Trong những năm qua, phong trào vận động nói không với thuốc lá lan rộng từ học đường tới sân cỏ và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhiều bạn trẻ đã từ bỏ được thuốc lá

Cách đây vài năm, không khó bắt gặp hình ảnh những bạn học sinh, sinh viên phì phèo điếu thuốc tại khuôn viên trường học hay các điểm vui chơi, hàng quán. Với các em, hút thuốc lá là thể hiện bản thân, là sành điệu, hợp mốt. Việc trẻ em vị thành niên vào hàng tạp hóa mua thuốc lá, xin điếu thuốc trong đám cưới tập hút phì phèo cũng không phải là chuyện hiếm.

Chính bởi vậy, trong nỗ lực bảo vệ thế hệ trẻ khỏi tác hại thuốc lá và phơi nhiễm khói thuốc, Nhà nước đã thực thi nhiều biện pháp như: Cấm hút thuốc lá tại công sở và nơi công cộng; tăng thuế thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá dưới mọi hình thức. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/5/2013.

{keywords}
Hội thi tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá ở học đường Đà Nẵng. Ảnh: Theo báo Đà Nẵng

Có thể nói, văn bản luật này đã quy định về nơi cấm hút thuốc hoàn toàn, đó là các cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy nổ cao; phương tiện giao thông công cộng. Theo luật, hành vi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt từ 100 đến 300 nghìn đồng, người bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi cũng sẽ bị phạt từ 500 nghìn đến một triệu đồng…

Tại Đà Nẵng, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đã hưởng ứng rất tích cực phong trào nói không với thuốc lá và đưa nó thành nghị quyết của trường.

Các trường đại học trên địa bàn thành phố đã thực hiện chuỗi hoạt động tuyên truyền trực quan như treo pa-nô, áp-phích khắp sân trường, lớp học, phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá đến tận tay từng sinh viên; tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở... đã tạo hiệu ứng tốt.

Theo đánh giá của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đại học Đà Nẵng, sau hơn 3 năm triển khai, phong trào “nói không với thuốc lá” đã thực sự tạo nên chuyển biến không chỉ trong đội ngũ cán bộ, viên chức mà còn với sinh viên. Hình ảnh sinh viên phì phèo điếu thuốc trong khuôn viên trường học gần như không còn, nếu có cũng là cá biệt và lén lút.

Sân cỏ không thuốc lá

Các fan yêu bóng đá vẫn nhắc lại câu chuyện hậu trường thật mà ngỡ như đùa: Chỉ vì hút thuốc lá khi đến sân xem các cầu thủ nhí tập luyện mà bầu Đức bị ông thầy người Pháp đuổi khỏi sân. HLV người Pháp còn tuyên bố cấm tiệt bầu Đức tới sân nếu cứ phì phèo điếu thuốc bởi làm thế sẽ ảnh hưởng xấu tới các cầu thủ nhí. Bầu Đức không tự ái sau vụ này mà còn lấy làm khoái chí, kể cho nhiều người nghe, khen vị HLV thực sự chuyên nghiệp và có tâm với cầu thủ trẻ.

Đội bóng Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức cũng là đội bóng đầu tiên ủng hộ quy định "Nói không với thuốc lá" trên khắp sân cỏ Việt Nam. Mùa giải 2015 cũng là mùa giải đầu tiên người hâm mộ được chứng kiến những sân bóng sạch mùi thuốc lá.

Đó là bởi Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra quy định “Cấm quan chức, huấn luyện viên hút thuốc trong khu vực kỹ thuật, khu vực trong sân vận động”. Đồng thời đưa ra yêu cầu các sân phải thiết lập những khu vực hút thuốc riêng biệt và đọc thông báo khuyến cáo khán giả không hút thuốc lá trên khán đài trước mỗi trận đấu. Theo đánh giá của các Giám sát, mùa giải 2015 không có hiện tượng hút thuốc lá trên sân vận động.

{keywords}

Quyết liệt nói không với thuốc lá trên sân cỏ là một trong những nỗ lực xây dựng môi trường bóng đá sạch

Cũng từ đây, nói không với thuốc lá trở thành một quy chế thi đấu trên các sân cỏ Việt Nam. Quyết liệt nói không với thuốc lá trên sân cỏ là một trong những nỗ lực xây dựng môi trường bóng đá sạch, để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả đồng thời giúp định hướng khán giả nói không với thuốc lá ở môi trường công cộng, bắt đầu từ sân bóng đá.

Những chiến dịch vận động mạnh mẽ từ trường học tới sân cỏ đang tác động trực tiếp tới nhận thức của cộng đồng với việc hút thuốc lá, từ đó góp phần giảm thiểu những người mới tham gia hút thuốc, đặc biệt là những người trẻ tuổi.

D.Minh