- Một tuần sau sự cố suýt thành thảm họa, lãnh đạo ngành đường sắt vẫn chưa có một biểu hiện nào để ngăn chặn những tình huống xấu sẽ tiếp tục xảy ra nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của nhà nước và công dân.

Tàu về, chắn không hạ

Người dân quanh khu vực ga Thủ Đức và chắn Tô Ngọc Vân (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM) chưa thể quên được cái buổi sáng hãi hùng ấy.

Vào thời điểm 7h42 ngày 30/9, trong lúc trên đường Tô Ngọc Vân dập dìu xe cộ, mọi người bình thản vượt qua chắn đường sắt tai km 1713+273 bất ngờ nghe tiếng còi tàu hối thúc vang dội cả một vùng.

Đoàn tàu SQN 1 đang lao tới.

Tiếng ken két do lái tàu hãm thắng gấp, tiếng hốt hoảng của người đi đường tạo ra một quang cảnh vô cùng hỗn độn. Khá nhiều xe các loại tham gia giao thông trên đường Tô Ngọc Vân nháo nhào tránh xa đường sắt.

Khi mọi người đã đủ bình tĩnh để vượt qua thì cũng đúng lúc toa tàu cuối cùng qua khỏi gác chắn và dừng lại. Hai thanh chắn chặn xe vẫn lạnh lùng ngẩng cao đầu không hề được hạ xuống.

Tàu về ngang chắn.
 

Cũng may, lái tàu đã cho tàu chạy chậm khi vào khu vực giảm tốc độ đồng thời kịp phát hiện thanh chắn không kéo xuống nên vội vàng hãm thắng tránh được một thảm họa cho nhiều người.

Chúng tôi đã trở lại nơi này và được người dân chung quanh thuật lại. Bà con cho biết sự cố này không phải một lần. Nếu tình trạng này không được chấn chỉnh dứt khoát sẽ có một vụ... cầu Gềnh thứ hai.

Bởi vì, trường hợp này không khác vụ cầu Gềnh vào ngày 6/2/2011 (mồng 4 tết) vừa qua bao nhiêu. Do cầu đường sắt chung với đường bộ nhưng khi chuyến tàu SE2 vượt qua cầu nhân viên gác chắn không hề hạ chắn và tai nạn đã xảy ra làm 2 người chết và hàng chục người bị thương cùng hàng loạt xe cộ hư hỏng. 

Một số nhân viên tại chắn giải thích, sở dĩ chắn không hạ là do phía ga gần nhất (ga Sóng Thần) khi tàu vừa qua không báo cho chắn sắp đến biết để hạ chắn.

Hiểm họa khó lường

Trong lần tiếp xúc với nhân viên gác chắn Tô Ngọc Vân, chúng tôi đã kịp ghi hình lại trang nhật ký chắn đường ngang cầu chung của ngày xảy ra sự cố. Qua đó, nhân viên gác chắn là Duy Linh và Xuân Thạch đã thể hiện rất rõ bỏ trống 3 cột: giờ báo xin đường, giờ chạy ở ga và giờ báo chạy của TB (trực ban - người viết) ga.

Ở phần ghi chú nhân viên trực đã xác nhận: “TB ga không báo tàu SQN1”. Trong bản tường trình sự việc, cả hai nhân viên gác chắn trên cũng đã khẳng định vào thời điểm trên không nhận được thông báo đoàn tàu SQN1 sắp đến từ ga Sóng Thần nên không biết để hạ chắn.

Điều trái khoáy, khi chúng tôi đến ga Sóng Thần để tìm hiểu thì nơi đây cho biết nhân viên trực ban chạy tàu hôm ấy là Hà Thái Đông khẳng định đã làm đủ các thủ tục thông báo cho chắn Tô Ngọc Vân đúng theo qui định của ngành đường sắt.

Trước việc 'trống đánh xuôi kèn thổi ngược' này, ông Chu Ngọc Huấn, phó trưởng ga Sóng Thần cho biết, việc nói qua nói lại khó xác định được trách nhiệm thuộc về ai, vì ngành đường sắt không được trang bị ghi âm các cuộc điện thoại chạy tàu.

Sự việc có lẽ sẽ chìm xuồng nếu không gặp sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận. Mãi đến sáng 5/10, một tuần sau sự cố xảy ra, các đơn vị chức năng của ngành đường sắt mới gặp nhau tại chắn Tô Ngọc Vân đề làm rõ vụ việc.

Tuy nhiên, kết quả chỉ bằng không khi đoàn kiểm tra trích xuất các cuộc gọi giữa trực ban ga Sóng Thần và trực chắn Tô Ngọc Vân thì đã không còn dữ liệu lưu trữ (?).

Nhật ký chắn đường của nhân viên gác chắn Tô Ngọc Vân để trống ô giờ báo xin đường và giờ báo chạy, đồng thời ghi nhận sự cố do trực ban ga không báo.
 

Điều quan trọng cần lưu ý ở đây, hiện có tình trạng một số nhân viên gác chắn chưa được đào tạo để lấy chứng chỉ chuyên môn về gác đường ngang, cầu chung. Nhiều nhân viên đường sắt cho chúng tôi biết trong ngành chỉ có những nhân viên bán vé ở ga và nhân viên trên tàu có được những khoản thu nhập ngoài lương có thể đảm bảo được cuộc sống.

Số còn lại là những người làm công tác gác chắn hoặc nhân viên ga lẻ ít khi tàu dừng có đời sống khá bấp bênh. Vì thế nhiều nhân viên gác chắn đã được đào tạo lần lượt nghỉ việc và thay thế bằng những người không có chuyên môn. Hai nhân viên gác chắn của ca trực suýt thành thảm họa đó là Duy Linh và Xuân Thạch nằm trong số này.

Trước sự việc như vậy, ông Lê Hồng Phúc - Phó giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn (đơn vị quản lý các nhân viên gác chắn) đã không xác nhận cũng không phủ nhận, chỉ ỡm ờ: “Sẽ kiểm tra lại và trả lời sau”.

Thông thường, khi sự việc chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng những người có trách nhiệm quản lý đơn vị hay có thái độ xem nhẹ sự việc. Chỉ khi nào xảy ra đổ vỡ mất mát và đau thương mới tích cực điều tra quy trách nhiệm.

Trường hợp như trên có lẽ cũng không ngoại lệ. Bởi tìm hiểu xem giữa ga Sóng Thần và chắn Tô Ngọc Vân, trách nhiệm thuộc về ai thì quả là việc không khó. Thế mà...

Trần Chánh Nghĩa