Với tình huống nếu năm nay điểm thi vẫn cao như mọi năm, trường có nghĩ ra cách gì “cứu” thí sinh điểm cao vẫn trượt? Ông Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết “Năm trước tôi đã làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhưng cũng không có cách để “vớt” những thí sinh “27 điểm vẫn trượt” của ngành bác sĩ đa khoa.
Trường vẫn có quy định cho chuyển nội bộ những ngành còn thiếu, nhưng vấn đề của ĐH Y Hà Nội là chẳng ngành nào còn thiếu cả dù điểm trúng tuyển rất cao. Hơn nữa, những em đã đăng ký ngành bác sĩ đa khoa học sẽ không thích sang học ngành khác.
Riêng với ĐH Y Hà Nội, với điều kiện cơ sở vật chất và giảng viên như hiện nay, chúng tôi không tăng chỉ tiêu tuyển sinh, vì chắc chắn nếu tăng chỉ tiêu chất lượng sẽ giảm. Chúng tôi ưu tiên chất lượng, một số ngành thậm chí đã giảm chỉ tiêu”.
Phụ huynh và thí sinh xem lại số báo danh, phòng thi tại ĐH Y Hà Nội sáng ngày 8/7 (ảnh Văn Chung) |
Không vui vẻ gì với “truyền thống” 9 điểm 3 môn chưa chắc đã đỗ vào trường, ông Hinh cho rằng “điểm chuẩn ít có ý nghĩa, mà phụ thuộc vào cách ra đề thi. Điểm cao chỉ gây tiếng vang cho trường, nhưng cách ra đề thi như năm trước không phân loại được thí sinh, toàn điểm 9, 10. Tôi cho rằng ra đề thi mà toàn điểm cao là không thành công. Ra đề thi mà phổ điểm tập trung ở khoảng 6, 7 điểm chúng tôi chọn rất dễ.
Xã hội nhiều người ngộ nhận “con tôi điểm cao con tôi giỏi”. Nhưng phải thấy được rằng, cùng một học trò đó, đề dễ sẽ được 9 điểm đề khó được 6 điểm, và có đạt mức điểm nào thì vẫn chỉ là em đó mà thôi. Vì vậy, tôi mong rằng đợt này đề thi khó một chút, không chỉ để trường dễ chọn người, mà còn để không gây ra tâm lý căng thẳng trong xã hội một cách không cần thiết, như kiểu 27 điểm vẫn trượt”.
Theo số liệu của Bộ Y tế thì nguồn cung nhân lực cho ngành y là không thiếu, thậm chí có những ngành còn có dấu hiệu thừa như điều dưỡng, do đã có thêm khá nhiều cơ sở đào tạo mở ngành này. Vấn đề ở chỗ học xong ra làm việc ở đâu và làm như thế nào thôi. Việc vùng sâu vùng xa thiếu bác sĩ là chuyện khác, là do các bác sĩ không chịu về làm việc, chứ không phải thiếu do đào tạo.
Năm ngoái trường tuyển thẳng tới 150 chỉ tiêu, đa số đều vào ngành bác sĩ đa khoa, khiến cho sự cạnh tranh tại ngành này ngày càng gay gắt. Năm nay trường giới hạn chỉ tuyển thẳng những thí sinh đoạt giải nhất môn sinh trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tuy nhiên, lãnh đạo trường cho biết sẽ đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép từ năm tới được tuyển thẳng cả học sinh giải nhất môn toán, vì qua tham khảo từ các giảng viên, các thầy cô cho biết những sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai vốn là học sinh giỏi toán sẽ học rất giỏi các môn chuyên ngành y.
Tính đến chiều ngày 8/7, tỉ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi vào ĐH Y Hà Nội đạt đạt trên 65,1% trong số hơn 9.000 hồ sơ.
Năm nay số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường ĐH Y Hà Nội là hơn 9.000 bộ, giảm hẳn so với con số 14 nghìn bộ của năm ngoái. Chỉ tiêu vào trường vẫn là 1.000, trong đó có 550 chỉ tiêu ngành bác sĩ đa khoa.
Ngân Anh