Còn hơi thở là còn cống hiến

Thông tin ông Hoàng Vĩnh Giang - phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, đột ngột qua đời vào trưa 11/9 khiến giới thể thao nước nhà vô cùng thương tiếc.

Dù đã ở tuổi 75, nhưng ông Hoàng Vĩnh Giang vẫn luôn nhiệt huyết với công việc và còn nhiều kế hoạch dang dở cùng thể thao nước nhà.

Mới đây, ông Giang tham dự cuộc họp Hội đồng Đông Nam Á về vấn đề lùi SEA Games 31. Trước khi qua đời, ông còn đang chuẩn bị cho cuộc họp Ban chấp hành Hội đồng Olympic châu Á (OCA) vào ngày 13/9 tới.

{keywords}
Ông Hoàng Vĩnh Giang (thứ 2 từ bên phải) trong cuộc họp tổ chức SEA Games 31

"Tôi đã rất sốc khi biết chú Giang qua đời. Ngành thể thao đã mất đi một cây đại thụ có tâm, có tầm khó ai sánh bằng", Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn bày tỏ sự thương tiếc.

Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục TDTT, người có nhiều năm gắn bó với ông Giang như một học trò, nghẹn ngào: “Vĩnh biệt chú Hoàng Vĩnh Giang - Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Đây là tổn thất lớn của ngành Thể dục thể thao Việt Nam".

Khi còn sống, ông Hoàng Vĩnh Giang là người cương trực, thẳng thắn. Bản thân ông thừa nhận mình là người "tham lam" trong công việc. Những năm gần đây, khi sức khỏe của ông giảm sút vì tuổi già và căn bệnh tiểu đường, huyết áp, tim... kiến trúc sư trưởng của thể thao Việt Nam nói rằng "còn hơi thở là còn cống hiến".

Cây đại thụ của ngành thể thao đã trút hơi thở cuối cùng. Ông ra đi thật thanh thản, sau một giấc ngủ trưa giữa trời thu Hà Nội...

Vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp thể thao Việt Nam, PGS.TS Hoàng Vĩnh Giang từng được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Công dân Thủ đô ưu tú, Huân chương Lao động hạng nhì.

Lý Tiểu Long của Việt Nam

Sinh năm 1946, là con trai của cố Giáo sư Hoàng Minh Giám, ông Hoàng Vĩnh Giang từng du học ở Liên Xô cũ, có thể chơi tốt nhiều môn thể thao, từ bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, điền kinh, và đặc biệt là võ.

Ông từng nắm giữ kỷ lục nhảy cao 1m96 trong rất nhiều năm. Nhưng đó không phải là điều mà ông Giang tự hào nhất.

{keywords}
Ông Hoàng Vĩnh Giang từng nắm kỷ lục nhảy cao Việt Nam

Ít ai biết, ông Hoàng Vĩnh Giang là một võ sư Vịnh Xuân nổi tiếng. Khi là nghiên cứu sinh môn điền kinh ở Đại học Thể dục thể thao Kiev (nay thuộc Ukraine), tài năng võ thuật của ông Giang được ví sánh ngang với Lý Tiểu Long.

Rất nhiều cao thủ võ thuật khi đó từng là bại tướng của ông, nhưng rất ít khi vị võ sư Vịnh Xuân kể về chuyện này. Võ thuật với ông Giang, thật đơn giản, ngoài tự vệ là sự tìm hiểu về văn hóa, con người.

Ông Giang cho biết lớp học võ của mình có rất nhiều môn sinh, học miễn phí. Sau này, khi cần kinh phí để thực hiện những kế hoạch phát triển võ thuật cũng như đưa nhiều môn thể thao Olympic về Việt nam, ông mới thu thu tiền các học viên.

Từ 2 container thiết bị thể thao tới cha đẻ của chiến lược "đi tắt đón đầu"

Với kiến thức và các trang thiết bị mua từ nước ngoài, ông Hoàng Vĩnh Giang chính là người "mở đường" cho nhiều môn thể thao ở Việt Nam, có thể kể tới các môn võ, đấu kiếm, điền kinh, judo, vật, boxing...

Phong trào tập luyện thể thao Việt Nam phát triển rầm rộ kể từ khi ông Hoàng Vĩnh Giang về nước (1981), bắt đầu là từ khu vực phía Nam, sau đó ra Hà Nội và các thành phố lớn.

{keywords}
Ông Hoàng Vĩnh Giang gây dựng nhiều môn võ ở Việt Nam

Khi còn sống, ông Giang từng kể tài sản mang về nước khi đó gồm 15 cây vàng và nhiều dụng cụ trang phục võ thuật được tặng: "Sau 3 năm vừa dạy vừa làm luận án, tôi được nhà trường và bạn bè tặng cho không biết cơ man nào là trang thiết bị của các môn đấu kiếm, boxing, judo, karate, võ cổ truyền, đóng đầy 2 container mang về nước. Số tài sản này tương đương 5 ngôi nhà mặt đường Hà Nội thời điểm đó".

Khi thể thao Việt Nam hội nhập với khu vực, ông Giang chính là "cha đẻ" của chiến lược "đi tắt đón đầu", với điểm nhấn là bước nhảy vọt ở SEA Games 22 trên sân nhà, tạo đà vươn tầm ở đấu trường khu vực, châu lục trong những năm sau đó.

Nếu không có tư duy thay đổi về cách tiếp cận, hòa nhập cùng thể thao khu vực, châu lục, những môn như wushu, pencak silat, đấu kiếm, cầu mây... không có cơ hội được phát triển như ngày hôm nay.

{keywords}
Cây đại thụ đã mãi mãi ra đi ở tuổi 75

Dĩ nhiên, cách làm bài bản, căn cơ và có chiến lược hoạch định dài hơn vẫn là thứ mà ông Hoàng Vĩnh Giang đặt lên hàng đầu khi thể thao Việt Nam "tấn công" đấu trường lớn như Olympic.

Khi làm Giám đốc Sở Thể thao Hà Nội, ông là người khởi xướng và yêu cầu thực hiện chương trình đào tạo "hạt giống" qua việc cử những mầm non thể thao chỉ mới 6, 7 tuổi  tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Đây chính là cách làm mà ngành thể thao áp dụng rất thành công với nhiều VĐV nổi tiếng sau này.

Nhà ngoại giao số 1 của thể thao Việt Nam
Rất nhiều sự kiện thể thao lớn do Việt Nam đăng cai có công rất lớn của ông Hoàng Vĩnh Giang. Nhờ giỏi các ngoại ngữ Anh, Nga, Trung, Pháp… ông Giang vì thế ngoại giao rất tốt. Ở Việt Nam, ông Giang là người có quan hệ tốt nhất với giới quan chức Liên đoàn thể thao châu Á. Điều mà ông Hoàng Vĩnh Giang cảm thấy tiếc nuối nhất trong sự nghiệp của mình là chư thể mang sự kiện Asiad về Việt Nam, dù mọi thứ đã ở rất gần.

Diệp Chi

Kiến trúc sư trưởng thể thao Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang qua đời

Kiến trúc sư trưởng thể thao Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang qua đời

Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam qua đời ở tuổi 75.

Futsal Việt Nam rèn đá cố định chờ đấu Brazil

Futsal Việt Nam rèn đá cố định chờ đấu Brazil

Trước trận ra quân gặp ứng cử viên vô địch Brazil tại World Cup 2021, tuyển futsal Việt Nam rèn kỹ chiêu tủ để chờ gây bất ngờ.

Tuyển Việt Nam: Thầy Park sửa sai thế nào cho... đúng?

Tuyển Việt Nam: Thầy Park sửa sai thế nào cho... đúng?

HLV Park Hang Seo có vẻ như đã nhận ra những sai lầm của mình và giờ đang sửa, và phải làm thế nào cho đúng nhất để tuyển Việt Nam tốt hơn?