- Trả lời câu hỏi của sinh viên về tầm quan trọng của Hoàng Sa và Trường Sa, TS Nguyễn Nhã, một chuyên gia nghiên cứu biển Đông cho rằng, hai quần đảo này như là “chất men yêu nước”, khơi dậy tinh thần dân tộc.
Ngày 27/10, tại TP.HCM, TS Nguyễn Nhã - ủy viên BCH Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cùng một số chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông khác đã có buổi nói chuyện với hơn 1.000 sinh viên, thanh niên về “Hoàng Sa - Trường Sa, địa đầu Tổ quốc”, do Đoàn trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức.
TS Nguyễn Nhã: Hoàng Sa, Trường Sa như là yết hầu, cổ họng của chúng ta |
Nhiều câu hỏi xoay quanh những thắc mắc về chứng cứ lịch sử, về tầm quan trọng của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, về luật biển quốc tế, việc giải quyết tranh chấp qua tòa án quốc tế, về những quyết sách của Đảng và Nhà nước trong vấn đề tranh chấp Biển Đông…
Nói chuyện với sinh viên, các diễn giả, nhà nghiên cứu khoa học, chuyên gia về Biển Đông khẳng định, chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam là không bàn cãi, có cơ sở pháp lý rõ ràng.
“Hoàng Sa và Trường Sa như là yết hầu, là cổ họng của chúng ta”, trả lời câu hỏi của một bạn sinh viên về tầm quan trọng của hai quần đảo này, TS Nguyễn Nhã khẳng định.
Theo ông, sở dĩ ví như vậy vì nếu Việt Nam muốn trở thành một cường quốc thì phải phát triển kinh tế biển, phát triển về phía biển. Hoàng Sa và Trường Sa lại là hai quần đảo có tầm quan trọng chiến lược, có nhiều thuận lợi để thực hiện được mục tiêu đó.
Ông còn ví Hoàng Sa, Trường Sa như là “chất men yêu nước”, khơi dậy tinh thần dân tộc.
Thế hệ trẻ cần tìm kiếm các chứng cứ, tài liệu liên quan để khẳng định chủ quyền |
Trả lời câu hỏi của một bạn sinh viên, thế hệ trẻ cần phải làm gì để bảo vệ Trường Sa và Hoàng Sa, TS Hoàng Việt - giảng viên ĐH Luật TP.HCM cho rằng, việc đầu tiên thế hệ trẻ, nhất là sinh viên cần phải làm là tìm hiểu các tư liệu lịch sử cũng như thông tin chính thức về Hoàng Sa và Trường Sa để có cái nhìn đúng.
Tiếp đó, những người trẻ
có tri thức cần phổ biến thông tin chủ quyền biển đảo của đất nước ta đến mọi người
dân trên thế giới, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của họ. Cuối cùng, thế hệ trẻ cần
tìm kiếm các chứng cứ, tài liệu liên quan để khẳng định chủ quyền.
TS Nguyễn Nhã cũng cho rằng, những cuộc nói chuyện về Biển Đông mà ông đã, đang và sẽ thực hiện là nhằm vào giới trẻ. “Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc cần phổ biến rộng rãi hơn những thông tin về chủ quyền biển đảo với người dân trong nước cũng như nước ngoài. Có biết rõ thì họ mới cùng nhau tuyên truyền quảng bá chủ quyền của nước ta. Đây cũng là một cách đấu tranh đúng đắn, đấu tranh trên mặt trận ngoại giao", ông Nhã nói.
Bài và ảnh: Tá Lâm