Năm 2020, Thanh Hoà (huyện Bù Đốp) là xã đầu tiên của tỉnh Bình Phước thực hiện thí điểm chuyển đổi hệ thống đài truyền thanh từ tần số FM sang truyền thanh thông minh. Đây là dự án thuộc chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tại tỉnh.

Để vận hành hệ thống này, người phụ trách chuyên môn chỉ cần soạn thảo bản tin hoặc các thông báo của địa phương trên phần mềm truyền thanh thông minh. Sau khi được lãnh đạo duyệt nội dung, cán bộ phụ trách chỉ cần một thao tác nhấp chuột vào phần chuyển đổi văn bản sang giọng nói, phần mềm sẽ tự động đọc văn bản rất “chuyên nghiệp”. 

Từ ngày được trang bị hệ thống truyền thanh thông minh, nhiều người dân xã Thanh Hoà được nghe nhiều thông tin mới, nhanh và giúp người dân nắm bắt kịp thời những quy định, thông báo mới nhất của địa phương mình. Đặc biệt, mặc dù cùng khung giờ phát sóng nhưng mỗi một cụm loa khác nhau lại có thể phát những thông tin khác nhau, giúp người dân có nhiều lựa chọn khi tiếp nhận thông tin.

Tương tự, 4 xã của huyện Bù Đăng là Đồng Nai, Đường 10, Đắk Nhau và Bình Minh cũng được triển khai lắp đặt thí điểm hệ thống truyền thanh thông minh với 28 cụm, 78 loa. Tiếp đó, việc thí điểm tiếp tục được triển khai tại TP Đồng Xoài với 2 cụm loa truyền thanh thông minh. 

W-loa truyền thanh thông minh hưng yên.jpg
Việc đầu tư loa truyền thanh thông minh góp phần quan trọng giúp Bình Phước thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Với những vùng nông thôn và miền núi, những chiếc loa thông minh không dây đã phát huy hiệu quả rất tốt, nhất là trong truyền tải tin tức chính thống đến người dân; loa truyền thanh chính là cầu nối quan trọng giữa nhân dân với chính quyền. 

Hệ thống truyền thanh thông minh sau khi được thí điểm sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực, đáp ứng yêu cầu truyền thông tin kịp thời, ngay cả những thông tin đột xuất tại địa phương, do việc đăng phát rất nhanh, thậm chí ngay cả khi không có mặt tại trụ sở thì người phụ trách đài truyền thanh vẫn có thể hoàn thành công việc, vì vậy, các địa phương trong tỉnh tiếp tục mở rộng việc lắp đặt hệ thống.

Như TP Đồng Xoài, hiện nay toàn bộ hệ thống truyền thanh đang được sử dụng tại 8 phường, xã trên địa bàn TP đều là hệ thống truyền thanh thông minh. Tại huyện Bù Đăng, sau khi việc thí điểm tại 4 xã cho hiệu quả tích cực, ngay sau đó, huyện đã triển khai lắp đặt tại 16 xã, thị trấn, nâng tổng số lên 200 loa truyền thanh thông minh. 

Có thể nói, hệ thống truyền thanh thông minh đã phát huy tốt vai trò chuyển tải kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh đến người dân. Qua hệ thống truyền thanh cơ sở, người dân, nhất là đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa tiếp cận thông tin chính thống, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền.

Trong các giải pháp đẩy nhanh quá trình xây dựng xã hội số, truyền thanh thông minh đang tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, thay thế dần truyền thanh thế hệ cũ nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền tại cơ sở, đồng thời khẳng định quyết tâm của tỉnh trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh.

Để thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bình Phước đã giao Sở TT&TT chủ trì, tham mưu xây dựng Đề án đầu tư hệ thống truyền thanh cơ sở.

Đến nay, theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, hệ thống loa truyền thanh thông minh cấp xã đã được triển khai lắp đặt tại 843/843 thôn, ấp, khu phố thuộc 111/111 xã, phường, thị trấn của tỉnh với tổng 1.661 cụm, 3.777 loa. 

Để giúp các địa phương vận hành hệ thống đài truyền thanh thông minh hiệu quả, Sở TT&TT Bình Phước cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho các cán bộ phụ trách đài truyền thanh cấp xã ở các địa phương về kỹ năng vận hành các cụm loa; kỹ năng viết, biên tập tin cho đài truyền thanh cấp xã. 

Mới đây nhất, vào tháng 5/2024, Sở TT&TT đã phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Đăng, tổ chức tập huấn cho cán bộ, viên chức phụ trách truyền thanh, truyền hình huyện và 16 cán bộ phụ trách đài truyền thanh các xã, thị trấn với các nội dung như: Hướng dẫn cách đăng nhập, quản lý xác thực, chi tiết, danh mục thiết bị; hướng dẫn cách thức tạo lập bản tin phát thanh, cách tạo lập bản tin từ trang văn bản - bản tin ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); phát tin theo lịch và phát khẩn cấp; vận hành, bảo trì, bảo quản hệ thống, trang thiết bị; cách trích xuất báo cáo…

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết, việc đầu tư loa truyền thanh thông minh là giải pháp chuyển đổi số tối ưu cho các đài truyền thanh cơ sở, đảm bảo thông tin luôn được thông suốt, phát thanh trên diện rộng, kịp thời. Qua đó, làm tăng hiệu quả công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền ở cơ sở và bắt kịp xu thế phát triển của thời đại 4.0. 

Việc đầu tư loa truyền thanh thông minh phủ sóng 100% xã, phường, thị trấn và các thôn, ấp trong toàn tỉnh giúp nâng cao chất lượng tuyên truyền các chính sách pháp luật mới từ Trung ương, tỉnh, huyện đến các xã, thị trấn đặc biệt là kịp thời đối với người dân, góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số xây dựng chính quyền điện tử, đảm bảo nhu cầu tiếp cận thông tin của nguời dân và các tổ chức, góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp kinh tế - xã hội phát triển.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết trong xây dựng nông thôn mới chính là việc tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, vì vậy, việc đầu tư loa truyền thanh thông minh góp phần quan trọng giúp Bình Phước thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hiệu quả.