Với tâm lý sính hàng ngoại, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam luôn dành sự ưu ái đặc biệt đối với các món hàng có nguồn gốc nhập ngoại. Tuy nhiên, trước ma trận giá cả các mặt hàng này trên thị trường, việc xác định nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm là điều khó thực hiện đối với người sử dụng.
Một cửa hàng bán đồ xách tay tại phố Nguyễn Sơn, Long Biên. Ảnh: KTĐT |
Loạn giá hàng xách tay
Nhằm đáp ứng nhu cầu sính hàng nhập ngoại của một bộ phận người tiêu dùng, từ nhiều năm nay, trên thị trường Việt Nam xuất hiện hàng loạt cửa hàng kinh doanh sản phẩm hàng nhập khẩu như cửa hàng chuyên hàng Nhật nội địa, hàng Mỹ, Anh, Pháp....
Không chỉ thành thị, sản phẩm này cũng len lỏi về các vùng quê. Ngoài những cửa hàng bán chuyên hàng ngoại, các mặt hàng này còn được bán kèm trong các cửa hàng tiện ích, cửa hàng tạp hóa, sàn thương mại điện tử và đặc biệt sôi động trên các trang mạng xã hội.
Sản phẩm khá đa dạng về chủng loại, xuất xứ, giá cả. Chưa bàn đến chất lượng, điều đầu tiên khiến nhiều khách hàng đau đầu chính là giá cả. Cùng một sản phẩm nhưng mỗi cửa hàng lại bán một giá khác nhau, ai cũng khẳng định hàng của mình là sản phẩm chính hãng, thậm chí trong số đó còn có những sản phẩm có giá rẻ hơn tại thị trường nội địa.
Có thể điểm qua một số sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn nhiều như sữa Meiji - hàng nội địa Nhật. Loại hộp 800g dành cho trẻ từ 0 – 1 tuổi được bán tại hệ thống siêu thị Sakuco với giá 580.000 đồng, nhưng cũng sản phẩm này lại được bán trên Shopee với giá 405.000 đồng, một số người bán hàng online lại bán với giá 700.000 – 800.000 đồng.
Hay bình sữa Pigeon có xuất xứ từ Nhật, trên trang hàng chính hãng của sản phẩm này có niêm yết giá sản phẩm là 1.980 yên, tương đương 400.000 đồng, tuy nhiên tại các cửa hàng hoặc trang bán hàng tại Việt Nam, loại bình sữa này chỉ có giá hơn 200.000 đồng. Điều này dấy lên nghi ngờ về nguồn gốc của sản phẩm.
Chị Khúc Thị Phương Chi – một người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật khá bất ngờ khi sản phẩm này được bán ở Việt Nam chỉ bằng một nửa giá gốc. “Tôi mua sản phẩm này tại Nhật bao gồm cả thuế là 2.180 yên, tương đương 480.000 đồng. Nếu chuyển về Việt Nam, phải tính thêm thuế và chi phí vận chuyển thì sản phẩm xấp xỉ 600.000 – 700.000 đồng mới có lãi” – chị Chi bày tỏ.
Tương tự, đối với các sản phẩm sữa hoặc thực phẩm chức năng nhập khẩu từ Australia cũng được các bà mẹ Việt tin dùng, nhưng giá của nhiều mặt hàng lại thấp hơn so với giá bán tại nước sản xuất.
Theo chị Trần Ngọc Oanh – chủ một chuỗi cửa hàng cung cấp hàng xách tay Australia, ở nước này, nhiều mặt hàng sẽ bị giới hạn về số lượng mỗi lần mua, trong đó có sữa và thuốc. Bản thân chị cũng từng gọi điện đặt hàng sỉ từ nhà sản xuất để nhập về Việt Nam bán nhưng các công ty đều từ chối. Qua đó, chị Oanh khẳng định, không thể có việc giá nhập về Việt Nam lại thấp hơn ở nước sản xuất. Do vậy, tình trạng loạn giá hàng xách tay ở Việt Nam là do nguồn gốc nhập hàng hoặc kênh vận chuyển không đảm bảo.
Thật giả khó lường
Lý giải về việc chênh lệch với giá sản phẩm bán tại Nhật, chị Nguyễn Linh Anh – một người chuyên bán hàng mỹ phẩm nội địa Nhật cho biết, hàng của chị chủ yếu nhờ người quen xách tay từ nước ngoài nên được miễn thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, đây cũng là sản phẩm săn được trong các đợt giảm giá, vì vậy có giá rẻ. Tuy nhiên, khi hỏi về hóa đơn của những sản phẩm này, chị Linh Anh lại loanh quanh không có.
Bị chi phối bởi tâm lý sính hàng ngoại, nhiều người tiêu dùng đã chọn mua hàng xách tay mà thực ra là hàng nhập lậu, trốn thuế chưa được kiểm định chất lượng. Ngoài nguy cơ mua hàng thực phẩm kém chất lượng, họ có thể mua nhầm hàng giả. Điều đáng nói là những sản phẩm đạo nhái này rất tinh vi, giống y hệ hàng thật khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng khi lựa chọn sản phẩm.
Ma trận hàng giả, hàng nhái dường như bủa vây khắp nơi, nếu không cẩn thận, khách hàng có thể mua phải hàng nhái bất cứ lúc nào. Trong khi người tiêu dùng khi mua hàng xách tay đều đặt niềm tin vào người bán, rất khó để xác định được đó là hàng thật, hàng giả hay hàng lậu. Những người bán hàng nhái thường sử dụng chiêu trò giảm giá để giải thích cho mức giá rẻ của các sản phẩm đạo nhái, nhiều người do ham rẻ đã bị mắc lừa dẫn đến hậu quả tiền mất, tật mang.
Để lựa chọn cho mình những sản phẩm đảm bảo chất lượng trên thị trường, người tiêu dùng nên lựa chọn mua hàng ở những địa chỉ uy tín, xem các thông tin trên sản phẩm. Hiện nay có rất nhiều phương pháp giúp người tiêu dùng có thể phân biệt hàng ngoại là thật hay giả. Đầu tiên có thể tìm các sản phẩm có dán tem chống hàng giả, hoặc có thể dùng phần mềm checkcode.
Xử nghiêm hành vi buôn hàng nhập lậu
Theo quy định, khách khi nhập cảnh mang theo hàng hóa trong định mức quy định thì sẽ được miễn thuế, còn trên giá trị này thì phát sinh nghĩa vụ đóng thuế. Thông thường, giá trị món hàng không quá 10 triệu đồng, thuốc lá không quá 100 điếu, rượu trên 30 độ từ 2 lít… Tuy nhiên, bằng nhiều con đường khác nhau, những đơn hàng lậu vẫn tuồn vào Việt Nam.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, tình hình buôn lậu hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn TP vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo…
Việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như đồ may mặc, giày dép… vẫn còn tồn tại. Tình hình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP đã chủ động tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo Điều 15 Nghị định này, hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền dựa trên giá trị của hàng hóa nhập lậu như sau: Số hàng giá trị dưới 3 triệu đồng sẽ bị phạt 500.000 – 1 triệu đồng; trên 100 triệu bị phạt từ 40 – 50 triệu đồng… Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10/2020. Trong tháng 7/2020, lực lượng chức năng TP đã phối hợp thanh tra, kiểm tra 4.033 vụ, xử lý 3.790 vụ; khởi tố 4 vụ đối với 7 đối tượng. Xử lý 34.237 vụ hàng cấm, hàng lậu; 246 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, 3.201 vụ gian lận thương mại. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hổi thuế và tiền bán hàng tịch thu là 309,822 tỷ đồng. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên |
Theo Kinh tế Đô thị