- Tuy cũng ủng hộ hoa sen, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Thái Hà Books cho rằng hoa lúa, hay bông lúa thể hiện bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam rõ nhất. 
Các tin liên quan

Hoa lúa mới xứng là biểu tượng Quốc hoa?

Hoa nào làm quốc hoa cũng tốt cả

Tranh luận nóng về việc chọn Quốc hoa

Ấn Độ đã chọn hoa sen, không nên "bắt chước"

Có rất nhiều ý kiến, đề xuất xung quanh câu chuyện lựa chọn Quốc hoa gần đây. Khi được hỏi về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng hoa sen là loài hoa rất đẹp. Tuy nhiên để chọn Quốc hoa, Việt Nam cần tìm ra cái hay, cái đẹp, cái độc đáo riêng của mình.

“Nếu nước khác có quốc huy hay quốc kỳ như vậy rồi, bạn có nên vẽ giống không? Mỗi Quốc gia đều cần có bản sắc riêng của mình. Hoa sen tuy đẹp nhưng lại mọc ở rất nhiều nơi trên thế giới như Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc, khu vực Nam Mỹ... vì thế không thể là biểu tượng văn hóa riêng của Việt Nam. Hơn nữa, nếu Việt Nam cũng chọn sen là Quốc hoa, có thể sẽ bị cho rằng “bắt chước” Ấn Độ. Là người đầu tiên, dẫn đầu, mở đầu luôn tốt hơn là… ăn theo!”.

{keywords} 


Ông Hùng cũng cho rằng việc chọn hoa sen màu hồng để khác đi so với hoa sen màu trắng là Quốc hoa Ấn Độ cũng không có gì khác biệt. Bởi ai cũng biết đất nước Ấn Độ có một nền văn minh lớn và lâu đời với nền tảng triết học, lịch sử, văn hóa… vĩ đại. Cả nhân loại đều nhắc đến Quốc hoa Ấn Độ là hoa sen chứ không riêng gì là sen trắng. Vì thế không có Quốc gia nào chọn sen vàng, sen tím hay sen xanh… làm Quốc hoa dù những loại hoa đó rất đặc sắc.

Hoa lúa xứng đáng nhất


Tuy còn nhiều phương án lựa chọn như hoa mai, hoa đào, lá tre… nhưng TS Hùng khẳng định hoa lúa, hay bông lúa là ứng viên xứng đáng nhất.

Mọi phẩm chất của hoa lúa đều tiêu biểu cho tinh thần Việt Nam. Quần thể hoa lúa dày đặc biểu trưng cho tính cộng đồng, văn hóa làng xã gắn kết yêu thương, yêu cộng đồng, thương quê hương đất nước. Hoa lúa nở theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, thể hiện trật tự lề lối cách ứng xử đầy nhân văn trong cộng đồng người Việt. Có trên có dưới, giúp đỡ và lo lắng yêu thương bên ngoài, người thân trước khi lo cho mình, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta.

Hoa lúa còn gắn liền với 80% của 90 triệu người dân Việt Nam nên trong tâm thức người Việt, hoa lúa là một biểu tượng gợi nên sự gần gũi yêu thương, giản dị và thân thiện. Hương thơm của hoa lúa mộc mạc và dịu dàng, là kết tinh của đất, của nước, của khí trời đất Việt nên ngọt ngào như tình người của dân tộc ta.

Không riêng gì phẩm chất, mà về nhiều phương diện văn hóa, nghệ thuật, thẩm mỹ và kinh tế, hoa lúa cũng có nhiều ưu điểm. Hoa lúa đẹp và rất thơm. Là người Việt, chắc hẳn ai trong ký ức cũng từng say đắm trước cảnh những cánh hoa trắng, nhỏ xíu và tinh tế khẽ dập dờn trong cả một biển lúa đưa mùi hương dịu dàng đi khắp thôn quê đồng nội.

Về văn hóa, hoa lúa gắn với truyền thống đất Việt: Văn hóa làng xã, văn hóa lúa nước… Những sản phẩm từ cây lúa cũng được người Việt Nam sử dụng từ rất lâu và đã đi vào tâm thức Việt Nam như những đồ vật thân quen nhắc nhở về truyền thống: ổ rơm, nón rơm, rơm rạ để nấu cơm, để ủ với phân trâu bò làm phân bón, dùng rơm lúa nuôi trâu bò làm sức kéo cho sản xuất…


Cây lúa còn gắn với nền kinh tế Việt Nam vì Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, gắn với thương hiệu Việt do nước ta có nhiều giống lúa quý như tám xoan, Hải Hậu… Những giống lúa đặc sản nếu được đầu tư sản xuất và xuất khẩu sẽ mang lại những giá trị kinh tế và thương mại rất lớn.

Là nét đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam, nên hình ảnh cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay cũng rất thu hút không chỉ với nhân dân trong nước mà cả bạn bè quốc tế.

Với những lý lẽ trên, ông Hùng khẳng định, hoa lúa là biểu tượng gần gũi với dân tộc Việt Nam nhất, một dân tộc phát triển từ văn minh lúa nước Sông Hồng và đến nay vẫn có hơn 80% người Việt sinh sống nhờ vào cây lúa. Vì vậy hoa lúa, hay bông lúa rất xứng đáng để trở thành Quốc hoa Việt Nam.

Việt Quỳnh (ghi)