- 15 năm Internet Việt Nam là dịp để nhìn lại internet nói riêng và công nghệ thông tin truyền thông nói chung đã đang và sẽ thay đổi giáo dục như thế nào, đâu là xu thế, hình hài của hệ thống giáo dục mới. Đây cũng là nội dung thảo luận của buổi tọa đàm: "Internet đã, đang và sẽ thay đổi cách dạy và học như thế nào?" diễn ra tại Hà Nội ngày 5/12.
Khách mời cùng thảo luận “Internet đã, đang và sẽ thay đổi cách dạy và học như thế nào?” |
Sứ mệnh mới của đại học
Nhờ internet, mọi ranh giới quốc gia bị xóa bỏ, cơ hội học tập trở nên bình đẳng với mọi người và do đó, giáo dục cũng cần những đổi thay tất yếu. Tại tọa đàm “Internet đã, đang và sẽ thay đổi cách dạy và học như thế nào?” các diễn giả đã thẳng thắn nhìn nhận về những tác động mạnh mẽ của internet đến việc dạy và học, cách quản lý giáo dục ở Việt Nam trong nhiều năm qua.
Một thế hệ công dân hiện đại đang chớm nở cùng với sự phát triển của internet và giáo dục cần nhanh chóng thích ứng, để góp phần phát triển những thế hệ kế tiếp.
Theo ông Nguyễn Bá Quỳnh (Phó tổng giám đốc IBM Việt Nam) cần đặt ra tham vọng cho trường ĐH Việt trong tương lai: ĐH phải là môi trường lý tưởng giúp sinh viên phát huy tối đa những khả năng của bản thân đó là “vừa là nơi tăng cường tri thức cho người học, vừa là nơi kết nối cung cấp và tiếp nhận những tinh hoa tri thức từ thế giới”.
Ông Lê Trường Tùng – hiệu trưởng ĐH FPT bày tỏ quan điểm đại học Việt Nam cần phải đón nhận những “sứ mệnh” mới để tự hoàn thiện. Theo đó, hai sứ mệnh cơ bản của trường đại học là đào tạo và nghiên cứu. “Với sự dịch chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức định hướng dịch vụ, một trường đại học tốt, trường có đẳng cấp là trường đào tạo tốt, nghiên cứu tốt, có việc làm tốt cho sinh viên và tính toàn cầu hóa cao” – ông Tùng nói.
Bằng những kết quả nghiên cứu cụ thể về việc tiếp cận và sử dụng internet của thanh niên và người dân Việt Nam, ông Vũ Mạnh Lợi – Viện xã hội học- Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: Có sự phân tầng trong sử dụng internet, về cơ bản chỉ những người có trình độ đại học mới có kỹ năng đáng kể để sử dụng internet. Và do dó, “cần một lộ trình để phổ biến giáo dục Đại học tới toàn dân và tiếp tục tìm kiếm một chương trình giáo dục phù hợp nhằm xây dựng thế hệ công dân mới hội nhập được với môi trường toàn cầu hóa hiện nay” – ông Lợi chia sẻ.
"Phải đưa tiếng Anh thành công cụ cho mọi người có học"
Ông Lê Trường Tùng – hiệu trưởng ĐH FPT phát biểu tại tọa đàm |
15 năm xuất hiện ở Việt Nam, internet đã thay đổi những thói quen, phương pháp học tập truyền thống. Thầy và trò ngoài trao đổi kiến thức sách vở, còn có thể cùng chia sẻ những kiến thức, bài học, ví dụ thực tế lấy từ mạng internet.
Lấy việc học ngay trong lớp của mình, một giảng viên Viện Khoa học xã hội nhận xét: “Kiến thức của một giảng viên tích lũy hàng chục năm, có thể không bằng kiến thức của hàng chục sinh viên nghiên cứu và tìm kiếm, chọn lọc từ internet. Do đó cần khuyến khích, thúc đẩy học sinh, sinh viên học tập, tìm tòi trên internet”.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của người Việt khi tiếp cận với nguồn tài nguyên này chính là ngoại ngữ.
Về điều này, ông Lê Trường Tùng – hiệu trưởng FPT khẳng định : “Một trong những kỹ năng quyết định thành công, mang tính sống còn của mọi công dân, đặc biệt thế hệ 8x là kỹ năng toàn cầu hóa. Muốn trang bị tốt kỹ năng này thì cần phải đưa tiếng Anh trở thành công cụ cho mọi người có học, xóa bỏ hiệu ứng “vùng trũng tiếng Anh” của Việt Nam, đưa Việt nam nhanh chóng trở thành 1 trong 10 quốc gia có số người nói tiếng Anh đông nhất thế giới”.
Trao đổi tại tọa đàm, nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng, để làm được điều này, giáo dục còn phải vượt qua rất nhiều chặng đường gian khó, nhất là khi có những thực trạng đáng buồn như “khi khảo sát, đến 90% giáo viên dạy tiếng Anh ở các tỉnh thành không biết gì về tiếng Anh, chỉ dạy bằng cách đọc, viết...”.
“Vậy giải pháp “xóa mù” tiếng Anh như thế nào? Có nên chờ đợi những đề án của Bộ GD phải 10 – 20 năm mới triển khai hay không? Mỗi người chúng ta có thể bắt đầu làm, ngay từ chính mình. Tự trau dồi tiếng Anh, áp dụng việc dạy và học tiếng Anh ngay từ trong gia đình để con em mình chủ động và dễ dàng tiếp cận với việc học hơn nữa” – một khách mời chia sẻ.
- Quỳnh Anh