Vì vậy, trong quá trình thực hiện, huyện đã triển khai nhiều mô hình hoạt động về CĐS trên cả 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Để phát triển chính quyền số, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị xử lý 100% văn bản trên môi trường mạng, sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản điều hành hộp thư điện tử công vụ. Đồng thời, duy trì thực hiện phần mềm một cửa điện tử tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Nhờ đó, việc trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ liên thông giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp được thực hiện hiệu quả trên Internet. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tiếp nhận và xử lý ở bộ phận “một cửa” đạt 100%; 20/20 xã, thị trấn đều có hệ thống wifi phục vụ cho Nhân dân khi đến giao dịch điện tử.
Là một trong những địa phương điển hình thực hiện tốt chính quyền số, Chủ tịch UBND xã Yến Sơn Nguyễn Văn Nhân cho biết: “Thời gian qua xã đã tăng cường cán bộ tại bộ phận “một cửa” để trực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả nhanh nhất cho công dân theo đúng quy trình. Ngoài ra, người dân còn có thể dùng chữ ký số để xử lý các văn bản ngay cả khi họ không có mặt ở địa bàn. Các thủ tục hành chính được minh bạch và công khai nên người dân cũng không tốn công, sức và chi phí đi lại. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phát huy và đẩy mạnh thêm về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện tốt hơn nữa về chính quyền số, để đáp ứng nhu cầu cho công dân và doanh nghiệp”.
Đối với lĩnh vực phát triển kinh tế số, huyện đã hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cập nhật và triển khai hóa đơn điện tử; 100% doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng hóa đơn điện tử nộp thuế; 205/321 doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; 321 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 1.020 lao động hoạt động trong lĩnh vực kinh tế số. Huyện cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn về việc tiếp cận chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ số, nền tảng số vào hoạt động sản xuất cũng như hỗ trợ về quản lý, điều hành và tạo lập các trang facebook, zalo, sàn thương mại điện tử (TMĐT)... để quảng bá, giới thiệu, cung cấp thông tin sản phẩm nhằm mở rộng thị trường. Tính đến nay, toàn huyện đã có trên 18 sản phẩm OCOP, hơn 100 sản phẩm chủ lực của địa phương đã đăng trên sàn TMĐT, cổng thông tin điện tử và các trang mạng xã hội khác. Một số sản phẩm OCOP sau khi đưa lên các trang mạng xã hội, sàn TMĐT đã có sức mua tăng cao, thị phần được mở rộng.
Ông Lê Bá Trình, chủ cơ sở sản xuất kẹo lạc Khánh Linh ở xã Yến Sơn, chia sẻ: “Được sự hướng dẫn của xã, hai năm nay tôi chủ động đưa sản phẩm của mình lên mạng xã hội, sàn TMĐT Shopee và trang nông sản an toàn Thanh Hóa để quảng bá và giới thiệu. Tuy số lượng bán ra chưa nhiều bằng bán trực tiếp, nhưng đây cũng là cơ hội để cơ sở tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, doanh thu cũng tăng lên đáng kể”.
Điểm nhấn trong xây dựng xã hội số trên địa bàn huyện Hà Trung là đẩy mạnh triển khai Đề án xây dựng mô hình “Camera an ninh - trật tự”. Lực lượng công an đã lắp đặt 231 mắt camera trên các tuyến đường chính nhằm theo dõi, cảnh báo an toàn giao thông và an ninh - trật tự trên địa bàn. Việc nhân rộng các mô hình “Camera an ninh - trật tự” đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, phát huy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương.
Để chuyển đổi số, ngoài sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, huyện Hà Trung còn phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng. Đây là lực lượng gần dân, sát dân, do vậy, thông qua hoạt động của tổ công nghệ số, kỹ năng số đã đến với từng người dân, từng hộ gia đình.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sớm và kịp thời của cấp cấp ủy đảng, chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay thực hiện của người dân, đến nay cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ CĐS của huyện Hà Trung đã và đang thực hiện có hiệu quả. Có 2 đơn vị là xã Hà Lĩnh và thị trấn Hà Trung đã được công nhận hoàn thành các chỉ tiêu CĐS cấp xã năm 2022; có 6 đơn vị là xã Hà Bắc, Hà Long, Hà Bình, Hà Lai, Yên Dương, Yến Sơn đã hoàn thành hồ sơ thẩm định cấp huyện. Có 1 xã NTM kiểu mẫu có lĩnh vực nổi trội về CĐS với 1 thôn thông minh. Bình quân các xã, thị trấn đạt 28/35 chỉ số CĐS cấp xã. Xếp hạng chỉ số đánh giá DTI về CĐS cấp huyện năm 2023 đạt 785,35/1.000 điểm, xếp thứ 15/27 đơn vị.
Thời gian tới, cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực số; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về CĐS, huyện Hà Trung tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về CĐS gắn với thực hiện chương trình CĐS trong XDNTM, đồng thời triển khai kế hoạch xây dựng thí điểm mô hình CĐS trong XDNTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn.
Theo Chi Phạm/(Báo Thanh Hóa)