'Phần lớn các cuộc thi Hoa hậu đã có tính thương mại. Đó là điều mà tôi thấy không hay'.


Là "cha đẻ" của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, ông Dương Xuân Nam - Nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong đã có những chia sẻ về cuộc thi Hoa hậu 2014 và những lùm xùm của các Hoa hậu trong thời gian vừa qua.

{keywords} 

Muốn tổ chức Hoa hậu thành công cần có văn hóa và vì cái đẹp

- Thời gian vừa qua đã xuất hiện hàng loạt các cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia mới, theo đánh giá của ông thì những cuộc thi đấy so với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam như thế nào?

Tôi không đánh giá thì mọi người cũng biết là không thể so sánh được vì Hoa hậu Việt Nam là một cuộc thi lâu đời nhất, qui mô nhất và uy tín nhất.

- Những cuộc thi Hoa hậu đó không thể so sánh với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vì do Ban tổ chức còn yếu hay ý thức thí sinh còn kém nên mới dẫn tới các sự cố như: Người đẹp giàn khoan, Hoa hậu nói dối... thưa ông?

Tôi khó có thể xác định được lỗi là từ phía nào nhưng thật sự đó là những điều rất buồn. Một cuộc thi muốn tốt trước hết ban tổ chức phải có kinh nghiệm, có văn hóa và tất cả vì cái đẹp.

Sau đó là đến Ban giám khảo, họ cũng phải là những người có kinh nghiệm, có văn hóa và cũng vì cái đẹp. Hai yếu tố đó rất quan trọng và nếu có được thì cuộc thi chắc chắn sẽ thành công, những người được chọn ra sẽ xứng đáng và sẽ không còn những chuyện lình xình xảy ra.

Không nên 'ném đá' người đẹp

- Tại cuộc thi Hoa hậu Đại dương vừa qua, Ban giám khảo đã sử dụng những câu hỏi ứng xử có nội dung chính trị khiến thí sinh trả lời rất ngô nghê. Theo ông có nên đưa những câu hỏi như vậy vào các cuộc thi Hoa hậu không trong khi tuổi đời của các thí sinh tham gia còn quá trẻ?

Ngay từ cuộc thi Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam thì tôi đã xác định là câu hỏi dành cho các thí sinh là dạng ứng xử chứ không phải câu hỏi kiến thức. Câu hỏi ứng xử tức là câu hỏi mở và tất cả các thí sinh đều trả lời được. Vấn đề là trình độ, sự hiểu biết và phản ứng của thí sinh thế nào để có thể trả lời hay hoặc dở. Chứ nếu câu hỏi theo kiểu đánh đố thì sẽ gây khó cho thí sinh.

Ngay cả bây giờ các cuộc thi đại học, phổ thông người ta cũng dùng câu hỏi mở thì các cuộc thi Hoa hậu càng không nên có những câu hỏi theo kiểu kiến thức như vậy.

- Vậy theo ông thí sinh cuộc thi Hoa hậu Đại Dương vừa rồi có phải là nạn nhân của Ban giám khảo không và thí sinh đó có đáng bị dư luận ném đá?

Tôi nghĩ vấn đề đó có thể hỏi vì đó là vấn đề thời sự đang rất được quan tâm nhưng hỏi kiểu khác đi chứ ai lại đánh đố thế.

Còn việc ném đá theo tôi nên nhìn nhận ở nhiều khía cạnh, nhiều chiều khác nhau. Nhưng cũng không nên ném đá người đẹp làm gì, người đẹp thì nên nâng niu chứ ai lại ném đá thế.

- Còn việc tước vương miện những Hoa hậu không xứng đáng ồn ào thời gian qua như Diễm Hương, Triệu Thị Hà...ông nghĩ có nên không?

Tôi nghĩ sau này các cơ quan chức năng nên có qui định trường hợp nào thì nên tước và trường hợp nào thì không nên tước. Chứ giờ chưa có qui định nào cả nên cũng rất khó nói.

Nhưng tôi nghĩ nên tước vương miện nếu Hoa hậu nào đó không còn xứng đáng thậm chí có thể tước cả danh hiệu nữa vì vương miện thì có thể kéo dài trong 2 năm hoặc trong mấy tháng nhưng danh hiệu thì sẽ theo cả đời, đến già, đến chết cũng vẫn còn.

Hoa hậu đang bị thương mại hóa

- Vai trò của ông trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 như thế nào? Ông có đặt nhiều kì vọng sẽ tìm được người xứng đáng trong khi 'tài nguyên' người đẹp vừa bị san sẻ cho một số các cuộc thi khác chứ?

Tôi hi vọng thôi chứ không đặt kì vọng. Tôi được mời làm cố vấn cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, nhiệm vụ của tôi là cái gì mình hiểu biết mà ban tổ chức cần thì sẽ giải thích.

Còn vấn đề 'tài nguyên' thì trước đây khi Hoa hậu Việt Nam tổ chức cũng có rất nhiều cuộc thi Hoa hậu khác tổ chức cùng nhưng chất lượng của Hoa hậu Việt Nam vẫn tốt. Tôi nghĩ là cuộc thi Hoa hậu Việt Nam có vị trí đặc biệt trong lòng khán giả nên nhiều thí sinh họ chỉ tham gia thi cuộc thi này.

- Là cha đẻ của cuộc thi Hoa hậu tại Việt Nam, nhìn thấy đứa con mình ngày càng trưởng thành và có nhiều 'bạn bè' là các cuộc thi Hoa hậu khác, ông có hài lòng không?

Nói chung có nhiều cái hài lòng và có nhiều cái chưa hài lòng. Cuộc thi lúc trước Ban tổ chức tôn vinh cái đẹp, định hướng cái đẹp và tuyệt đối không thương mại. Nhưng bây giờ phần lớn các cuộc thi Hoa hậu đã có tính thương mại đó là cái điều mà tôi thấy không hay.

Theo GDVN