Để tiếp tục thúc đẩy, tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, gắn bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất tiếp tục thực hiện Đề án số 04 trong giai đoạn 2022 - 2025.

Với mục tiêu hình thành Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh từ nguồn vốn xã hội hóa; giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2021; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025 chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; phấn đấu đến năm 2025, 100% diện tích đất quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao được thu hồi để triển khai thực hiện; công nhận tối thiểu 05 vùng và 5 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tính đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 269 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 5.387 lao động nông thôn. Hàng năm, các doanh nghiệp đóng góp khoảng 25% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

Để thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển, các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước và quốc tế cũng được đẩy mạnh thực hiện. Tỉnh cũng ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng khu, vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực phát triển trang trại công nghệ cao trong nông nghiệp; tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời,  tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm gia tăng thu nhập cho người dân.

Đồng thời, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đề ra giải pháp chủ yếu để tỉnh sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra như sau:

Các cấp ủy đảng, các sở, ban, ngành, các đoàn thể, các địa phương, cơ quan, đơn vị thường xuyên, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; nội dung kế hoạch và kết quả phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân, trong đó lấy doanh nghiệp và người dân làm chủ thể. Đồng thời, tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm gia tăng thu nhập cho người dân. Xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến, về các mô hình, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp thông minh, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Kịp thời khen thưởng, động viên đối với các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh để tập trung chỉ đạo, xây dựng phương án, kế hoạch và lộ trình để thực hiện có hiệu quả Đề án cho giai đoạn 2022-2025. Thành lập các tổ công tác về quy hoạch, đất đai; trồng trọt; chăn nuôi và thủy sản; tiêu thụ và chế biến. Ban chỉ đạo và tổ xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cho từng năm và cả giai đoạn 2022 -2025.

Hình thành Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại khu đất xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức với diện tích 10 ha để thực hiện các chức năng của Khu nông nghiệp công nghệ cao theo hình thức xã hội hóa.

Tiếp tục triển khai áp dụng các quy định, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết, khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp; triển khai chính sách tín dụng theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQCP của Chính phủ; hỗ trợ lãi suất tín dụng phát triển sản xuất tại các xã xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, thủy sản,... khuyến khích các hộ dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng khu, vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực phát triển trang trại công nghệ cao trong nông nghiệp, xúc tiến thương mại nông nghiệp, tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Kêu gọi đầu tư, phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở các vùng nuôi trồng tập trung hiện có trên địa bàn tỉnh, khuyến khích đầu tư đối với các sản phẩm chủ lực. Vận động các tổ chức đầu mối liên kết đăng ký chứng nhận vùng nông nghiệp công nghệ cao khi đạt đủ các tiêu chí quy định. Có chính sách, giải pháp thúc đẩy hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao; trong đó, có thể hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao từ liên kết sản xuất diện tích tập trung cây trồng, vật nuôi có sẵn hoặc có thể hình thành từ việc đầu tư quy mô lớn của các doanh nghiệp trên quỹ đất được quy hoạch, phấn đấu đến năm 2025 hình các vùng nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương.

Khuyến khích các công ty cao su lập dự án chuyển đổi diện tích trồng cao su hiệu quả thấp sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục thu hồi đất Công ty Cao su Bà Rịa để thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; mời gọi doanh nghiệp đầu tư mở rộng các mô hình thí điểm đã được đề xuất tại Đề án nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel tại tỉnh bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Thực hiện hợp tác công - tư trong phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị gia tăng sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, bảo đảm lợi ích của các đối tượng tham gia dự án hoặc phương án hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch, gắn phát triển du lịch với việc tổ chức các hoạt động, chương trình công bố, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhất là các sản phẩm chế biến sâu tại tỉnh thông qua các hội chợ, hội nghị, diễn đàn thương mại xúc tiến đầu tư; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho các mặt hàng nông sản và xây dựng trang thông tin điện tử quảng bá các sản phẩm nông sản công nghệ cao của tỉnh. Thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ, nhóm sở thích, nhóm liên kết, nhóm liên gia có sự tham gia của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc phát triển nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, giống có năng suất cao, chất lượng cao, chống chịu được sâu bệnh, có thời gian sinh trưởng ngắn vào sản xuất nông sản của tỉnh. Đối với giống mới, hàng năm cần tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai hiệu quả. Đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa trang thiết bị và cơ sở vật chất; ứng dụng toàn diện và đồng bộ các kỹ thuật phục vụ sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh theo hướng bền vững, không gây hại cho môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và sản xuất các thiết bị phục vụ cơ giới hóa chăn nuôi và trồng trọt. Tăng cường hợp tác với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, các nước trong khu vực và thế giới về khoa học công nghệ trong sản xuất, phòng chống dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông sản; thiết lập hệ thống thông tin quản lý nông sản trên địa bàn tỉnh. Thực hiện xã hội hóa đào tạo nghề bảo đảm cho nông dân tiếp cận được các công nghệ mới đưa vào áp dụng trong sản xuất và khai thác các nguồn tài nguyên, sử dụng các thiết bị, máy móc vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình khuyến nông, khuyến lâm; các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn…để phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hàng năm ngân sách tỉnh dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương cho ngành nông nghiệp để thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án, xây dựng các mô hình sản xuất phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Chuyển đổi quy hoạch diện tích đất thu hồi của Công ty Cao su Bà Rịa tại xã Cù Bị, huyện Châu Đức sang phát triển Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ. Dừng triển khai thực hiện Đề án đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và Đề án nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp công nghệ cao của Israel tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phú Mỹ