Một “kho báu” bị thất lạc hơn 150 năm nay, được cho là manh mối để Charles Darwin và các cộng sự xây dựng nên thuyết tiến hóa, cuối cùng đã được tìm thấy.

Tiến sĩ Howard Falcon-Lang, nhà nghiên cứu tiền sử học tại Đại học Hoàng gia Holloway, London cho biết trên Time rằng ông đã vô tình tìm thấy nhiều lát kính đựng những hóa thạch cổ quý giá cất bên trong một chiếc tủ gỗ mọt ruỗng, để ở “góc ẩm thấp”, đầy bụi trong Viện Địa chất học Anh.

Những hóa thạch hiếm có và quý giá bị bỏ quên trong ngăn kéo tủ đầy bụi

Dùng đèn pin rọi vào các ngăn kéo và lôi từng lát kính ra sát tận mắt, ông Falcon- Lang nhìn thấy một trong những hóa thạch loài vật đầu tiên, được dán nhãn “C.Darwin Esq”.

“Phải mất một lúc tôi mới dám tin rằng đây chính là chữ ký của Darwin”, nhà sử học kể lại. “Tim tôi dường như ngừng đập. Hãy xem, mình đã tìm thấy gì đây!”

Tài sản của Hội kín

Nhiều hóa thạch có  chữ ký của Darwin

Hóa ra, hóa thạch mà Falcon-Lang tìm thấy thuộc về bộ sưu tập 314 hóa thạch loài mà Darwin và các thành viên khác trong Hội kín, ( trong số này có nhà thực vật học John Hooker – một người bạn rất thân của Darwin và John Henslow, thầy của Darwin tại Đại học Cambridge, người có con gái kết hôn với Hooker) đã sưu tầm được.

“Đây là mẫu vật mà Darwin lấy được từ chuyến viễn chinh nổi tiếng trên con tàu HMS Beagle, một hành trình đã vĩnh viễn thay đổi sự nghiệp của chàng sinh viên trẻ mới tốt nghiệp Đại học Cambridge và đặt nền móng cho những nghiên cứu về tiến hóa sau này của ông”, Falcon-Lang cho hay. Chúng đã mất tích suốt 165 năm nay.

Darwin và các cộng sự, bằng cách nào đó, đã cán mỏng được các hóa thạch quý và dính chúng lên lát kính để có thể xem dưới kính hiển vi.

Chúng giống như những “tác phẩm nghệ thuật kinh điển”, bao gồm cả hóa thạch gỗ và thực vật, được cắt thành những lát cực mỏng và dán chặt lên kinh để sau này có thể quan sát dưới kính hiển vi. Một số lát kính dài khoảng 15cm, Falcon-Lang miêu tả.

Tiền đề cho nghiên cứu mới

Theo Daily Mail, các nhà khoa học Anh đang rất phấn khích với phát hiện này. Với kỹ thuật và công nghệ hiện đại, họ có thể tìm hiểu thêm nhiều điều từ những hóa thạch quý giá này. “Một trong những hóa thạch quý hiếm nhất” thuộc về bộ sưu tập của Hooker là của prototaxites, một giống nấm có kích cỡ to bằng cây sống cách đây 400 triệu năm.

Vào năm 1846, cái tên Darwin còn chưa mấy nổi tiếng nên có thể bộ sưu tập đã không được lưu tâm đúng mực.

Hooker đã tập hợp nên bộ sưu tập hóa thạch này trong thời gian làm việc ngắn ngủi tại Viện địa chất học Anh vào năm 1846, Đại học Hoàng gia Holloway London tiết lộ. Lý do vì sao bộ sưu tập này bị lãng quên lâu như vậy vẫn còn là một bí ẩn. Tuy nhiên có lẽ vào năm 1846, cái tên Darwin chưa mấy nổi tiếng nên bộ sưu tập này không nhận được sự quan tâm đúng mức.

Chia sẻ trên Time, Tiến sĩ Falcon-Lang cho biết ông tìm thấy các hóa thạch quý từ tháng 4, nhưng mất nhiều thời gian để định danh các lát kính và chụp ảnh toàn bộ chúng. Những bức ảnh này sẽ được trưng bày rộng rãi trên mạng trong một “triển lãm trực tuyến” diễn ra cuối tuần này.

Trọng Cầm