- Một người suýt chết, 2 người tử vong tại một công trình xây dựng dự án khu
dân cư Vĩnh Lộc thuộc KP4 (P. Bình Hưng Hòa B, TP.HCM) dường như không làm cho
chính quyền và chủ đầu tư nao núng.
Mỗi năm một mạng người
Sáng 22/4, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Hồng. Ngôi nhà cấp 4 trên con
đường ngoằn ngoèo trong khu dân cư Vĩnh Lộc nhuốm màu tang tóc.
Tiếp chúng tôi, anh Phạm Hữu Nghị (45 tuổi) chồng chị thuật lại, chiều 19/4
trong lúc cả nhà đi làm thì Duy (15 tuổi) một đứa trẻ trong xóm rủ con anh, cháu
Phạm Như Ý và Nguyễn Văn Hiếu (cả 2 cùng 10 tuổi) ra khu vực hồ nước cách nhà
chưa đầy 300m để vui chơi.
Anh Nghị, cha bé Ý chỉ nơi con gái rơi xuống hồ. |
Cả ba cùng tiến ra mô đất giữa hồ ngồi chơi, bất ngờ Ý và Hiếu trượt chân rơi
xuống nước. Hai đứa trẻ chưa biết bơi, gặp nước sâu trồi lên thụp xuống. Duy
đứng trên đưa chân cho Hiếu bám, kéo vào thoát nạn. Ý ở xa hơn đuối sức chìm dần
. . .
Chứng kiến toàn bộ sự việc, những người lớn câu cá gần đó chạy đến nhưng cũng
không giúp được gì đành tri hô cầu cứu. Người nhà của Ý chạy ra phối hợp cùng
dân phòng lặn tìm đưa cháu lên bờ. Trưởng ban điều hành KP4 có mặt tại hiện
trường đã cùng dân phòng chuyển cháu đến trạm xá nhưng cháu đã chết sau đó.
Mẹ cháu, chị Lê Thị Hồng (40 tuổi) đang bán cà phê vỉa hè gần đó hay tin chết
sững. Mọi người chung quanh đưa chị về nhà cũng vừa lúc tiếp nhận thi thể đứa
con trai.
Anh Nghị và chị Hồng có tất cả 3 đứa con, đều là trai. Từ quê hương Hà Tĩnh, anh
chị vào Nam lập nghiệp. Lưu lạc nhiều nơi, anh chị về đây mua được mảnh đất xây
ngôi nhà cấp 4 chưa được bao lâu thì tai họa ập đến.
Một ngày sau, cháu Ý được đưa đi án táng. Mẹ cháu, chị Hồng cứ ngồi bên cạnh bàn
vong của con suốt mấy ngày nay…
Khu vui chơi dành cho thiếu nhi nằm sát bờ hồ, rất nguy hiểm. |
Ông Phạm Ngọc Hữu, bác ruột của cháu Ý bức xúc cho biết, vụ tai nạn có lỗi do sự
tắc trách của chính quyền và chủ đầu tư dự án. Từ khi có hồ đến nay, trường hợp
cháu Ý là trường hợp thứ 3. Năm 2011, một bé gái rơi xuống may mắn được cứu
thoát. Năm 2012, một bé trai tử vong và nay thì cháu Ý.
Mỗi lần có tai nạn, bà con đều phản ảnh lên chính quyền yêu cầu chủ đầu tư có
biện pháp cách ly, ngăn không cho trẻ đến gần hồ. Vậy mà hết đứa này đến đứa
khác…chết oan; dường như cái chết của những đứa trẻ không lay động được những
người có trách nhiệm.
Chết thứ 6, chủ nhật phường mới biết ?
Anh Nghị, cha của bé Ý đưa chúng tôi đến hiện trường nơi cháu ngộ nạn. Trước mắt
chúng tôi là một khu đất khá rộng có thể lên đến vài hecta. Ở giữa là một hồ
nước bát ngát rộng chừng 10.000m2.
Bà con quanh khu vực này cho biết, 7, 8 năm về trước bãi đất này được xáng cạp,
múc đất lên để san lấp các khu vực khác. Độ sâu của hố, tính từ bờ đến mép nước
cũng phải lên đến 3m. Còn từ mép nước xuống đáy, độ sâu vô chừng. Một thời gian
sau, khu vực hồ được lót đan chung quanh thành lối đi và trồng những hàng cau
kiểng. . .
Toàn cảnh hồ nước trong khu dân cư nơi xảy ra 3 trường hợp rơi xuống nước. |
Chúng tôi quan sát quanh khu vực hồ. Không một hàng rào chắn. Không một biển
cảnh báo. Chung quanh hoàn toàn trống và bên cạnh đó, một khu vui chơi giải trí
dành cho thiếu nhi hoạt động nhiều tháng qua.
Chúng tôi chợt rùng mình. Về đêm các cháu đến đây thấy hồ nước liệu có ai ngăn
được không cho các cháu xuống. Và việc gì sẽ xảy ra sau đó ?.
Ông Nguyễn Thanh Duy Tân, phó chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B thừa nhận nơi
hồ nước này đã từng xảy ra nhiều tai nạn.
“Hố sâu nguy hiểm” trên giấy A4 được gắn ở 4 góc cũng mới gắn vào sáng 22/4. |
Ông cho biết, hồ này nằm trong dự án Khu dân cư Vĩnh Lộc thuộc Công ty quản lý nhà Quận 5. Dự án thi công chưa hoàn thiện nên chưa được bàn giao cho chính quyền địa phương.
Tình trạng hồ bỏ ngõ không rào dậu đã được phường nhiều lần
nhắc nhở chủ đầu tư. Cụ thể sau mỗi lần tai nạn xảy ra, phường đều có văn bản
yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các biện pháp an toàn nhưng rồi không thấy động
tĩnh gì. . .
Một mạng người suýt chết và 2 mạng tử vong dường như không làm cho chính quyền
và chủ đầu tư dự án nao núng. Điển hình, theo thừa nhận của ông Tân, một người
dân trong phường gặp nạn từ thứ sáu mà mãi đến chủ nhật, UBND phường mới hay
biết (?)
Sáng nay 22/4, 3 ngày sau khi bé Ý qua đời các cán bộ phường mới đến thăm hỏi và
bên ngoài hồ nước, 4 tấm biển cảnh báo: “hố sâu nguy hiểm” mới xuất hiện (in
trên giấy A4 gắn vội ở 4 góc).
Thiện chí ngăn ngừa tai nạn bảo đảm tính mạng người dân chỉ là như thế sao?
Trần Chánh Nghĩa