- Đại diện 6 tổ chức xã hội cùng một số người thuộc nhóm dân tộc ít người, khuyết tật, đồng tính... cuối tuần qua đã tới Văn phòng Quốc hội, trao các bản kiến nghị về dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Các tin liên quan |
Chủ quyền nhân dân và việc sửa Hiến pháp |
Ông Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp nhận các bản kiến nghị này. Ông Lý khẳng định “Ban biên tập sẽ xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng để góp phần chỉnh lý dự thảo Hiến pháp, điểm nào hợp lý thì tiếp thu, điểm nào không sử dụng thì sẽ có văn bản giải trình”.
Đại diện các tổ chức xã hội gửi kiến nghị tới Ủy ban sửa đổi Hiến pháp |
Với mục tiêu để xã hội có thể phát triển một cách lành mạnh, cũng là để bảo đảm tốt hơn công bằng và tiến bộ xã hội, các tổ chức mong mỏi Hiến pháp đảm bảo được ba yếu tố cơ bản.
Thứ nhất, phải phản ánh đúng chức năng của một hiến pháp dân chủ, bảo đảm quyền lập hiến thuộc về toàn dân và không phân biệt đối xử. Thứ hai, bảo đảm các quyền tự do, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, hội họp và cuối cùng là phải có các cơ chế hiến định để xử lý những vi phạm đối với các quyền này.
Về chương II - quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, bản kiến nghị cho rằng quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp là tiền đề quan trọng để xã hội phát triển. Các quyền này bảo vệ và thúc đẩy các quyền khác nên nếu bị hạn chế tùy tiện thì sẽ tổn hại đến nhiều quyền chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa…
Nếu thiếu tự do ngôn luận thì các bất cập trong xã hội, các vi phạm quyền con người không được phản ánh đầy đủ, đồng thời khó có thể tìm ra những giải pháp tốt nhất để phát triển đất nước. Nếu thiếu quyền tự do lập hội thì người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, không thể liên kết lại để cùng có tiếng nói chung và bảo vệ những lợi ích chung một cách hiệu quả. Tuy nhiên, những quyền này chưa được dự thảo bảo đảm.
Vì vậy, các CSO kiến nghị tách điều 26 dự thảo thành hai điều về “tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư
tưởng, tự do thông tin”, và “tự do hội họp, tự do lập hội và tự do biểu tình”,
đồng thời bỏ đuôi “theo quy định của pháp luật”.
Các CSO còn đề xuất lập Ủy ban Quốc gia về quyền con người, làm đầu mối theo
dõi, bảo đảm việc tôn trọng quyền con người và thiết lập Tòa án Hiến pháp thay
cho Hội đồng Hiến pháp.
Ngoài kiến nghị của CSO, hai bản kiến nghị khác cùng được trao lần này. Một là tập hợp kết quả tham vấn 7 nhóm xã hội, yếu thế và dễ bị tổn thương (dân tộc ít người, người khuyết tật, người có HIV, phụ nữ...) và một của riêng nhóm đồng tính, song tính, chuyển giới.
Riêng bản kiến nghị của người đồng tính, song tính, chuyển giới đính kèm danh sách hơn 2.500 người ủng hộ.
-
Lê Nhung