- Những thông tin về chất tạo nạc trong thời gian 2 tháng vừa qua đã làm cho cả xã hội hoang mang, ngành chăn nuôi thiệt hại hàng tỉ đồng mỗi tháng. Thế nhưng cho tới nay, người ta vẫn chưa hiểu đúng về chất cấm...
Thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng/ tháng
Đã gần 2 tháng trôi qua, những tin tức về thịt lợn siêu nạc được tạo ra do dùng chất cấm làm xã hội hoang mang.
Người ta giật mình trước các cảnh báo của các nhà khoa học, những giáo sư danh tiếng về tác dụng cực độc thịt siêu nạc chứa lượng các chất cấm tồn dư đối với sức khỏe người tiêu dùng (cũng phải nói thêm rằng có lẽ các vị tra cứu tài liệu nước ngoài trên mạng hoặc nói theo nhau thôi chứ không phải xuất phát từ thực tế Việt Nam vì trong một báo cáo của Cục Thú y, Bộ NN & PTNT thì “Tại Việt Nam chưa có báo cáo nào về việc người sử dụng thịt lợn tồn dư loại hocmon tăng trưởng này bị ngộ độc”).
Thông tin về các chất cấm làm thiệt hại hàng tỉ đồng cho ngành chăn nuôi. |
Những hướng dẫn phân biệt thịt nhiễm chất cấm đăng trên báo chí thật mơ hồ. Thế nào là “đỏ hơn bình thường”?, “kém đàn hồi hơn bình thường”? (Mình có xác định sự đàn hồi của thịt bao giờ đâu, mà thử ra làm sao?) Chẳng lẽ mang thước đi đo lớp mỡ dưới da lại biết được “siêu nạc tự nhiên và “siêu nạc dùng chất cấm”?
Làm sao có con mắt sắc sảo của chuyên gia để biết “mật độ lát cắt của thịt không mịn”, “tổ chức thịt không chắc”? Đành gạt miếng thịt ra khỏi thực đơn. Một số bà khác lưỡng lự rồi quay về với miếng thịt dày mỡ mà tự biết rằng ăn mỡ cũng “rất là… hệ lụy”.
Lời khuyên đừng mua thịt chợ cỏ, chợ vỉa hè, chỉ nên mua thịt “siêu thị” hoặc “cửa hàng lớn” thì báo cáo kết quả đề tài “Đánh giá tồn dư hóa chất độc hại trong thịt lợn siêu nạc (TS Nguyễn Mạnh Hùng) cho biết 100% mẫu thịt bán tại siêu thị Coopmart – Đinh tiên Hàng và Cửa hàng của Vissan 189 Hoàng Văn Thụ, TP HCM (tại thời điểm phân tích) có beta-agonist. Rồi mới đây, lại có thông tin tin cá cũng chứa “chất cấm” làm các bà nội trợ thêm bối rối.
Người bán thịt ngao ngán trước bàn thịt lợn ế ẩm, đã chiều rồi mà phản thịt vẫn còn đầy ắp dù giá đã giảm hẳn.
Nhà chăn nuôi nhỏ lẻ điêu đứng và thương lái không còn săn đón thu mua. Các chủ trại đợi mãi chẳng thấy các lò giết mổ mang xe đến chở lợn đi. Người ta ước tính các nhà chăn nuôi và kinh doanh thịt đã bị lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi tháng nên đã phải giảm quy mô chăn nuôi (và nếu vậy, ít lâu nữa sẽ rơi vào tình trạng thịt sẽ đắt vì “cung không đủ cầu”).
Các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc và đều lên tiếng, vạch đích danh thủ phạm – các chất beta - angonist đã bị cấm từ lâu, vậy mà nơi này nơi khác, cơ quan quản lý thị trường vẫn phát hiện các kho “khủng”, tịch thu hàng tấn. Kiểm tra các mẫu bày bán ở những địa điểm khác nhau, tỷ lệ thịt bị dương tính với chất cấm chiếm một tỷ lệ đáng lo ngại với con số hàng chục phần trăm.
Hiểu đúng về chất cấm
Trong số những nguyên nhân ngộ độc thực phẩm ở nước ta, theo báo cáo giám sát của Quốc hội số 225/BC-UBTVQH12, nguyên nhân do hóa chất chiếm 9,6% (trong số các nguyên nhân khác là do vi sinh vật 42,2%, độc tố tự nhiên 26,7%, do chế biế 9,7% và các nguyên nhân khác 11%). Những hóa chất đó bao gồm: dư lượng chất bảo vệ thực vật; melamin; các chất beta-agonist, và kim loại nặng (thủy ngân, asen, chì).
Các chất beta-agonist có thể gây hại cho sức khỏe và bị cấm sử dụng trong nông nghiệp. |
Ngày 15/9/2010, Bộ NN&PTNT lại ban hành Thông tư số 54 quy định việc kiểm tra, giám sát các chất thuộc nhóm beta-agonist trong chăn nuôi. Bên cạnh các tổ chức chính quyền, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) cũng giao cho đơn vị trực thuộc là Trung tâm nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng (CESCON) thực hiện đề tài đề tài “Đánh giá tồn dư các chất độc hại trong thịt lợn siêu nạc” tập trung vào các chất beta-agonist.
Chất tạo nạc nhóm beta-agonist, tuy là một họ có nhiều thành viên nhưng xuất hiện ở Việt Nam dường như chỉ có Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamin.
Chúng là các dẫn xuất tổng hợp của catecholamin, có tác dụng liên kết với một protein đặc biệt trên màng tế bào, làm giãn cơ trơn của đường khí phế quản. Vì vậy trong y học, các beta-agonist được dùng làm thuốc, giúp các bệnh nhân hen suyễn, tắc nghẽn đường phổi hô hấp bình thường trở lại hoặc kích thích nhịp tim, điều trị suy tim cấp…
Nếu sử dụng với liều cao, chúng kích thích tuyến thượng thận sản sinh corticoid làm tăng phát triển của động vật làm vật nuôi mau lớn, đồng thới tác động đến quá trinh chuyển hóa tinh bột (gluxit), mỡ (lipit) chuyển thành đạm (nạc) làm tích tụ nạc tại các cơ vân (mông, lưng, đùi..) nên con vật trở thành “siêu nạc”.
Kết quả là vật nuôi tiêu thụ thức ăn hiệu quả hơn và cho hàm lượng nạc cao hơn. Các “gian thương” nhập beta-agonist từ nguồn Trung Quốc về tiêu thụ gọi các chất này là “thần dược” để bán cho các trại chăn nuôi và nông dân trộn vào thức ăn với lượng rất cao để rút ngắn thời gian xuất chuồng và tăng được giá bán vì ngoại hinh của thịt trông bắt mắt hơn.
Song sử dụng beta-agonist làm lợn bị rối loại chuyển hóa, dễ bị bệnh và chết nên chỉ dùng ít ngày trước khi xuất chuồng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tác dụng có hại đến sức khỏe con người.
Theo Báo cáo “Kiểm soát an toàn thực phẩm chất tạo nạc nhóm beta-agonist” của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế, thì nếu cấp tính: các chất tạo nạc nhóm beta-agonist có thể rối loạn tiêu hóa, run cơ, khó thở tim đập nhanh, đau thắt ngực, tăng huyết áp, choáng váng, phù phổi, sảy thai. Nếu lâu dài, nó ảnh hưởng tới hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp và có thể gây tử vong ở bệnh nhân có bệnh về tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường.
Chính vì thế ngoài mục đích sử dụng trong y học, nhiều nước (trong đó có nước ta) đã cấm sử dụng nhiều thành viên của nhóm beta-angonist. Đặc biệt cấm tuyệt đối clenbuterol trong chăn nuôi.
Riêng chất Salbutamol có lẽ là chất có hiệu lực và an toàn hơn cả nên nhiều nước không những được phép dùng trong y học mà hiện nay vẫn là chất đầu bảng trong điều trị hen phế quản ở Việt Nam, đồng thời ở các nước vẫn chưa quy định rõ ràng trong chăn nuôi.
Do vậy, việc Bộ Y tế cho phép các chất trên theo Tiêu chẩn Dược điển Việt Nam (CODEX) còn Bộ NN&PTNT cấm là chuyện bình thường, bởi hoạt chất được sử dụng khác nhau về chất lượng, nhất là về liều lượng của nó khi dùng vào các mục đích khác nhau.
Vấn đề là liều lượng
Thời gian qua, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã kiểm tra sự có mặt của các chất beta-angonist trong các mẫu thức ăn gia súc sản xuất công nghiệp, nước tiểu của lợn đang nuôi, thịt và nội tạng của lợn đã giết mổ bán tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… ở nhiều địa bàn trong cả nước.
Tỷ lệ phát hiện dương tính của các mẫu thử kiểm nghiệm trong tháng 3/2012 là 4,8% ở mẫu thức ăn chăn nuôi, 11,1% ở mẫu thuốc thú y, 4,4% ở thịt và gan lợn, 6,4% ở mẫu nước tiểu. Tuy nhiên cần lưu ý rằng những kết quả trên đây là định tính, chưa thể dùng làm căn cứ để đánh giá (gọi là phép thử ELISA), mà chỉ để sàng lọc. Những thông tin trên báo chí thường lấy số liệu này để đăng là không chính xác và có thể gây hoang mang dư luận.
Quan trọng hơn, đó là phép thử định lượng, thực hiện công phu hơn trên những thiết bị phức tạp hơn bằng phương pháp sắc ký khí khối phổ. Hiện nay, trong toàn quốc chỉ có 6 phòng thí nghiệm có thể làm được việc này.
Theo kết quả của Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, trong số 200 mẫu, thì 3 mẫu có mặt Clenbuterol (0,03 đến 0,06 ng/g) 7 mẫu có Salbutamol (0,3 đến 6 ng/g) 6 mẫu có Ractopamin (0,5 đến 4 ng/g).
Trong bài “Ảnh hưởng của chất tạo nạc đối với sức khỏe con người” (TS Lê Thị Hồng Hảo) cho biết “Hàm lượng chất này trong thực phẩm vẫn ở mức an toàn nếu đối chiếu với các quy định của thế giới”.
Tuy nhiên, sản phẩm thịt có chứa chất tao nạc beta-agonist có được phép lưu hành không? Câu trả lời là “không”, vì đó là những chất đã bị Bộ chủ quan phụ trách ngành chăn nuôi (là Bộ NN&PTNT) cấm.
Vấn đề là trong tương lai cần phải đưa ra những quy định cụ thể về hàm lượng cũng như chế tài xử lý để hạn chế việc sử dụng các chất có hại cho sức khỏe vào các sản phẩm chăn nuôi.
Bảo Châu