Theo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, mọi người dân và doanh nghiệp sẽ được tiếp cận, sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý. Đây cũng là cơ sở quan trọng nhằm phát triển lành mạnh, hiệu quả, an toàn, bền vững nhu cầu tài chính cho các đối tượng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Tài chính toàn diện cũng là một trong những giải pháp quan trọng để tiến tới mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu của Chiến lược còn giúp cho cả những người nghèo, người thu nhập thấp - những đối tượng trước đây chưa từng tiếp cận với dịch vụ tài chính - có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính thuận lợi hơn.
Trong quá trình thực hiện Chiến lược, hệ thống mạng lưới tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính tiếp tục được rà soát, sắp xếp lại và phát triển hợp lý hơn, hướng tới những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa với số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng/100.000 người trưởng thành đạt 17,57%. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ xã/thị trấn (tính cho địa bàn nông thôn) có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc (không bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội) đạt 32,98%.
Trong những năm qua, hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn cùng với các tổ chức tài chính vi mô, chương trình, dự án tài chính vi mô đã góp thêm một kênh cung cấp vốn sản xuất, kinh doanh cho khu vực kinh tế nông nghiệp - nông thôn, đóng góp cho sự phát triển của tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Các quỹ tín dụng nhân dân là địa chỉ đáng tin cậy cho việc gửi tiền - vay tiền, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống trên địa bàn nông thôn và vùng sâu, vùng xa...
Tuy nhiên, thực tế, ở nước ta, trong khi tại các thành phố, đô thị, việc tiếp cận tài chính khá dễ dàng, thuận lợi thì ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người dân và doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn bởi nhiều rào cản như: thói quen tiêu dùng tiền mặt, ngại sử dụng các giao dịch chuyển khoản, hạn chế về hiểu biết công nghệ...
Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại phát triển tài chính toàn diện thông qua việc mở rộng đối tượng khách hàng ưu tiên và hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch. Trong đó đặc biệt chú trọng tới những tổ chức tín dụng có mạng lưới chi nhánh lớn tại các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.