Đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân

Tiểu dự án Giảm nghèo thông tin xác định việc tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 175 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; 100% trạm BTS được quang hóa giúp cải thiện tốc độ và chất lượng đường truyền với 2.330 vị trí trạm BTS; tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 100% các khu vực dân cư. Toàn tỉnh có 5.247 trạm BTS (2G, 3G, 4G, 5G), dân số được phủ sóng 4G đạt gần 100%.

Hạ tầng Internet băng thông rộng cố định được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn với hơn 40.000 cột treo cáp, hơn 100.000km cáp quang, hạ tầng sẵn sàng phục vụ gần 100% hộ gia đình đăng ký sử dụng dịch vụ Internet cáp quang khi có nhu cầu với tốc độ tải dữ liệu trung bình đạt trên 100Mbps.

Nhận thấy thiếu hụt thông tin là một trong những chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong bộ tiêu chí nghèo đa chiều. Trong khi mục tiêu của tiểu dự án là bảo đảm 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu. 

W-NHom Zalo To Dan Van Luc Nam Bac Giang 3.jpg
Người dân ngày càng được tiếp cận với thông tin, chính sách mới nhờ kết nối với internet

Do đó, bên cạnh sự phát triển về cơ sở hạ tầng, để “tăng giàu” về thông tin cho người dân, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch giai đoạn và hàng năm về thực hiện Tiểu dự án Giảm nghèo về thông tin, trong đó tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông; sản xuất các tác phẩm báo chí và sản phẩm truyền thông khác để cung cấp thông tin thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân.

Giai đoạn 2022-2024, toàn tỉnh ước tổ chức được 35 lớp tập huấn với hơn 3.100 lượt người dự. Nội dung tập huấn về việc biên tập chương trình, tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền,…

Hỗ trợ người dân sử dụng Internet

Là xã biên giới của huyện Đức Huệ, đời sống người dân xã Bình Hòa Hưng còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm qua, xã luôn nỗ lực thực hiện giảm nghèo bằng nhiều việc làm cụ thể. Trong đó, xã chú trọng công tác giảm nghèo thông tin, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.

Theo chính quyền xã này, từ năm 2018 đến nay, người dân dần quen với việc sử dụng Internet. Hiện 100% hộ dân trong xã có ít nhất một điện thoại thông minh kết nối Internet.

Khi người dân đã tiếp cận Internet và công nghệ số, những năm gần đây, bên cạnh tận dụng hệ thống truyền thanh cơ sở hay cấp phát tờ rơi,… xã còn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức như trên cổng thông tin điện tử của xã, kênh Zalo OA để người dân dễ tiếp cận thông tin về chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước; nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, phát triển kinh tế, học hỏi cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả;...

Hiện nay, xã Bình Hòa Hưng có 4 tổ công nghệ số cộng đồng tại 4 ấp với 20 thành viên, 1 Đội hình IT Xanh do Đoàn Thanh niên xã quản lý nhằm hướng dẫn người dân sử dụng các phần mềm như VNeID, Long An Số, thanh toán không dùng tiền mặt, nộp hồ sơ trực tuyến, đọc báo online, xem truyền hình trực tuyến,... và nhiều tiện ích khác trên Internet.

Đồng thời, xã thiết lập các nhóm Zalo trong cộng đồng dân cư, gồm một nhóm chung của UBND xã kết nối với trưởng các ấp và mỗi ấp có một nhóm Zalo riêng do trưởng ấp quản lý, kết nối trực tiếp với các hộ dân. Nhờ vậy, mọi thông tin cần thông báo, tuyên truyền đến người dân đều được truyền tải nhanh chóng và hiệu quả.

Theo một số người dân ở địa bàn, từ khi có nhóm Zalo này, mọi thông tin đều được cập nhật kịp thời, rõ ràng. Nhờ vậy, người dân không chỉ biết thêm về các chính sách mới mà còn được hướng dẫn cụ thể cách sử dụng các ứng dụng trực tuyến, giúp cuộc sống hàng ngày thuận tiện hơn.

Việc hỗ trợ người dân, nhất là các hộ nghèo sử Internet sẽ giúp họ chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm để vươn lên thoát nghèo bền vững và được tiếp nhận mọi dịch vụ một cách công bằng, bình đẳng theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.