Có thể nói thị trường Hạ tầng hội tụ là một bức tranh đang trong quá trình pha màu dang dở. Hệ thống tích hợp sẵn (Integrated System) chính là nét bút chấm phá, là chìa khóa của những hãng công nghệ giúp hoàn thiện bức tranh đa màu đó.
Hạ tầng hội tụ DIY – Câu chuyện không đơn giản
Do It Yourself (DIY) thoạt nghe là một khái niệm hết sức thú vị. Với quy mô cá nhân, bạn có thể tự mình lắp ráp lên một sản phẩm đầy bản sắc từ những bộ công cụ tùy biến. DIY mang lại cảm giác bạn chủ động tạo nên thành quả. Tuy nhiên, ở mức độ doanh nghiệp hay tổ chức, khi áp dụng khái niệm này vào lĩnh vực ứng dụng CNTT thì câu chuyện không còn đơn giản.
Cụ thể hơn, chúng ta xét trường hợp xây dựng một Hạ tầng siêu hội tụ (Hyper Converged Infrastructure – HCI). Để tự mình “lắp ráp” một cụm HCI, chúng ta phải chuẩn bị 4 lớp. Lớp thấp nhất là phần kết nối mạng trên nền SDN. Tiếp đến có lớp lưu trữ theo kiến trúc SDS. Các tài nguyên máy ảo được tích hợp ở lớp ảo hóa trên nền tảng VMWare, Microsoft, Citrix… Trên cùng là lớp quản trị thông minh giúp kiểm soát toàn bộ các phần cứng và phần mềm (các phần mềm ảo hóa, phần mềm lớp giữa, phần mềm điều khiển…) nhằm bảo đảm toàn bộ hệ thống trở thành một hạ tầng thống nhất. Nếu triển khai thành công, hạ tầng hội tụ cho phép cấp phát tài nguyên linh hoạt và nhanh chóng, tạo ra các đối tượng theo yêu cầu của ứng dụng, đáp ứng cao bất cứ nhu cầu nào về hạ tầng. HCI đòi hỏi chúng ta phải nắm rõ hàng loạt công nghệ khác nhau từ mạng, ảo hóa, lưu trữ hướng đối tượng... Đầu tư nhân sự và kiến thức để tự triển khai được HCI rất có thể dẫn đến bài toán âm khi xét đến tính hiệu quả cho doanh nghiệp hay tổ chức.
Việc nỗ lực tự mình đầu tư và triển khai một Hạ tầng siêu hội tụ tương đối khó khăn cho một doanh nghiệp và họ ngày càng có xu hướng đến với các hãng công nghệ lớn có năng lực cung cấp các hệ thống tích hợp sẵn (Integrated System).
Khái niệm về Hệ thống tích hợp sẵn
Để đơn giản, bạn có thể hình dung về hệ thống tích hợp sẵn như trò chơi ghép hình, trong đó các mảnh ghép đều đã được để sẵn vào đúng vị trí, bạn chỉ cần ghép vào khung là hoàn thành bức tranh. Các hệ thống tích hợp sẵn có điểm chung là: đã được các hãng sản xuất lớn trong CNTT nghiên cứu kỹ càng về tính tương thích giữa các thành phần phần cứng và phần mềm, thiết kế sẵn những thông số khuyến nghị, hoặc thậm chí là cài đặt sẵn đầy đủ. Sau khi nhận thiết bị, đơn vị khai thác chỉ cần bật nguồn và thực hiện một vài thao tác thiết lập tối thiểu là hệ thống sẽ sẵn sàng hoạt động. Với sự phức tạp của hạ tầng hội tụ, hệ thống tích hợp sẵn được coi như phương án khả thi nhất giúp cho một đơn vị ứng dụng CNTT xây dựng thành công dự án.
Hình dung sơ lược về Hệ thống tích hợp sẵn |
Hệ thống tích hợp sẵn mang lại nhiều lợi ích hết sức rõ ràng bao gồm: Đơn giản hóa việc thiết kế và tích hợp hệ thống, giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải khi chúng cài đặt một loạt thành phần phần cứng và phần mềm rất có thể không tương thích nhau, tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả vận hành của hạ tầng CNTT. Đây là những đặc tính thiết yếu để giải quyết vấn đề đau đầu của các CxO của doanh nghiệp và các đơn vị ứng dụng CNTT, đó là làm sao giảm thiểu chi phí và thời gian khởi tạo hạ tầng, nhanh chóng đưa tài nguyên đến tay người dùng để biến CNTT thành lợi thế cạnh tranh và sớm mang lại hiệu quả, biến chi phí thành lợi nhuận. Hệ thống tích hợp sẵn cùng với Hạ tầng hội tụ cho phép giảm tới 35% chi phí trong TTDL và giảm tới quá nửa chi phí triển khai (53% – 65%), vận hành, giám sát (64%) – theo số liệu đáng tin cậy từ IDC
Bức tranh muôn màu các Hệ thống tích hợp sẵn và Hạ tầng hội tụ hiện nay
Nếu như điện toán đám mây là cuộc chơi của các đơn vị sản xuất phần mềm như VMWare, Microsoft, hay các ứng dụng cộng đồng như OpenStack, Open Cloud, ... thì có thể nói Hạ tầng hội tụ với nền tảng là Hệ thống tích hợp sẵn lại là sân khấu của các hãng phần cứng. Lý do rất đơn giản, một Hệ thống tích hợp sẵn đòi hỏi phải có phần cứng khả triển, rồi trên đó nhà sản xuất mới có thể cài đặt các giải pháp ảo hóa, quản trị.
Đơn cử cho sự mất cân bằng này có thể kể đến một tên tuổi đáng gờm về điện toán đám mây mở và SDS là Nutanix rất mạnh với bộ Xtreme Computing Platform, nhưng về cơ bản Nutanix không phải là hãng phần cứng nên họ buộc phải tích hợp giải pháp của mình vào những dòng sản phẩm OEM, hoặc sử dụng nền tảng SuperMicro, một nhà sản xuất có thị phần khiêm tốn trên thị trường máy chủ.
Ở thời điểm hiện tại, trên thị trường CNTT các giải sản phẩm tích hợp sẵn khá phong phú.
HPE với dòng sản phẩm SimpliVity (có được sau khi thâu tóm SimpliVity) là một hạ tầng HCI điển hình. Ngoài ra họ có HPC Edgeline Converged Edge cho IoT.
Kiến trúc HCI tích hợp sẵn của HPE |
Với việc sát nhập với EMC và VMWare, DELL EMC hiện khá mạnh với bộ VxRAIL (phát triển từ EVO:RAIL và VSPEX BLUE).
Thiết bị VxRail của DELL EMC |
Hãng công nghệ Nhật Bản Fujitsu đưa ra giải pháp PRIMEFLEX HCI tích hợp vào các máy chủ PRIMERGY x86 mới nhất, sử dụng họ vi xử lý Intel® Xeon® Scalable Gold và Platinum. Ngoài ra, hãng còn phát triển các bộ sản phẩm tích hợp sẵn cho SAP HANA và HPC phục vụ cho Trí tuệ nhân tạo (AI), một xu thế khá “hot” hiện nay.
Kết luận
Để ứng dụng CNTT được hiệu quả, biến hạ tầng và ứng dụng CNTT thành lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, chúng ta phải chú trọng vào các tiêu chí như: tốc độ triển khai và cấp phát tài nguyên, khả năng quản trị mạnh mẽ giúp nâng hiệu quả vận hành khai thác. Để đạt được các tiêu chí này, các đơn vị sử dụng đang hướng tới xây dựng Hạ tầng hội tụ - HCI. Nhưng để doanh nghiệp hay tổ chức tự mình phát triển thành công HCI thì cái giá phải trả về nhân lực và R&D là không hề nhỏ. Do đó, các hãng công nghệ đã nhanh chân hỗ trợ họ bằng cách đưa ra các Hệ thống tích hợp sẵn với nhiều giải sản phẩm khác nhau, dẫn đến một thị trường “trăm hoa đua nở”. Cuộc chiến giành thị phần trong lĩnh vực Hạ tầng hội tụ và Hệ thống tích hợp sẵn đang ngày càng cam go, khó đoán định kết quả, nhưng đã mang lại lợi ích cho các đơn vị có nhu cầu thực sự về HCI cũng như ứng dụng CNTT nhằm kiện toàn quy trình sản xuất, kinh doanh của họ.