- Sau thời gian tăng trưởng nhanh, các thiết bị giải trí HDbox cũng như thị trường TV3D tại Việt Nam đang bước vào thời kỳ khủng hoảng trầm trọng và kéo dài.

HDbox bán chậm

Sau 3 năm chiếm lĩnh thị trường với đa dạng sản phẩm, những thiết bị giải trí HDbox đang bước dần vào ngưỡng bão hoà, bất kể nhu cầu thưởng thức phim ảnh chất lượng cao vẫn đang khá mạnh mẽ.

"So với cùng kỳ năm ngoái, việc tiêu thụ đầu phát HD giảm tới hơn 30% doanh số, lợi nhuận giảm 50% vì năm nay chủ yếu chỉ các đầu phát loại rẻ mới bán được. Các dòng sản phẩm từ 4 triệu trở lên là ế sưng", anh Mạnh Hà, chủ một shop HD cho biết.

HDbox bán chạy vẫn là các dòng xấp xỉ 2 triệu đồng nhưng sức tiêu thụ cũng chỉ bằng 60% cùng kỳ năm trước.

Thị trường máy tính đi xuống là dấu hiệu đã được cảnh báo trước, nhưng việc các thiết bị giải trí tại gia như HDbox cũng lao đao là một vấn đề khá nan giải, bởi đáng lý ra đây sẽ là điểm nhấn trong giai đoạn nâng cao chất lượng giải trí của người tiêu dùng như hiện nay.

Các thương hiệu HDbox gần như không có sự thay đổi vẫn với các chủng loại của TVIX (nay là TizzBird), Dune hay HDLife, EAGET với mẫu mã không mấy cải tiến.

Theo anh Minh Đức, khách hàng dùng HDbox cho biết: "Thực ra khách như tôi mua 1 lần là dùng mãi mãi rồi vì các đầu phát HD chẳng có thay đổi gì nhiều từ chức năng cho tới hiệu năng. Chỉ để xem phim, nghe nhạc chất lượng cao thì bộ HDLife tôi mua từ năm ngoái hơn 2 triệu giờ vẫn dùng tốt, vậy việc gì phải nâng cấp, đổi mới?".

Nếu như năm 2011, dân chơi HD nói riêng và giới PC nói chung lao đao vì ổ cứng lên giá do lũ lụt ở các nhà máy sản xuất tại Thái Lan, khiến giá đội lên gần 100% thì đến tháng 7 năm nay, giá các loại HDD đều đã tiệm cận về mức hợp lý.

Tuy nhiên, đây cũng không thể trở thành nhân tố kích cầu cho thị trường HDbox bởi lẽ nhu cầu lưu trữ dữ liệu của người dùng sau thời gian tăng đột biến giờ cũng đã ở mức bão hoà. Hiện nay không nhiều dân chơi HD còn thói quen tải phim về lưu trữ và sưu tập.

Anh Nguyễn Trung, dân chơi HD kỳ cựu cho biết: "Trước đây tôi hay tải phim chuẩn Blu-ray về để xem và lưu phòng khi xem lại nên liên tục mua thêm ổ cứng. Nhưng rồi thời gian hạn hẹp, phim tải về nhiều chẳng có lúc nào xem, chẳng nhớ trong ổ đang có gì nên bây giờ cũng chán rồi. Thích gì down về xem ngay rồi xoá nhanh cho đỡ phải mua thêm ổ".

Ngoài việc thị phần giảm, HDbox còn phải đối mặt với đối thủ tiềm tàng là các gói truyền hình chất lượng cao từ truyền hình số cho tới IPTV. Với giá cước khoảng từ 80 ngàn/tháng, các chương trình truyền hình HD ngày càng phát triển mạnh mẽ và thậm chí chương trình Video On Demand nền IPTV có tốc độ cập nhật rất cao, phim HD mới update liên tục, xem ngay mà không cần phải tải về HDbox để xem.

Ngay cả với các smartHDBox cài sẵn HĐH Android vốn tưởng sẽ là cứu cánh cho thị phần này cũng dần mai một bởi theo đánh giá của người dùng các dòng sản phẩm này vừa chậm, vừa nóng mà các ứng dụng cài đặt thêm thì cũng đơn điệu, không đủ sức hút.

Anh Thành Trung, đầu nậu HDbox cho biết: "Với tình hình này thì dân buôn như tôi chỉ dám nhập các loại HDbox giá rẻ, chức năng vừa phải và bán combo kèm phụ kiện như ổ cứng, cáp hay USB WiFi về bán thôi. Ngoài ra, cũng không tập trung vào thị phần các thành phố lớn nữa vì bão hoà rồi, sẽ chuyên doanh ở các thị phần ngách tại các tỉnh".

TV3D bán chậm chưa từng thấy

Dù tháng 6 là tháng EURO - vốn là thời điểm vàng mua sắm TV nhưng mùa bóng năm nay đã diễn ra không đúng kỳ vọng của giới điện máy. So với WorldCup 2010, EURO 2012 không tạo được sự khởi sắc nào trong doanh số tiêu thụ TV, đặc biệt là mặt hàng TV3D.
TV3D không tạo được điểm nhấn doanh số nào mùa EURO do giá thành vẫn cao và thiếu nội dung.

Lý giải cho biểu hiện này của thị trường, anh Hoàng Hà, phụ trách ngành hàng TV tại một siêu thị điện máy cho biết: "Ngoài việc sức mua giảm do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu thì hiện trạng các TV3D thiếu sức hút, thiếu nội dung vẫn là một vấn đề nan giải thách thức cả người bán lẫn người mua. Rất khó để thuyết phục người dùng bỏ ra 10 triệu để mua một chiếc TV3D trong khi phần lớn các kênh truyền hình toàn nội dung 2D".

Nhiều hãng điện tử như LG, Samsung mạnh tay trong việc kích cầu thị phần TV3D bằng cách tặng các đầu phát HDbox kèm theo mỗi TV bán ra cùng các phiếu copy nội dung 3D miễn phí. Tuy nhiên động thái này vẫn không tạo được sự chuyển biến nào ở phân khúc sản phẩm 3D.

Theo ý kiến chuyên gia nhiều phía, cơn bĩ cực đối với ngành hàng này sẽ còn kéo dài khá lâu, bất kể các thương hiệu điện tử liên tục tung ra các sản phẩm TV3D mới với thiết kế đẹp, nhiều tính năng.

Hiện tại, giá bán trung bình của một TV3D dao động từ 8,9 triệu đến 15 triệu với các sản phẩm tầm thấp và trung - vốn là những dòng dễ tiêu thụ. Còn đối với các kích thước từ 55 inch cùng công nghệ mới, giá từ 30 triệu thì nhiều siêu thị điện máy cho biết chỉ trưng bày cho đẹp chứ hầu như cả tuần chẳng bán được mấy.

Theo dự báo, thị phần TV3D từ nay đến cuối năm sẽ đi ngang, không có đột biến ở doanh số cũng như sẽ không có nhiều mẫu mã mới được ra mắt. Chỉ cho đến cuối năm nay, cận Tết Âm lịch, khi các dòng TV3D LED thụ động được ra mắt ồ ạt, giá thành giảm sâu hơn thì có lẽ thị trường này mới tìm lại được niềm tin.

  • Võ Trung