Trong tình thế ngặt nghèo sau khi giành độc lập tháng 8/1945, phải đối phó căng thẳng với âm mưu “Hoa quân nhập Việt” để “Diệt cộng cầm Hồ” của quân đội Tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tuyên bố: “Hai nước Trung Hoa và Việt Nam có liên lạc với nhau về kinh tế và chính trị thì hai dân tộc không thể không có sự tương trợ, tương thân”. Nhưng khi Lư Hán đòi cấp thêm gạo cho đội quân của ông ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thừng bác bỏ vì nhân dân Việt Nam còn đang trải qua nạn đói trầm trọng.

LTS: Nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2014), VietNamNet giới thiệu bài viết của TS Ngô Vương Anh về tư tưởng Hồ Chí Minh trong đấu tranh ngoại giao hòa bình:

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một trong số ít lãnh tụ cách mạng nhận thức được sự chuyển biến của thời đại sẽ làm thay đổi quan hệ giữa các quốc gia dân tộc trên phạm vi toàn cầu. Người coi đấu tranh thiết lập quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia, chống lại mọi sự áp đặt, thống trị bất công của các “nước lớn” cũng là sự hoàn chỉnh của công cuộc giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Việt Nam muốn xây dựng quan hệ hữu nghị dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng quyền lợi lẫn nhau” với Pháp nhưng “kiên quyết chống bọn thực dân Pháp đang chuẩn bị và bắt đầu chiến tranh xâm lược”.

Với các nước láng giềng thì “hợp tác bình đẳng để sánh vai ngang hàng cùng tiến hóa”, với các “nước lớn” thì “sẵn sàng hợp tác thân thiện trên nguyên tắc bình đẳng, ủng hộ lẫn nhau” (Thông cáo về chính sách đối ngoại của Việt nam Dân chủ Cộng hòa, 3/10/1945) được coi là những nguyên tắc quan trọng.

{keywords}
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ký bản tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9/1946. Ảnh tư liệu

Trong việc đoàn kết với nhân dân các nước láng giềng, Hồ Chí Minh luôn hướng tới đại cục, vì lợi ích lâu dài của mỗi nước, phù hợp với đặc điểm tình hình và tôn trọng quyền tự quyết của mỗi dân tộc nhằm tạo lập ổn định bên ngoài để thực hiện mục tiêu chiến lược của cách mạng trong nước.

Cần nhớ lại rằng, trong tình thế ngặt nghèo sau khi giành lại được độc lập tháng 8/1945, phải đối phó căng thẳng với âm mưu “Hoa quân nhập Việt” để “Diệt cộng cầm Hồ” của quân đội Tưởng, Hồ Chí Minh vẫn tuyên bố: “Hai nước Trung Hoa và Việt Nam có liên lạc với nhau về kinh tế và chính trị thì hai dân tộc không thể không có sự tương trợ, tương thân” (Báo Cứu quốc, ngày 8/10/1945). Nhưng khi Lư Hán đòi cấp thêm gạo cho đội quân của ông ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thừng bác bỏ vì nhân dân Việt Nam còn đang trải qua nạn đói trầm trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cố gắng dùng con đường ngoại giao để tranh thủ hoà bình. “Chúng ta muốn hòa bình chúng ta phải nhân nhượng...” (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, 19/12/1946). Cả khi buộc phải cầm vũ khí chiến đấu thì thương lượng hoà bình vẫn là một trong những giải pháp Người cố gắng đạt được.

Với cái nhìn khoan dung văn hóa và một văn hóa khoan dung ngời sáng, Hồ Chí Minh luôn tìm được và nhấn mạnh những điểm tương đồng, những mẫu số chung - là điều có thể đưa những người đối thoại xích lại gần nhau, chấp nhận thoả hiệp và nhân nhượng để tìm được tíếng nói chung, để có thể đi chung một con đường thậm chí chỉ một đoạn đường - hướng tới cái đích chung trong khi vẫn bảo lưu những cái khác biệt. Những điểm chung đó là những giá trị mang tính phổ quát: những nguyên tắc đạo đức, lòng nhân, tính thiện, tình yêu tự do, khát vọng độc lập dân tộc...

“Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành ghét sự dữ”. Cũng với phương châm tìm ra những điểm tương đồng làm cơ sở để thu nhận những giá trị, để hoà đồng, để phát triển tình hữu nghị, Hồ Chí Minh là người đưa bàn tay hữu nghị thân ái của nhân dân Việt Nam tới với các dân tộc khác, các nền văn hoá khác.

Với đối phương, những luận điểm của Người cũng đầy tính thuyết phục: “Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập... Nhưng chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi".

Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã tập hợp được sự ủng hộ rộng lớn của loài người tiến bộ, đã hình thành măt trận rộng rãi của nhân dân thế giới ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, trong đó có cả nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ, vì cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng ta mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo vệ những giá trị thiêng liêng trong lương tâm của nhân loại.

Nhà nghiên cứu Mỹ David Halberstam viết: “Cụ Hồ Chí Minh chẳng những đã giải phóng đất nước mình, đã thay đổi chiều hướng của chế độ thuộc địa ở châu Á lẫn châu Phi mà Cụ còn làm được một điều đáng chú ý hơn: dùng tới văn hoá và tâm hồn kẻ địch để chiến thắng”.

Trong tư tưởng và mọi hoạt động ngoại giao, Hồ Chí Minh luôn “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn / Lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Chúng ta bất khuất, kiên cường chống chiến tranh xâm lược nhưng luôn mở cánh cửa cho quân viễn chinh rút khỏi Việt Nam Khi đã đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, chúng ta vẫn đại lượng mở lòng hiếu sinh tha cho quân xâm lược trở về quê cũ trong bình yên để tránh đổ máu thêm cho hai dân tộc. Tổng binh Vương Thông và mười vạn tàn quân Minh đã trở về nước năm 1428 trong tình thế đó.

“Nghĩ về kế lâu dài của nhà nước
Tha cho kẻ hàng mười vạn sĩ binh
Sửa hoà hiếu cho hai nước
Tắt muôn đời chiến tranh” .

Toàn bộ quân viễn chinh, cố vấn quân sự và tù binh Mỹ cũng ra khỏi Việt Nam tháng 3/1973 như thế.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cái bất biến” là độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân - đó là những điều bất khả xâm phạm. “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (Tuyên ngôn độc lập).

Linh hoạt, sáng tạo “ứng vạn biến” trong những giai đoạn nhất định để đạt được mục tiêu đưa cách mạng tiến lên nhưng tuyệt đối không được làm tổn hại đến “cái bất biến” là mục tiêu lâu dài. Ngoại giao Việt Nam hôm nay đang tiếp nối những điều đó, phấn đấu cho hòa bình, cùng phát triển với các nước khác trong hòa bình, ổn định, độc lập và tôn trọng chủ quyền.

TS Ngô Vương Anh