Không có nhiều bản nhạc phim Việt có thể thu hút tới 3 triệu lượt nghe sau 5 ngày đăng tải, nhất là khi tác phẩm còn chưa lên sóng. Nhưng Cô đơn trong nhà mình của Hoài Lâm đã làm được điều ấy mặc cho MV được quay khá sơ sài, ca sĩ không một chút phấn sáp và công chúng cũng chưa biết nội dung phim hay dở ra sao.
Trong sản phẩm được ghi hình tại phòng thu với thời lượng khoảng 5 phút, Hoài Lâm mặc áo phông và đứng hát. Gương mặt anh buồn, còn giọng hát thì không thể nhập tâm hơn với sáng tác của Nguyễn Văn Chung. Phía dưới phần bình luận là rất nhiều lời ngợi khen của khán giả. Sau tất cả, giọng hát của Hoài Lâm vẫn luôn là giá trị còn lại.
Một giọng hát không cần tô vẽ
Cô đơn trong nhà mình được ra mắt đúng dịp Hoa nở không màu, một sản phẩm của Hoài Lâm kết hợp với Nguyễn Minh Cường cán mốc 100 triệu lượt xem trên mạng. Bất ngờ ở chỗ trong cuộc đua MV tiền tỷ của nhạc Việt, đây chỉ là một bản acoustic, quay hình rất đơn giản, người đàn kẻ hát, không có bất cứ câu chuyện drama hay bối cảnh hoành tráng nào.
Tương tự, Buồn làm chi em ơi, một lyrics video, cũng của Nguyễn Minh Cường sáng tác qua giọng hát của Hoài Lâm sắp đạt 50 triệu lượt xem/nghe dù được thực hiện cũng đơn giản không kém: Thu âm trên ôtô, ngay cạnh nơi Hoài Lâm đang sống và quay hình lại trước khi đăng tải trên mạng.
Nhìn chung, chỉ trong thời gian ngắn Hoài Lâm đã có hai bản hit và hiện tại Cô đơn trong nhà mình cũng đang trên đà thành hit. Không nhiều ca sĩ, ngay cả những gương mặt thuộc nhóm đình đám nhất, có thể liên tiếp tạo ra các ca khúc lan tỏa như vậy.
Nhạc Việt năm 2019 chỉ có Jack làm được điều đó khi Hồng nhan, Bạc phận, Sóng gió, Em gì ơi… nối tiếp nhau ra mắt và lần lượt trở thành hit, "làm mưa làm gió" trên thị trường. Năm nay, thành tích này thuộc về Hoài Lâm.
Hoài Lâm nhận được nhiều phản hồi tích cực về giọng hát với Cô đơn trong nhà mình. |
Cô đơn trong nhà mình hay Buồn làm chi em ơi và Hoa nở không màu gặp nhau ở chỗ đều là những sản phẩm không cho thấy sự dụng công, cầu kỳ. Ca sĩ hát rất nhẹ nhõm, như những bản thu ngẫu hứng, giản lược mọi sắp đặt và chiêu trò hình ảnh như thường thấy ở thị trường. Nhưng, thành phẩm lại được số đông đón nhận.
Có chăng khi âm nhạc thuần túy được giới thiệu lại là cơ hội quý giá để giọng hát ca sĩ trở nên thuyết phục nhất.
Dù Hoài Lâm vẫn luôn được khen là hát hay, với những sản phẩm trở lại trong thời gian vừa qua, anh còn được đánh giá là chưa bao giờ hát tình và tự sự đến vậy. Sau những sóng gió, trải qua cả hào quang đỉnh cao lẫn vực thẳm tranh cãi, âm nhạc có lẽ là cách tốt nhất để Hoài Lâm lấy lại phong độ và giữ vị trí riêng trên thị trường.
Ca khúc thuyết phục hơn vì Hoài Lâm
Cô đơn trong nhà mình là một sáng tác của Nguyễn Văn Chung. Nam nhạc sĩ vốn có kế hoạch đưa ca khúc của mình vào album mới. Song, đạo diễn Phương Điền nghe được và chọn làm nhạc cho bộ phim của mình.
Nguyễn Văn Chung chuyên trị ballad. Phần lớn ca khúc của anh nhẹ nhàng, đầy ắp tự sự và chất chứa tình cảm. 10 năm trước, Nguyễn Văn Chung là tác giả của rất nhiều bản hit và cũng được xếp vào danh sách những hit-maker (nhạc sĩ tạo hit) của thị trường.
Vài năm gần đây, Nguyễn Văn Chung ít dần những ca khúc lan tỏa nhưng anh vẫn có những dự án âm nhạc riêng. Trong mắt báo giới, Nguyễn Văn Chung giành được thiện cảm vì là nhạc sĩ cần mẫn với âm nhạc, chỉn chu về ca từ dù cũng cho thấy những chững lại trong sáng tạo.
Cô đơn trong nhà mình không nằm ngoài phong cách của Nguyễn Văn Chung. Một bản pop-ballad da diết và tình cảm, nói về nỗi cô đơn của người trưởng thành, cô đơn trong chính căn nhà của mình, trong cảm xúc của mình.
Nỗi cô đơn như nghẹn ứ mà phải cố che giấu đi: “Dường như bao nỗi đau đã đầy trong tim / Dường như bao cay đắng đã nén quá lâu trên bờ môi ấy / Mỗi ngày tôi phải cố gắng che giấu đi sự mệt mỏi không ai gánh cùng / Để rồi nỗi buồn vỡ vụn trong đêm”.
Để sau đó, chính nhân vật trữ tình nghiệm ra: "Dường như tôi cô đơn trong chính ngôi nhà mình không ai biết / Muốn khóc nhưng cứ phải gượng cười! / Tình yêu đâu phải hy sinh là sẽ giữ được một người mãi mãi / Càng không phải cố níu với hoài bàn tay ai ở bên / Vì sao không yêu nhau như những ngày đầu tiên yên vui ấy? / Cứ ngỡ ta đã hiểu được nhau".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là nhạc sĩ có thế mạnh về thể loại ballad. |
Ca khúc chỉ có 12 câu, trong một cấu trúc bài rất đơn giản. Không có nhiều từ ngữ đắt giá nhưng ý tứ chất chứa đủ nỗi lòng.
Sáng tác trở nên thuyết phục hơn nhờ giọng hát của Hoài Lâm. Nam ca sĩ hát thủ thỉ và tâm tình trong từng câu chữ, càng về cuối càng nhập tâm, hấp dẫn. Mọi luyến láy được đặt để đúng chỗ, đúng từ khiến ca khúc thêm da diết, sâu nặng.
Không phải ngẫu nhiên người ta đặt thắc mắc nếu không phải Hoài Lâm hát, Cô đơn trong nhà mình liệu có được đón nhận như vậy. Và trước đó là Hoa nở không màu, Buồn làm chi em ơi - những sáng tác của Nguyễn Minh Cường.
Cách xử lý âm thanh rất tình như dồn nén bao lâu bỗng có cơ hội thoát ra của Hoài Lâm đã giúp những bản ballad vốn rất truyền thống có một đời sống tốt trên thị trường âm nhạc sôi động.
Hơn thế, là giá trị của một giọng hát hay vẫn luôn được ghi nhận ngay cả khi ballad được cho là đã thoái trào. Cũng cần nói thêm chút, việc những sản phẩm của Hoài Lâm được thực hiện rất đơn giản nhưng vẫn có lượt xem/nghe lớn, chứng tỏ sức mạnh của giọng hát vẫn có thể đối trọng với những MV đầu tư bạc tỷ.
(Theo Zing)
Sau 'Hoa nở không màu', Hoài Lâm lại gây sốt khi hát nhạc phim
Ca khúc "Cô đơn trong nhà mình" (sáng tác: Nguyễn Văn Chung), nhạc phim "Vua bánh mì", do Hoài Lâm thể hiện đang ở Top 12 xu hướng thịnh hành YouTube.