Đây là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành GD&ĐT giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030 của Trung ương và tỉnh, tạo sự đột phá trong đổi mới và hội nhập quốc tế của ngành GD&ĐT.

Vĩnh Phúc 1.jpg
Giáo viên Trường THCS Định Trung, thành phố Vĩnh Yên rà soát thông tin học sinh trên sổ điểm điện tử. Ảnh: Dương Chung

Thay vì sử dụng sổ điểm giấy, nhiều năm nay, giáo viên Trường THCS Định Trung, thành phố Vĩnh Yên đều nhập điểm và đánh giá, nhận xét học sinh trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành (phần mềm SMAS).

Cô giáo Nguyễn Cẩm Mỹ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện tại, sổ điểm giấy đã được thay thế bằng sổ điểm điện tử. Khi triển khai sổ điểm điện tử, nhà trường rất thuận lợi bởi có 2 phòng tin học với 70 máy tính; 2 giáo viên Tin học và 100% giáo viên các bộ môn đều có trình độ đạt chuẩn, có khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin (CNTT).

Quá trình triển khai sổ điểm điện tử, nhà trường lựa chọn 2 nhà mạng Viettel và VNPT để đảm bảo phần mềm và đường truyền thông suốt; phân công giáo viên Tin học tham gia tập huấn về thực hiện sổ điểm điện tử của Sở GD&ĐT, sau đó, tổ chức tập huấn đại trà tại nhà trường. Qua thực tiễn triển khai, cán bộ, giáo viên nhà trường đều nhận thấy sổ điểm điện tử có nhiều lợi ích, rất thuận tiện và tiết kiệm thời gian.

Đối với Ban Giám hiệu, từ khi triển khai sổ điểm điện tử, công tác quản lý thông tin của học sinh được nâng cao hiệu quả. Đặc biệt, sổ điểm điện tử giúp dễ dàng đồng bộ dữ liệu, thông tin, điểm số của học sinh lớp 9 để các em đăng ký dự thi trực tuyến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Năm học tới, khi ngành GD&ĐT thực hiện triển khai học bạ số toàn ngành, nhà trường sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu”.

Sổ điểm điện tử có nhiều lợi ích vượt trội và là nền tảng để triển khai học bạ số, do đó, không chỉ Trường THCS Định Trung mà 100% trường phổ thông trong toàn tỉnh đã triển khai sổ điểm điện tử thay thế cho sổ điểm giấy.

Trên sổ điểm điện tử, giáo viên chủ nhiệm cập nhật danh sách, sơ yếu lý lịch của học sinh, kiểm diện học sinh, điểm kiểm tra trung bình các môn, xếp loại học lực, hạnh kiểm, danh hiệu thi đua của học sinh…; giáo viên bộ môn cập nhật điểm kiểm tra, nhận xét sự tiến bộ của học sinh trong các lớp mình phụ trách giảng dạy.

Trường hợp sai sót, cần điều chỉnh điểm số, thông tin của học sinh đã nhập trên hệ thống, giáo viên phải đề xuất và được sự đồng ý của Trưởng ban quản trị phần mềm của trường, do đó, việc bảo mật và tính pháp lý rất cao.

Vĩnh Phúc 2.jpg
Trường tiểu học Lãng Công, huyện Sông Lô tập huấn về triển khai học bạ số cho giáo viên. Ảnh: Dương Chung

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cuối năm học 2023-2024, ngành GDĐT tỉnh thí điểm triển khai học bạ số đối với bậc tiểu học. Sở GD&ĐT đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; phối hợp với Viettel Vĩnh Phúc triển khai tập huấn về việc hỗ trợ rà soát đồng bộ cơ sở dữ liệu học bạ số cấp tiểu học năm học 2023-2024 cho cán bộ, giáo viên các trường tiểu học; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị giáo dục, nhà trường triển khai thực hiện.

Trên cơ sở đó, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tích cực hướng dẫn, đôn đốc các trường tiểu học, trường liên cấp tiểu học và THCS triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học.

Nằm trên địa bàn huyện miền núi Sông Lô còn nhiều khó khăn, nhưng Trường tiểu học Lãng Công rất tích cực triển khai học bạ số. Nhà trường đã cử giáo viên tham gia lớp tập huấn do Sở GD&ĐT tổ chức; sau đó, tổ chức tập huấn đại trà tại nhà trường; giao nhiệm vụ cho cán bộ phụ trách CNTT hỗ trợ cán bộ, giáo viên hoàn thành cập nhật 100% chữ ký số trên hệ thống dữ liệu ngành.

Đối với hạ tầng CNTT, nhà trường có phòng tin học với hơn 30 máy tính hoạt động tốt; đường truyền internet với nhiều cổng kết nối đến từng lớp học; 2 phòng học thông minh hiện đại đảm bảo hỗ trợ tốt giáo viên triển khai nhập sổ điểm điện tử và học bạ số. Nhà trường có giáo viên môn Tin học đạt chuẩn, đảm bảo nhiệm vụ hỗ trợ CNTT cho cán bộ, giáo viên trong trường.

Đến thời điểm hiện tại, Trường tiểu học Lãng Công đã hoàn thành kiểm tra đánh giá học sinh; rà soát dữ liệu điểm kiểm tra, đánh giá của học sinh; hoàn thành việc nhập các thông tin, áp dụng chữ ký số trên hệ thống quản lý SMAS và cơ sở dữ liệu ngành để đảm bảo việc cấp học bạ số cho học sinh đúng quy định và tiến độ.

Ông Phạm Khương Duy, Phó Giám đốc, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học Sở GDĐT tỉnh cho biết: "Triển khai sổ điểm điện tử ở các trường phổ thông và thí điểm triển khai học bạ số bậc tiểu học góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục theo hướng số hóa, giúp giáo viên có thời gian tập trung hơn cho công tác chuyên môn. Đây cũng là nền tảng để triển khai học bạ số trong toàn ngành GDĐT tỉnh trong năm học tiếp theo, từ đó, đưa ngành GDĐT tỉnh phát triển theo hướng đổi mới và đáp ứng theo lộ trình của chương trình chuyển đổi số quốc gia".

Minh Hường (Báo Vĩnh Phúc)