Theo cô Lê Thị Thùy Trang, giáo viên Trường Tiểu học Vietschool (Hà Nội), trong những kỳ nghỉ dài ngày, phụ huynh thường lo lắng khi con quá ham chơi điện tử dẫn tới việc lười học, chán học sau khi kỳ nghỉ Tết kết thúc.
Do đó, để những ngày Tết trở nên ý nghĩa, vui vẻ, cha mẹ có thể tận dụng quãng thời gian này để chơi cùng trẻ và dạy con nhiều điều thiết thực.
Cụ thể, cha mẹ có thể cùng con dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc, trang trí nhà cửa để đón xuân. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, cha mẹ có thể để con lau dọn đồ vật trong nhà, trang trí cây đào, cây mai hay tự dọn dẹp phòng của con.
“Trẻ sẽ cảm thấy rất háo hức khi được cha mẹ “nhờ” làm việc gì đó và sau đó sẽ được cha mẹ khen ngợi”, cô Trang nói.
Cha mẹ có thể cùng con dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc, trang trí nhà cửa.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể cho con cùng chuẩn bị món ăn ngày Tết. “Chắc hẳn, trẻ sẽ rất vui khi được cùng mẹ rửa lá dong, ngâm gạo nếp, rửa đỗ xanh để làm bánh chưng. Khi mẹ tất bật chuẩn bị các món ăn cho ngày Tất niên hoặc năm mới, con cũng sẽ hào hứng khi được mẹ hướng dẫn nhặt, rửa rau, tỉa rau củ”.
Đi chợ Tết hay siêu thị để mua sắm đồ là hoạt động bất kỳ đứa trẻ nào cũng muốn tham gia cùng cha mẹ. Theo cô Trang, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy mình có vai trò như một thành viên trưởng thành trong gia đình.
“Tết đến cũng là lúc gia đình cần mua sắm và chuẩn bị nhiều đồ. Trước khi đi chợ Tết, cha mẹ có thể cho trẻ cùng bàn bạc và ghi ra các thứ cần mua, tránh việc bị mua thiếu hay thừa.
Thông qua hoạt động mua sắm, cha mẹ còn có thể tranh thủ dạy trẻ một vài kỹ năng cơ bản, ví dụ trong việc lựa chọn đồ, trẻ cần phải xem ngày sản xuất, hạn sử dụng,...
Ngoài ra, đi chợ Tết cũng là cơ hội để cha mẹ giới thiệu thêm cho trẻ về các phong tục ngày Tết, ví dụ như “Vì sao lại chọn những loại hoa quả này cho mâm ngũ quả”.
Đi chợ Tết cũng là cơ hội để cha mẹ giới thiệu thêm cho trẻ về các phong tục ngày Tết.
Còn theo cô giáo Trịnh Hiền (giáo viên dạy môn Văn hóa Việt, Hà Nội), trong thời gian nghỉ Tết, cha mẹ có thể cùng con vạch ra những việc cần làm để đón Tết.
“Chắc hẳn những đứa trẻ sẽ thắc mắc tại sao chúng ta phải dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ trước đêm giao thừa, hay tại sao lại phải trưng cành đào, cây mai trong những ngày Tết? Cha mẹ có thể nói cho con nghe về ý nghĩa của những tục lệ và những việc làm cần thiết trong những ngày này.
Sau đó, cha mẹ hãy là những người thầy, người bạn đồng hành với con thực hành tất cả những công việc mà cả trẻ và cha mẹ đã hoạch định sẵn.
Trẻ nhỏ sẽ rất ham thích khi được tự tay quét một góc nhà, lau lư hương hay tự tay được góp phần công sức nhỏ bé của mình vào việc cắm bông hoa, trang trí cây đào. Sự góp nhặt những công việc ấy mỗi ngày sẽ khiến trẻ dần hình thành kỹ năng sống, tinh thần trách nhiệm với bản thân và gia đình”, cô Hiền nói.
Bên cạnh đó, theo cô Hiền, một hoạt động ý nghĩa khác cha mẹ có thể làm cùng trẻ là cùng lên kế hoạch cho những ngày Tết. Ngoài phong tục đi chúc Tết, còn có rất nhiều hoạt động ý nghĩa khác mà cha mẹ có thể tham gia cùng con.
Thường cha mẹ vẫn là người quyết định đi đâu, làm gì, trẻ chỉ cần đi theo. Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ cũng có hứng thú với các hoạt động này. Chính vì vậy, để trẻ cảm thấy được tôn trọng, cả gia đình có thể cùng ngồi lại bàn bạc xem nên đi đâu trong những ngày Tết.
“Tất cả những hoạt động này sẽ giúp trẻ học được rất nhiều điều thực tế. Do đó, cha mẹ không nên lãng phí quãng thời gian này chỉ để con ngồi xem TV hay nghịch điện thoại. Đây sẽ là học kỳ thực tế và hiệu quả nhất nếu chúng ta biết tận dụng”, cô Hiền nói.
Thời Vũ
Những bài tập Tết 'kỳ lạ' khiến học sinh thích thú
Những nhiệm vụ mà các nhà trường, thầy cô này giao cho học trò của mình khi nghỉ học rất đa dạng và lý thú.