Chợ đêm Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, HN), dưới ánh đèn đường sáng đỏ, những đôi giầy dép được bày bán đẹp một cách lạ kỳ. Ít ai ngờ rằng đó chỉ là những đôi giày dép cũ đã được khéo léo mông má lại. Và càng ít người hiểu rằng chính những đôi giầy dép “nhếch” đó đã đem lại khoản thu nhập tương đối cho nhiều hộ gia đình
Các tin liên quan |
Khởi đầu từ những nhọc nhằn
Bước chân vào xóm trọ của những người làm nghề giầy dép cũ có thể dễ dàng nhận ra: những đôi giầy dép rách quai thủng đế, gãy gót nằm rải rác khắp nơi. Trong nhà mỗi gia đình lại “bảo tồn” một số lượng giầy dép cũ khá lớn được cẩn thận nhét vào gầm giường, xếp thành đống hay đóng thành bao tải. Tất cả những thứ đó là toàn bộ tài sản của những người làm nghề giầy dép cũ (người làm nghề thường gọi là nghề “giầy nhếch”)
Công việc của những kỹ sư "mông má” thường bắt đầu từ sáng sớm. Khi cả thành phố còn đang chìm trong giấc ngủ thì họ đã rục rịch chuẩn bị cho một ngày lao động mới. Công việc đầu tiên là đi lấy hàng. Họ phải đến những nơi tập kết đồng nát, sắt vụn thật sớm để tranh cướp hàng là những đôi giầy dép đã không còn lành lặn.
Khi những bao tải đồng nát được đổ xuống cùng với giầy dép còn là cơm nguội, lá rau…cùng nhiều thứ tạp nham khác. Trong quá trình chọn hàng, việc vơ phải những thứ này là chuyện bình thường. Nhiều chiếc giày khi mang về bên trrong chứa đầy... cơm nguội.
Số khác chọn cách đi “luộc” hàng nghĩa là mua những đôi giày dép cũ đã được làm sơ qua sau đó sửa sang thêm và bán. Địa điểm “luộc” thường là Giáp Bát hoặc Trại Nhãn. Tuy nhiên cách làm này thường ít lãi hơn.
Sau khi mua được hàng, số giày dép đó được giặt sạch bằng xà bông, đem phơi khô rồi tuỳ từng chỗ hỏng hóc để sửa sang lại cho đẹp. Đồ nghề của một thợ làm giầy bao gồm: máy mài, giấy ráp, form, keo, si…. Với những đôi dép nữ thì việc chỉnh sửa thường dễ dàng hơn vì chỉ bị hỏng ở gót và quai.
Giày dép nam chỉnh sửa khó khăn hơn, phải qua nhiều công đoạn như mài da, tông form… và chỉ có những thợ lành nghề mới đủ kinh nghiệm để kiến tạo lại một đôi giầy đẹp mà không bị mất dáng. Đối với hàng giả da khi làm thường phải rất cẩn thận vì chỉ cần một chút sai sót là có thể làm da bị trầy xước, mặt giầy không đẹp, giá thành không cao.
Công việc tưởng như chỉ có vậy nhưng có nhìn cảnh những người lao động ngồi gò giầy dưới cái nắng oi ả của những ngày đầu hè, mồ hôi nhễ nhại, mùi si, keo bốc lên nồng nặc mới thấu hiểu hết những nhọc nhằn trên hành trình mưu sinh.
Có những cặp vợ chồng trẻ vì công cuộc mưu sinh mà buộc lòng phải mang theo những đứa trẻ lên thành phố. Cô Thuý (Nam Định) đã mang bé Yến Nhi lên Hà Nội từ khi bé mới 6 tháng tuổi: “Lên đây cơm nước, giặt giũ cho chú ấy để chú ấy có thêm thời gian làm hàng, tập trung cho công việc. Con còn nhỏ cũng không định mang lên nhưng tất cả vì kiếm miếng ăn. Vả lại con bé cũng ngoan nên không quá khó khăn trong việc chăm sóc.”
Chị Hà (Hoà Bình) tâm sự: “Nhà có hai sạp hàng nên phải mang theo cả cu Hiếu lên để trông một sạp hàng cho anh ấy chứ một mình anh ấy vừa phải dọn hàng lại bán hàng, chạy qua chạy lại vất vả lắm.”
Bố mẹ chào hàng, những đứa nhỏ tập tành đưa túi bóng ra trước mặt khách. Những cảnh tượng như vậy có lẽ không khó để bắt gặp tại chợ đêm này.
Vươn lên từ “giầy nhếch”
Dù có trăm bề vất vả nhưng nghề “giầy nhếch” mang lại khoản thu nhập chính cho nhiều gia đình.
Trung bình mỗi đôi giày dép cũ được mua với giá rẻ dao động trong khoảng từ vài ngìn đến vài chục nghìn 1 đôi. Sau khi được sửa chữa lại, giá bán của chúng sẽ cao hơn. “Một đôi dép nữ mua cũ khoảng 5 nghìn đồng nhưng khi được sơn sửa lại có thể bán được với giá từ 30 đến 50 nghìn. Nếu gặp khách “sộp” có thể bán với giá trăm nghìn.
Bà Mùi (Xuân Trường, Nam Định), người bán hàng lâu năm ở chợ đêm đã khoảng 60 nhưng vẫn rất nhanh nhẹn. Nhờ có công việc này mà bà đã tiết kiệm được một chút tiền nho nhỏ để phòng thân lúc tuổi già đau ốm. Bà cũng lần lượt dựng vợ gả chồng cho cả 4 người con. Tính đến nay kể cả dâu rể trai gái, nhà bà có 5 người theo nghề “giầy nhếch” này.
Hầu hết các gia đình đều có kinh tế khá giả hơn nhờ kinh doanh "giầy nhếch". Một số hộ gia đình còn có thêm thu nhập cho con cái theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng ở Thủ đô. Rồi cứ thế, người đi trước lại hướng dẫn người đi sau, số lượng người làm giầy ngày càng đông hơn. Một số làng ở Hưng Yên, Nam Định,… có gần chục hộ gia đình theo nghề “giầy nhếch”.
Tuy là dân buôn bán, đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu nhưng những người làm giầy vẫn rất coi trọng chữ tín. Chú Thuổng (Hưng Yên) nói: “Làm nghề gì cũng thế cốt là giữ chữ tín, mình làm tốt thì khách mới tin, mua một lần rồi sẽ có lần sau, lần sau nữa. Nghề làm giầy này mà ẩu, dép đi vài lần gẫy gót hoặc bung đế thì khách nhớ mặt, mua một lần có khi sợ cả đời.”
Chợ đêm Nguyễn Khánh Toàn cùng với mặt hàng chủ yếu là những đôi giầy dép cũ được sửa sang đã trở thành khu chợ thú vị dành cho những người có thu nhập bình dân. Mặc dù khá vất vả nhưng nghề giầy cũ đã nang lại thu nhập chính cho nhiều gia đình, giải quyết được phần nào bài toán về lao động tự do. Hơn hết, nó tránh việc lãng phí những đôi giầy dép cũ tưởng như đã không còn giá trị sử dụng. Thiết nghĩ đó cũng là lợi ích và ý nghĩa tích cực của nghề nghiệp bình dân này.
(Theo VietQ)