Ngày 24/12, Bộ Thông tin - Truyền thông đã tiến hành hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011.
Đột phá
Quản lý 5 lĩnh vực chính: bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản, 2010 được cho là năm thành công của ngành khi Bộ đã tập trung chỉ đạo các công tác trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá cũng như đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý.
Các kết quả nổi bật gồm: hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho phát triển thông tin và truyền thông với việc nhiều văn bản luật, dưới luật, các cơ chế chính sách của ngành được ban hành. Điển hình là Luật Bưu chính được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông và Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng phê duyệt. Bộ tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 58 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong năm qua, Bộ cũng tập trung quản lý khuyến mãi trên thị trường dịch vụ thông tin di động, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông nghiêm túc quản lý thuê bao di động trả trước, triển khai thực hiện 5 nhóm giải pháp quản lý trò chơi trực tuyến. Bộ cũng thực hiện kế hoạch cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, hoàn thành mục tiêu chương trình theo Quyết định 74 về cung ứng dịch vụ viễn thông công ích cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Bộ Thông tin - Truyền thông đã ban hành các văn bản về quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông và thực hiện kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định về quản lý giá, cước dịch vụ bưu chính viễn thông, không để xảy ra tình trạng tăng giá cước bất hợp lý...
Bộ cũng đã chỉ đạo báo chí, phát thanh truyền hình tập trung tuyên truyền về các giải pháp của Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội, những sự kiện quan trọng của đất nước và quốc tế như Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17...
Bên cạnh các kết quả đạt được, ngành cũng nhìn nhận những mặt còn tồn tại như việc quản lý thuê bao di động trả trước vẫn còn bất cập, tin nhắn rác còn nhiều, trò chơi trực tuyến, truyền hình trả tiền mặc dù đã có những biện pháp quản lý, song hiệu quả chưa cao... Các doanh nghiệp viễn thông chưa có sự thống nhất và phối hợp tốt trong việc dùng chung cơ sở hạ tầng, khai thác các dịch vụ. Hiện tượng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông trên thị trường vẫn diễn ra thiếu lành mạnh...
Cấp lại giấy phép hoạt động báo chí
Tổng kết công tác năm 2010, ngành đưa ra các trọng tâm triển khai trong năm 2011 trên tất cả 5 lĩnh vực quản lý chính. Về báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin đối ngoại, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, xây dựng và hoàn chỉnh dự án Luật Báo chí mới để báo cáo Chính phủ xin ý kiến Ban Bí thư, Bộ Chính trị và trình Quốc hội thông qua vào thời điểm thích hợp.
Bên cạnh đó, Bộ chủ trì xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm dưới luật về báo chí trên cơ sở tổng kết thực tiễn, rà soát sửa đổi, bổ sung những bất cập trong công tác quản lý để tạo điều kiện cho hoạt động báo chí phát triển như Nghị định quy định về chế độ nhuận bút cho báo chí, Thông tư hướng dẫn hoạt động cấp phép truyền hình trả tiền...
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên. Xây dựng và thực hiện Quy hoạch báo in, hệ thống phát thanh - truyền hình và báo điện tử. Triển khai thực hiện Đề án đấu tranh trên các blog để làm giảm thiểu các thông tin sai trái, phản động, Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về nội dung thông tin trên Internet, thực hiện việc cấp lại giấy phép hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình, triển khai thực hiện Quy chế truyền hình trả tiền...
Đến cuối năm 2010, toàn quốc có 728 cơ quan báo chí in với hơn 900 ấn phẩm, 34 báo điện tử và tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương.
Tại hội nghị, các đơn vị thông tin - truyền thông trong cả nước đã đưa ra nhiều kiến nghị. Sở Thông tin - Truyền thông Đồng Tháp kiến nghị xây dựng hình ảnh và thương hiệu của ngành. VTC kiến nghị Bộ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đưa dịch vụ viễn thông sang một số nước một cách chính quy, có thông tin chuyên đề về cải cách hành chính, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các doanh nghiệp của ngành xây dựng đội ngũ nhân lực phục vụ thực hiện Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông... Tỉnh Hà Nam kiến nghị cung cấp khai thác Internet công ích tại các điểm bưu diện văn hóa xã cho người dân nông thôn.
X.Linh