Ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số
Quảng Trị là tỉnh nằm ở phía Bắc miền Trung, điểm khởi đầu trên con đường Xuyên Á nối Việt Nam với các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên hơn 313,6 nghìn ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh; dân số hơn 192,2 nghìn người, trong đó, dân tộc thiểu số gần 95 nghìn người, chiếm 13,3% dân số toàn tỉnh.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Trị ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số nên cơ sở hạ tầng các xã miền núi từng bước được đầu tư cải thiện, chính sách an sinh xã hội đảm bảo, chương trình giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao hơn trước.
Cụ thể, toàn vùng có 100% xã, thôn, bản có điện lưới quốc gia với 98,7% hộ sử dụng điện; 100% xã được phủ sóng truyền hình; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 77% thôn, bản có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học, 75% số xã có trường THCS; tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 95%, bậc THCS đạt 96%; tỉ lệ nghèo trong vùng giai đoạn 2016-2020 giảm từ 41,65% xuống 25,05%.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, đời sống của người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2022, tỉ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị là 49,51% (áp dụng chuẩn nghèo mới theo Nghị định 07/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ), cao hơn nhiều so với tỉ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 10,44%.
Mặt khác, sản xuất hàng hóa có quy mô nhỏ, manh mún với đơn vị sản xuất chính vẫn là hộ gia đình; chưa xây dựng được các chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả; chất lượng môi trường có xu hướng giảm đi kèm với quá trình biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển bền vững. Khả năng phát triển bằng nội lực của người dân tộc thiểu số còn hạn chế; một số tập quán văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị xói mòn trong khi có những tệ nạn mới như ma túy có xu hướng diễn biến phức tạp trong cộng đồng.
Do đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị.
Cơ hội lớn từ Chương trình MTQG 1719
Thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong giai đoạn 1 (2021 - 2025) kế hoạch ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị gần 1.479 tỉ đồng để thực hiện 6 dự án: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Ngay sau khi Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về: Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG 1719 được ban hành, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp các sở, ngành địa phương liên quan, tham mưu xây dựng trình HDND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2022/NQ -HĐND ngày 31/5/2022 về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình MTQG 1719. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chi tiết thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025.
Công tác chỉ đạo, điều hành được kiện toàn theo hệ thống quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã (theo quy định của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP). Nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện và tham mưu hướng dẫn thực hiện 10 Dự án thành phần của Chương trình đã được giao cụ thể cho các sở, ngành và UBND huyện vùng đồng bào DTTS.
Song song là công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền được các cấp, các ngành quan tâm chú trọng, thường xuyên phổ biến, quán triệt sâu rộng về mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình và các nội dung trong Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 15/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Nội dung tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về Chương trình MTQG 1719; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong xã hội, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình MTQG 1719.
Hiện nay, hầu hết các địa phương ở Quảng Trị đang triển khai các thủ tục giải ngân nguồn vốn đối với Dự án 1 được phân bổ trong kế hoạch năm 2022 và năm 2023. Rà soát, quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án 2 về Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, công trình nhà văn hóa thôn, công trình nước sinh hoạt tập trung, công trình điện sinh hoạt, công trình trường tiểu học triển khai việc hỗ trợ phát triển sản xuất.
Tỉnh cũng đã hỗ trợ xong 34 lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên người DTTS. Thực hiện Tiểu dự án 2 (Dự án 9) về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", Ban Dân tộc đã tổ chức xong 20 lớp tập huấn, nhằm nâng cao kỹ năng truyền thông cho nhóm nòng cốt tại cộng đồng thôn bản; tổ chức 10 buổi Tọa đàm giao lưu tìm hiểu kiến thức tại 10 trường học vùng DTTS (Trường Dân tộc nội trú, Dân tộc bán trú); Tổ chức 10 Hội thi tại các xã có tỷ lệ số vụ tảo hôn cao. Tiến hành cấp phát 62 USB để trình chiếu phim ảnh tuyên truyền do Ủy ban Dân tộc, Đài Truyền hình Quốc hội sản xuất; treo 31 tấm Pano tuyên truyền song ngữ Việt–Bru Vân Kiều đến 31 xã ở vùng DTTS và miền núi.
Thực hiện Dự án 10, Ban Dân tộc cùng các huyện tổ chức 03 Hội nghị biểu dương điển hình Người có uy tín, 02 Hội nghị cung cấp thông tin về Kế hoạch Chương trình MTQG 1719 và phát huy vai trò Người có tín trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 01 Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật; 6 đợt truyền thông trợ giúp pháp lý, gián 2.200 tờ gấp pháp luật với nội dung trợ giúp pháp kèm theo.
Chương trình 1719 đã đạt được những kết quả ban đầu
Mặc dù thời gian chính thức triển khai thực hiện các nội dung (Tiểu dự án, Dự án) của Chương trình chỉ mới được hơn 01 năm (thời điểm Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc có hiệu lực thi hành ngày 15/8/2022), nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tinh thần quyết tâm cao của cộng đồng, Chương trình 1719 đã đạt được những kết quả ban đầu, có tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các DTTS ở Quảng Trị.
Nổi bật là hộ nghèo DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, thôn bản đặc biệt khó khăn được giải quyết tình trạng thiết thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo điều kiện cụ thể của từng tiểu vùng (Dự án 01). Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân (Tiểu dự án 1 - Dự án 3).
Đi cùng với nội dung hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cộng đồng vùng DTTS được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống (Dự án 4). Đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; thực hiện bình đẳng giới (Dự án 8); giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Tiểu dự án 2 -Dự án 9). Xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng DTTS (Dự án 10).
Theo số liệu báo cáo của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo ở 28 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) từ đầu năm 2022 đến đầu năm 2023 giảm 5,85%, vượt trên mục tiêu Chương trình đặt ra (hàng năm giảm 3-4%). Đây là dấu hiệu khởi sắc bước đầu sau một thời gian ngắn thực hiện mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của Chương trình MTQG 1719.
Với những kết quả đã đạt được và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân vùng DTTS trong thực hiện, thụ hưởng Chương trình sẽ khơi dậy, phát huy nguồn nội lực, tiềm năng vốn có để đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Quảng Trị.
Bình An