếng Nga, tiếng Trung trở lại, về mặt hệ thống giáo dục là đúng. 

Từ thời sau Cách Mạng Tháng 8 thành công, cụ thân sinh ra tôi là Bộ trưởng Giáo dục lúc đó (cố Bộ trưởng Vũ Đình Hoè – PV), dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ đã đưa ra một điều trong một nghị định là đưa các ngoại ngữ Anh, Nga, Trung vào dạy trong hệ thống giáo dục. 

Hồi đó không nhắc đến tiếng Pháp, vì những người học đến lớp 7 là đã thông thạo tiếng Pháp rồi. 

Do thời thế thay đổi, đặc biệt là do mình không có một chính sách ngoại ngữ như ở các quốc gia văn minh khác nên khi Liên Xô sụp đổ, tiếng Nga phải “tự bơi”. 

Dần dần, nguồn giáo viên tiếng Nga cạn kiệt. 

Hầu hết giáo viên tiếng Nga phải đi đào tạo lại để chuyển sang dạy tiếng Anh. Các lớp tiếng Nga ở phổ thông coi như bỏ hẳn, chỉ còn một số nơi cố gắng duy trì một vài lớp chuyên ngữ tiếng Nga, do sự nhiệt tình của những người quản lý ở địa phương đó, của trường và các thầy cô giáo. 

Thế cho nên, để triển khai đề án này cần có lộ trình để chuẩn bị về cán bộ giảng dạy, chương trình, giáo trình, trang thiết bị… Nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là cán bộ giảng dạy. Muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi. 

 Ông đánh giá thế nào về chất lượng đào tạo tiếng Nga hiện nay ở các trường đại học?

Tôi biết có những cô giáo giỏi mà chính tôi tuyển về trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, sau này cô ấy chuyển sang dạy tiếng Anh và bây giờ cô ấy là một trong những giáo viên ôn luyện tiếng Anh giỏi nhất Hà Nội. Thế thì lấy đâu cán bộ giỏi để dạy. 

Nếu lấy những em mới tốt nghiệp ra trường, bản thân thầy cô giáo nói chưa được, nghe không thông mà lại đi dạy thì lại cho ra một thế hệ học trò nghe không được, nói không được, lại chỉ thầy cô mình nói, mình hiểu thôi chứ người nước ngoài không hiểu. 

Thế hệ bây giờ đang ngồi ở khoa tiếng Nga học đấy, hãy khảo sát xem các em có được đầu tư cẩn thận không, có sử dụng được tiếng Nga hay tiếng Trung như một công cụ giao tiếp thực sự hay không, có chuẩn không. 

Nhà nước đang yêu cầu kiểm tra đội ngũ dạy tiếng Anh xem có đạt chuẩn không, thì tại sao không kiểm tra đội ngũ đang ngồi học tiếng Nga trên ghế nhà trường xem có đạt chuẩn hay không.

Các em vào khoa tiếng Nga chỉ để lấy một cái chỗ ngồi trong trường đại học thôi. Các em có học thật đâu, mà chỉ dành thời gian để học tiếng Anh. Còn nếu không dạy đủ tiếng Anh trong trường thì các em bỏ tiền ra đi học tiếng Anh ở ngoài vì học tiếng Nga ra là thất nghiệp. 

- Vậy việc chọn tiếng Nga làm ngoại ngữ thứ nhất có phải là một lựa chọn thiếu tính thực tế không, thưa ông?

Việc dạy tiếng Nga, tiếng Trung bây giờ phải căn cứ vào nhu cầu thực tế. 

Tất nhiên đứng về mặt chính sách ngôn ngữ lớn của một đất nước phát triển toàn diện thì vẫn phải có đầu tư, để mình luôn sẵn sàng có những cán bộ về những thứ tiếng lớn trên thế giới. 

Ví dụ như tiếng Nga chẳng hạn, bây giờ đào tạo tạo để có thể 5-10 năm sau mình sử dụng, nhưng phải có tầm nhìn, phải có sự chuẩn bị.

Đứng về mặt khách quan mà nói, tôi nghĩ là trước mắt, triển khai tiếng Trung sẽ thuận lợi hơn tiếng Nga, mặc dù tôi là nguyên trưởng khoa tiếng Nga của ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. 

Nói gì thì nói 6 tỉnh biên giới của mình càng có nhiều người biết tiếng Trung càng tốt. Còn tiếng Nga thì phụ thuộc rất nhiều. Trước mắt, nếu Nhà nước thấy nằm trong chiến lược giáo dục phát triển đất nước thì phải có một sự đầu tư, có chính sách, ưu đãi nhất định.

- Với tư cách nguyên trưởng khoa phiên dịch 4 thứ tiếng của ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, là một dịch giả tiếng Nga, ông có góp ý gì trong việc xây dựng chương trình sách giáo khoa tiếng Nga nói riêng và các ngoại ngữ khác nói chung để chuẩn bị triển khai đề án này?

Bộ hãy xây dựng lại chương trình dạy tiếng Nga cho phù hợp. 

Bây giờ người Nga người ta cũng đã thay đổi chương trình, phương pháp để dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ cho người nước ngoài. Cái này Bộ mình đã nắm được gì chưa? 

Những cái chuẩn của người Nga, những thay đổi của họ trong giáo trình Bộ đã nắm được chưa? 

Tôi hiểu chủ trương này là một chủ trương cần thiết và đúng lúc sau một hồi hoang mang và bỏ rơi tiếng Nga, thậm chí là định xoá sổ tiếng Trung. Nhưng đừng có vội vàng, phải chuẩn bị cẩn thận. 

Trong việc góp ý cho đề án, tôi nghĩ rằng việc này là việc chuyên môn, phải là những người chuyên môn thực sự làm. 

Tôi ví dụ, tại sao từ điển Việt – Nga kéo dài đến 20 năm? Những người khởi xướng đi về với tổ tiên cả rồi mà mãi hơn 20 năm sau mới kết thúc được. Bởi vì rất nhiều người đi làm từ điển Việt – Nga, một chữ tiếng Nga không biết.

Trong lớp trẻ không phải không có những người tài giỏi tiếng Nga, nhưng có điều là suốt thời gian vừa qua người ta làm việc khác. Bây giờ hãy đi tập hợp họ lại. Những người chuyên sâu trong làng tiếng Nga chưa phải là đã hết, chỉ có điều người ta không có điều kiện để làm việc trong lĩnh vực này nữa nên người ta chuyển sang làm lĩnh vực khác. Bộ phải có cách nào đó để tham khảo ý kiến của những người đó.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Thảo (Thực hiện)