- Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh (giảng viên Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam) và Lê
Minh Sơn (giảng viên Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) đã có những chia sẻ thẳng thắn về chuyện lương bổng, về công việc giảng dạy và đặc biệt quyết định xin thôi giảng dạy gây xôn xao
dư luận của ca sĩ Trọng Tấn.
Hồ Hoài Anh không vui trước quyết định của Trọng Tấn
10 năm gắn bó với Học viện âm nhạc quốc gia và đến thời điểm này vẫn tiếp tục công việc giảng dạy. Điều gì níu chân anh vẫn ở lại ngôi trường này?
- Tôi có 15 năm theo học ở Học viện âm nhạc quốc gia. Sau khi tốt nghiệp tôi được giữ lại làm giảng viên Khoa âm nhạc truyền thống, bộ môn đàn bầu. Thời gian tôi làm giảng viên từ 2003 cùng thời điểm với ca sĩ Trọng Tấn. Phải nói rằng thực sự yêu nghề thì tôi mới trụ đến giờ.
Một tuần tôi dạy 15 tiết. Tuy nhiên cũng phải tùy theo bộ môn vì có môn nhiều học sinh mà nhiều thầy giáo dạy. Như bên khoa âm nhạc dân tộc của tôi thì giảng viên rất đông.
Tiền lương anh nhận được từ công việc giảng viên là bao nhiêu?
- Trước đây thì tôi có nhớ mức lương nhận được nhưng hiện tại thì không vì lương chuyển về tài khoản mà tài khoản đó tôi lại đưa cho mẹ. Việc giảng dạy trong trường không chỉ mình tôi mà nhiều giáo viên khác vì tình yêu nghệ thuật rất nhiều. Mỗi lần một kỳ học trò mình thi đều rất lo lắng và hồi hộp.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh
Môi trường Học viện âm nhạc quốc gia là môi trường đào tạo thanh nhạc hàng đầu. Nhiều người mong muốn được làm giảng viên. Còn tất nhiên khó khăn nghề thầy giáo trợ cấp như mọi người biết rồi, đâu chỉ Học viện âm nhạc quốc gia đâu. So với nghệ sĩ biểu diễn thì đồng lương đó quá nhỏ.
Giả dụ anh có show diễn mà lại trùng đúng vào hôm phải lên lớp thì phải giải quyết ra sao?
- Ở trường tôi được ưu ái nhiều. Nếu có show diễn hoặc sự kiện trùng với đúng ngày mình phải lên lớp thì tôi có thể nhờ dạy hộ. Học chuyên ngành đàn có điểm đặc biệt là dạy học một thầy một trò. Nói chung trong công việc giảng dạy tôi thu xếp để sao cho linh hoạt.
Ví dụ một tuần 1 tiết nhưng những lúc rảnh thì tôi lại tăng lên 1 tuần 2 hoặc 3 buổi cho học sinh chẳng hạn, miễn sao hoàn thiện đủ giáo trình. Theo từng năm đánh được bài này bài kia và học trò của mình thi đạt kết quả tốt là ổn.
Ngoài ra, tôi cũng tham gia nhiều công việc chung của trường. Vì nhà trường cũng có nhiều buổi hòa nhạc, có dàn nhạc, nên tôi cũng viết bài cho dàn nhạc, dựng bài cho dàn nhạc mỗi khi cần nữa. Nói chung cũng là thầy giáo rất tích cực trong các hoạt động của trường.
Với tư cách đồng nghiệp, anh ủng hộ hay không ủng hộ quyết định thôi không làm giảng viên Học viên âm nhạc quốc gia của ca sĩ Trọng Tấn?
- Tôi thấy thực sự tiếc vì anh Tấn là một nghệ sĩ giỏi. Tôi biết anh Tấn chắc đã phải suy nghĩ, đắn đo nhiều lắm mới đưa ra quyết định như vậy. Nghề nhạc không giống nghề khác, thường những giảng viên được ở lại trường phải có một quá trình gắn bó nên khi xa nó là một sự khó khăn vô cùng.
Anh Trọng Tấn có nỗi khổ của anh ấy. Ở cương vị đồng nghiệp, tôi thấy anh Trọng Tấn có nhiều kinh nghiệm của một ca sĩ đã được đại chúng công nhận lại dạy học môi trường chính quy, học thuật nên rất tốt cho các học sinh, sinh viên.
Lê Minh Sơn: Tôi tôn trọng quyết định của Trọng Tấn
Anh học ở Học viện âm nhạc quốc gia nhưng rồi lại đầu quân cho Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội làm giảng viên. 12 năm đứng trên bục giảng, anh nhận thấy điều gì là quan trọng nhất của một người thầy?
- Tôi tốt nghiệp Học viện âm nhạc quốc gia sau 14 năm theo học. Từ năm 1998 tôi về làm giảng viên ở Cao đẳng Nghệ thuật HN đến bây giờ. Đây là ngôi trường giáo viên dạy nghệ thuật nên có đặc thù riêng. Người thầy dạy các em học sinh bằng chính sự nghiệp của mình. Nhân cách, đạo đức thể hiện bằng chính tác phẩm, bằng tiếng đàn của mình.
Xin lỗi anh vì đề cập tới chuyện hơi tế nhị liên quan đến thu nhập. Tôi thực sự không biết một giảng viên có thâm niên như anh thì mỗi tháng lĩnh được bao nhiêu tiền lương? Có thông tin rằng mức lương một giảng viên như anh là từ 1,8 đến 2 triệu/tháng. Thực hư chuyện này thế nào, thưa anh?
- Lương của tôi theo biên chế nhà nước, theo hệ số lương. Tôi phải nói với bạn rằng những người dạy như chúng tôi không phải vì đồng lương đâu mà vì điều gì đó không giải thích được. Ở trường Cao đẳng nghệ thuật tôi đã trải qua 5 hiệu trưởng và họ đều yêu quý và thông cảm để tôi tự do.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn |
Với một người thầy như tôi thì điều quan trọng là nhận thấy chất lượng thí sinh mình như thế nào. Và rõ ràng tôi đã có thí sinh được giải quốc tế (như em Ngô Hoàng Long vừa rồi thi concour quốc tế đoạt giải 4 tại Đức) và điều quan trọng hơn cả là các học sinh học xong ra trường đều sống tốt bằng nghề. Điều này tôi làm tốt.
Mọi người đều biết ngoài vai trò là một nhạc sĩ sáng tác, một nhạc công chơi guitar anh còn là một nhà sản xuất âm nhạc, đạo diễn âm nhạc của nhiều chương trình. Công việc bận rộn và liên tục có show như vậy, anh sẽ phải giải quyết như thế nào mỗi khi có show trùng với giờ lên lớp?
- Có sô thì buộc tôi phải nghỉ dạy và sẽ dạy bù sau đó. May mắn là nhà trường thông cảm cho cuộc đời nghệ sĩ của tôi. Quan trọng là mình dạy làm sao để sau 7 năm học các em ra trường đời có một cái nghề và sống vững. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, phát hiện ra em nào có tố chất nghệ sĩ, viết được tác phẩm thì tôi sẽ động viên, góp ý để các em đi đúng con đường của mình.
Từng có những dự án, chương trình ca nhạc kết hợp với ca sĩ Trọng Tấn. Anh có buồn và tiếc không khi ca sĩ rút lui khỏi vai trò giảng viên ở một môi trường có tiếng như Học viện âm nhạc quốc gia?
- Thật ra mỗi người có quan điểm riêng của mình. Trong cuộc sống có những nút thắt mà mình buộc phải lựa chọn. Tôi tôn trọng những quyết của đồng nghiệp. Chúng tôi đều đã lớn, có đủ trải nghiệm cuộc sống của mình. Trọng Tấn hẳn phải có lý do để quyết định nên làm như thế nào.
- Cảm ơn hai anh về cuộc trò chuyện!
Sơn Hà