Triệu hồi sản phẩm là thuật ngữ được biết đến và sử dụng rộng rãi ở các thị trường lớn và văn minh. Ðây là hoạt động thường xuyên diễn ra trên toàn thế giới nhằm sửa chữa những sản phẩm bị lỗi nhưng đã bán ra.
Với mục tiêu bảo đảm quyền lợi của khách hàng, triệu hồi sản phẩm nói chung và ô-tô có nguy cơ trục trặc kỹ thuật nói riêng là một phần tất yếu trong hoạt động kinh doanh. Trên thế giới, việc triệu hồi xe ô-tô là chuyện không hiếm, thậm chí còn rất nhiều. Ðiển hình như tại thị trường Trung Quốc, General Motors cũng đã phải thực hiện chiến dịch triệu hồi 2,5 triệu ô-tô do lỗi bơm túi khí Takata hay hãng Suzuki cũng đang phải triệu hồi hai triệu xe bán ra tại thị trường Nhật Bản do bị lỗi kỹ thuật về hệ thống phanh, hiệu suất nhiên liệu,...
Ảnh minh họa. |
Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, khách hàng liên tục phải chứng kiến nhiều đợt triệu hồi ô-tô lớn, có những lần số lượng hơn 10 nghìn chiếc với những mẫu xe nổi danh. Trong đó, Toyota là hãng triệu hồi nhiều xe nhất với khoảng 37 nghìn chiếc vào năm 2018. Hãng xe Ford cũng có chiến dịch triệu hồi hơn 25 nghìn xe Ranger để thay thế ống dẫn dầu phanh trước do có nguy cơ rò rỉ. Ngay cả hãng xe sang như Mercedes-Benz cũng có nhiều đợt triệu hồi xe với số lượng cả nghìn chiếc do vấn đề lỗi kỹ thuật,... Thế nên, về cơ bản, bất cứ sản phẩm nào được sản xuất hàng loạt cho người tiêu dùng (NTD) đang sử dụng đều có thể được triệu hồi nhằm sửa chữa, thay thế hay khắc phục những lỗi kỹ thuật đã được phát hiện nhằm bảo đảm cho sản phẩm có chất lượng, độ an toàn cao nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng và đủ về câu chuyện triệu hồi này. Có một thực trạng đáng buồn hiện nay là nhiều người do chưa tìm hiểu kỹ, hễ thấy triệu hồi là lo ngại và quy chụp chung rằng lệnh triệu hồi đồng nghĩa với những vấn đề nghiêm trọng về chất lượng. Thế nhưng, đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm bởi với hàng nghìn chi tiết kỹ thuật, các nhà sản xuất rất khó để loại trừ hoàn toàn lỗi trên mỗi chiếc xe thành phẩm. Cũng bởi những suy nghĩ sai lầm này, có những giai đoạn triệu hồi xe bị coi là cụm từ nhạy cảm và một số nhà sản xuất từng tìm cách né tránh, che giấu vì lo ngại hình ảnh thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc triệu hồi sản phẩm cũng phụ thuộc vào tư duy của từng hãng khác nhau. Có những hãng, dây an toàn cài không thuận tay, ghế ngồi hơi cấn lưng là triệu hồi, nhưng cũng có hãng giấu nhẹm căn nguyên của hàng chục, hàng trăm tai nạn nguy hiểm nhưng túi khí không bung khi xảy ra tai nạn.
Do đó, xét về bản chất, việc triệu hồi xe không thể hiện sự yếu kém của nhà sản xuất mà trái lại là cơ hội để các hãng xe thể hiện năng lực, uy tín, dịch vụ chăm sóc khách hàng với thiện chí mang lại sản phẩm tốt nhất. Trên thế giới, triệu hồi xe như một tiêu chí đánh giá sự phát triển của một thị trường ô-tô bởi ở đó, NTD được bảo vệ, không phải chịu những lỗi do nhà sản xuất. Vì vậy, NTD nên có cái nhìn đa chiều và thoải mái hơn về vấn đề triệu hồi xe ô-tô khi thế giới đã xem việc này là bình thường trong quá trình bảo vệ uy tín của doanh nghiệp cũng như tính mạng, sự an toàn của khách hàng.
Theo Báo Nhân dân
25.000 chiếc Mazda3 bị triệu hồi do nguy cơ rụng bánh
Hãng xe Nhật Bản Mazda vừa thông báo triệu hồi hơn 25.000 chiếc Mazda3 đời mới tại Mỹ để ngăn ngừa khả năng bánh xe có thể rơi ra.