Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh của quốc gia, có diện tích tự nhiên 9.068,8 km2, dân số trên 460 nghìn người, với 8 đơn vị hành chính (7 huyện, 1 thành phố). Tỉnh có đường biên giới dài 265,165 km tiếp giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, với 101 mốc giới (từ mốc 16 đến mốc 85), 1 cửa khẩu song phương Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà và nhiều lối mở trên tuyến biên giới Việt Nam  - Trung Quốc. 

W-cuakhau.png
Khu vực cửa Khẩu Ma Lù Thàng nhìn từ trên cao

Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với sự đầu tư đúng hướng, có hiệu quả, kinh tế ở khu vực biên giới từng bước phát triển, sản xuất nông nghiệp có chuyển biến, các mô hình sản xuất mới có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2018 đạt 39.684 tấn, tăng hơn 2.300 tấn so với năm 2016; sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người đạt 474 kg/người/năm; một số cây trồng chính phù hợp với đặc điểm từng vùng được mở rộng và phát triển, như cây chuối có diện tích 2.894 ha, tăng trên 350 ha so với năm 2016, cây thảo quả có diện tích 3.175 ha, tăng 250 ha so với năm 2016, cây dược liệu có diện tích 712,6 ha,... Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm được duy trì ổn định, hằng năm đạt trên 5%, bước đầu phát triển mô hình chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ và làm chuồng trại với 4 mô hình tại các xã Pa Ủ, Tá Pạ, Pa Vệ Sủ của huyện Mường Tè; tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 đạt 59,5%, tăng 1,5% so với năm 2016. Tình hình thương mại, dịch vụ các xã biên giới tương đối ổn định, hàng hóa đa dạng, phong phú, giá cả phù hợp; các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất được bảo đảm; hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu ngày càng sôi động, giá trị xuất khẩu hàng địa phương năm 2018 đạt 20 triệu USD, tăng gần 14 triệu USD so với năm 2016;...

Kinh tế biên mậu đã góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ thương mại, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của Nhân dân khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Theo số liệu của Cục Thống kê Lai Châu, trong 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước đạt 5.933.672 triệu đồng, tăng 13,30% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị xuất, nhập khẩu trên địa bàn ước đạt 34,16 triệu USD, với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là chè (2.278 tấn); giá trị nhập khẩu hàng hóa đạt 20,99 triệu USD, với mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thiết bị thủy điện (20,90 triệu USD).

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu là một trong những điểm nhấn trong Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh có kinh tế, xã hội trên mức trung bình của cả nước, quy hoạch tỉnh Lai Châu cũng định hướng mở thêm một cửa khẩu song phương.

Theo phương hướng phát triển, ngành dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại, bền vững trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh của Tỉnh và theo kinh tế thị trường; chú trọng xây dựng, phát triển bền vững dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa; tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, phát huy vai trò là cửa ngõ thông thương giữa các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng; mở thêm một cửa khẩu song phương tại huyện Mường Tè. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ từ 13 - 14%/năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng bình quân 13%/năm, giá trị đến năm 2030 đạt khoảng 230 triệu USD. Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng trở thành một động lực phát triển kinh tế của tỉnh Lai Châu.

Nhóm PV