Bài viết của tác giả Daphne Koller đăng trên tờ New York Times nói về vai trò và lợi ích của công nghệ trong việc tiến tới một nền giáo dục cá nhân hóa hiệu quả hơn.
    
Hệ thống giáo dục của chúng ta đang ở trong tình trạng khủng hoảng. Trong số các quốc gia phát triển, Mỹ đứng thứ 55 trong bảng xếp hạng chất lượng giáo dục môn Khoa học và Toán tiểu học, đứng thứ 20 về tỷ lệ hoàn thành bậc học phổ thông và đứng thứ 27 trong số ít những sinh viên đại học nhận được bằng tốt nghiệp đại học lĩnh vực khoa học, kĩ thuật.

Là một xã hội, chúng ta có thể và nên đầu tư nhiều tiền hơn vào giáo dục. Nhưng đó chỉ là một phần của giải pháp. Cái giá đắt đỏ của giáo dục chất lượng cao đặt nó ra khỏi những giới hạn với bộ phận lớn dân số, cả ở Mỹ và ở nước ngoài, và đe dọa vị trí của trường học trong toàn bộ xã hội. Chúng ta cần giảm đáng kể những chi phí đó, đồng thời nâng cao chất lượng.

Nếu những mục tiêu này có vẻ mâu thuẫn, thì hãy cùng xem xét một ví dụ từ lịch sử. Vào thế kỉ thứ 19, 60% lực lượng lao động của Mỹ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, và chúng ta thường xuyên thiếu lương thực. Hiện tại, nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến 2% lực lượng lao động và chúng ta dư thừa lương thực.

Chìa khóa cho sự chuyển đổi này là việc sử dụng công nghệ - từ những chiến lược luân canh cây trồng tới máy móc nông nghiệp được GPS dẫn đường – một công nghệ giúp tăng năng suất đáng kể. Ngược lại, cách tiếp cận của chúng ta với giáo dục vẫn hầu như không thay đổi kể từ thời Phục Hưng: từ bậc trung học tới đại học, hầu hết việc giảng dạy được thực hiện bởi một người hướng dẫn giảng dạy cho một phòng học đầy học sinh và chỉ có một số trong đó chú ý nghe giảng.

Làm thế nào để vừa cải thiện được chất lượng giáo dục vừa cắt giảm được chi phí? Năm 1984, nhà tâm lý giáo dục người Mỹ Benjamin Bloom đã cho thấy rằng việc dạy kèm riêng mang lại nhiều hiệu quả hơn học tập trong môi trường giảng dạy tiêu chuẩn: Sinh viên được dạy kèm có kết quả học tập tốt hơn 98% sinh viên học trong những lớp học tiêu chuẩn.

Cho đến nay, vẫn còn rất khó để tìm ra cách làm cho giáo dục cá nhân hóa có cái giá phải chăng hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng công nghệ có thể cung cấp một con đường dẫn đến mục tiêu này.

Xem xét sự thành công của Học viện Khan – nơi mà Salman Khan cố gắng dạy Toán từ xa cho những cậu em họ của ông. Ông đã ghi lại những đoạn video ngắn kèm theo những lời giải thích và đăng tải chúng lên trang web, bổ sung bằng những bài tập tự phân loại. Cách tiếp cận đơn giản này thuyết phục đến mức hiện tại đã có hơn 700 triệu video được hàng triệu người xem.

Tại Stanford, gần đây chúng tôi đã tổ chức 3 khóa học khoa học máy tính trực tuyến bằng cách sử dụng cách làm tương tự. Đáng chú ý là trong 4 tuần đầu tiên đã có 300.000 sinh viên đăng kí những khóa học này, với hàng triệu lượt xem video và hàng trăm nghìn bài luận được nộp.

Chúng ta có thể học được gì từ những thành công này? Trước hết, chúng ta thấy rằng nội dung video hấp dẫn với sinh viên và dễ dàng để người hướng dẫn tạo ra.

Thứ hai, trình bày nội dung trong những tệp tin ngắn, kích cỡ tính bằng bite, chứ không phải là những bài giảng dài hàng giờ, thích hợp để thu hút sự chú ý của sinh viên hơn; đồng thời mang lại sự linh hoạt trong việc điều chỉnh bài giảng với mỗi nhóm sinh viên. Những sinh viên chuẩn bị chưa cẩn thận có thể nghiên cứu bài giảng lâu hơn mà không cảm thấy khó chịu với những phản ứng của bạn cùng lớp hoặc người hướng dẫn.

Ngược lại, những sinh viên có năng khiếu về một vấn đề có thể nghiên cứu nhanh, tránh sự nhàm chán và ràng buộc. Tóm lại, tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận bằng kinh nghiệm riêng của mình – giống như dạy kèm.

Xem xét một cách thụ động chưa đủ. Cam kết qua những bài tập và đánh giá là một phần quan trọng của học tập. Những bài tập này được thiết kế không chỉ để đánh giá việc học tập của sinh viên mà quan trọng hơn là để nâng cao sự hiểu biết bằng cách khuyến khích khả năng hủy bỏ và đặt ý tưởng vào bối cảnh.

Hơn nữa, kiểm tra giúp sinh viên tiến bộ hơn khi họ đã nắm vững một khái niệm, chứ không phải là khi họ dành khoảng thời gian quy định nhìn chằm chằm vào giáo viên đang giảng giải khái niệm đó.

Đối với nhiều loại câu hỏi, chúng ta hiện có những phương pháp tự động đánh giá sản phẩm của sinh viên, cho phép họ luyện tập trong khi nhận được những phản hồi tức thì về kết quả của mình.

Tất nhiên, sự tương tác giữa sinh viên và máy tính có thể để lại nhiều lỗ hổng. Sinh viên cần có khả năng đặt câu hỏi và thảo luận. Chúng ta mở rộng sự tương tác như thế nào tới hàng chục nghìn sinh viên?

Những khóa học Stanford của chúng tôi cung cấp một diễn đàn mà trong đó sinh viên có thể bầu chọn cho những câu hỏi và câu trả lời, cho phép những câu hỏi quan trọng nhất được trả lời nhanh chóng – thường là bởi một sinh viên khác. Trong tương lai, chúng ta có thể điều chỉnh công nghệ Web để hỗ trợ nhiều định dạng tương tác hơn, giống như những cuộc thảo luận nhóm thời gian thực, chi phí thấp nhưng quy mô lớn.

Nói rộng ra, định dạng trực tuyến cung cấp cho chúng ta khả năng xác định cái gì hoạt động. Cho đến nay, nhiều nghiên cứu giáo dục dựa trên số lượng một vài chục sinh viên. Công nghệ trực tuyến có thể nắm bắt mọi cái kích chuột: sinh viên xem gì nhiều hơn 1 lần, họ dừng lại chỗ nào, họ sai sót cái gì. Khối lượng dữ liệu này là một nguồn tài nguyên vô giá để hiểu được quá trình học tập và tìm ra những chiến lược nào thực sự phục vụ sinh viên tốt nhất.

Một số người cho rằng giáo dục trực tuyến không thể dạy được những kĩ năng giải quyết vấn đề sáng tạo và tư duy phê phán. Nhưng để luyện tập kĩ năng giải quyết vấn đề, đầu tiên một sinh viên phải nắm vững những khái niệm nhất định. Bằng cách cung cấp một giải pháp hiệu quả cho bước đầu tiên này, chúng ta có thể tập trung thời gian quý giá trên lớp học vào những hoạt động giải quyết vấn đề mang tính tương tác để hiểu sâu hơn và tăng cường sáng tạo.

Theo cách thức này, giáo viên có thời gian để tương tác với sinh viên, khuyến khích và thách thức họ. Mặc dù sự có mặt trong lớp học Stanford của tôi là không bắt buộc, nhưng nó hiệu quả hơn đáng kể so với các lớp học truyền thống. Và sau khi khu vực trường học ở Los Altos, Bắc California thông qua phương pháp kết hợp này bằng cách sử dụng Học viện Khan thì học sinh lớp 7 ở lớp học Toán dành cho học sinh yếu kém đã cải thiện học lực đáng kể - mức thành thạo hoặc tiến bộ tăng từ 23% lên 41%.

Một phân tích vào năm 2010 được Bộ Giáo dục tiến hành dựa trên 45 nghiên cứu cho thấy học trực tuyến có hiệu quả như học trực tiếp, và học kết hợp có hiệu quả hơn cả.

Giáo dục trực tuyến có thể phục vụ 2 mục tiêu. Với những sinh viên may mắn tiếp xúc với giáo viên tốt, học tập kết hợp thậm chí còn thu được kết quả tốt hơn với cùng mức chi phí đó. Với hàng triệu người ở đây và ở nước ngoài – những người thiếu sự tiếp cận với một nền giáo dục tốt và mang tính cá nhân, học tập trực tuyến có thể mở ra những cánh cửa vẫn còn đóng.

Nelson Mandela từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới”.

Bằng cách sử dụng công nghệ trong ngành giáo dục, chúng ta có thể thay đổi thế giới trong cuộc đời mình.

  • Nguyễn Thảo (Theo NYTimes)