- Phát biểu tại Hội thảo ở Washington về Biển Đông sáng 20/6, GS Tô Hạo, ĐH Ngoại giao Trung Quốc phân trần về "chính sách thật", "chủ trương thật" của Trung Quốc ở Biển Đông.
>> TNS McCain chỉ trích Trung Quốc "hiếu chiến" ở Biển Đông
Liệt ra một loạt những cái được gọi là bằng chứng về chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc ở Biển Đông, GS Tô Hạo làm rõ lợi ích và chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, mà nước này gọi là Nam Hải.
Trung Quốc “lo sợ vì hành động của láng giềng”
Trong khi giới học giả quốc tế quan ngại điểm nóng Biển Đông, Trung Quốc chỉ xem Biển Đông là “vấn đề tranh cãi” (debating).
Theo GS Tô Hạo, ông luôn băn khoăn tại sao căng thẳng Biển Đông lại gia tăng. “Biển Đông không phải là vấn đề quá nghiêm trọng”, ông nhiều lần nói.
GS Tô Hạo, ĐH Ngoại giao Trung Quốc tại hội thảo. |
Trong khi đó, vị Giáo sư này hoàn toàn bỏ qua những hành động gây hấn của Trung Quốc thời gian qua trên biển Đông. Theo GS Tô Hạo, Trung Quốc luôn hành xử trách nhiệm để xây dựng hình ảnh quốc gia, và duy trì ổn định và hòa bình ở khu vực”.
Về những hành động gần đây trên Biển Đông, ông Tô Hạo phân bua, chính hành động của các nước trong khu vực đã làm cho Trung Quốc lo lắng (scared).
Một vài nước nói rằng Trung Quốc những năm gần đây có thái độ quá mạnh đối với vấn đề biển Đông, nhưng tôi tin là lý do Trung Quốc có thái độ quyết đoán như vậy bởi một vài nước đã có những phản ứng quá mạnh đối với những gì đang xảy ra chống lại Trung Quốc. Đó là lý do làm cho Trung Quốc lo lắng (scared) và làm cho chúng tôi phải nói gì đó để bảo vệ chủ quyền đối với Biển Đông, GS Tô Hạo nhấn mạnh.
Theo ông, những hành động của Trung Quốc không phải là hiếu chiến như những học giả nước ngoài nhìn nhận. Ngay cả những hành động mang tính quyết đoán cũng “không phải là Trung Quốc có chủ trương hành xử như vậy”, ông nói.
Trung Quốc luôn cố gắng hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, vị giáo sư từ ĐH Ngoại giao TQ nói. “Trung Quốc luôn thực hiện chính sách láng giềng tốt. Đó không phải chỉ để tuyên truyền, mà là sự thực”, ông nói.
Nếu láng giềng thấy thoải mái, Trung Quốc mới thực sự an toàn.
Theo ông, Trung Quốc chỉ là cậu bé to xác (big boy) ở châu Á, chưa phải là người khổng lồ, vì nước này còn phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Trung Quốc luôn “lưu tâm để có hành xử cẩn trọng mới mong có quan hệ tốt với láng giềng”.
“Trung Quốc đang trỗi dậy, nhiều người cho rằng theo hướng bá quyền. Tôi không cho là như vậy”, ông Tô Hạo nói. Trung Quốc không phải là mối đe dọa mà là cơ hội, và nước này “mong hợp tác với các nước hơn là cạnh tranh với láng giềng và nước lớn.
Phân trần lợi ích Trung Quốc ở Biển Đông
Lưu ý những phát biểu của mình trên tư cách học giả, thế nhưng, trong bài phát biểu gần 40 phút của mình, GS Tô Hạo nhiều lần phân trần về “chính sách thật”, “chủ trương thật”, “mong muốn thật” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tranh thủ diễn đàn, GS Tô Hạo lý giải, Biển Đông thuộc về vấn đề chủ quyền, là lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Trung Quốc không thể từ bỏ.
“Trung Quốc xem Biển Đông là lợi ích quan trọng (important interest) nhưng không thể so với vấn đề Đài Loan hay Tây Tạng, lợi ích cốt lõi, liên quan đến sống còn của Trung Quốc”.
Dù vấn đề Biển Đông quan trọng, nhưng lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông và Tây Tạng, Đài Loan là “không giống nhau”.
Trước đó, nNăm 2010, Trung Quốc lần đầu tiên đưa Biển Đông vào nhóm “lợi ích cốt lõi” của nước này. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc không loại trừ việc sử dụng vũ lực trong giải quyết vấn đề này, làm dấy lên mối quan ngại trong dư luận quốc tế.
Hơn nữa, theo GS Chu Hạo, do xu hướng quốc tế hóa và khu vực hóa, lợi ích quốc gia của Trung Quốc vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, mà tính cả lợi ích khu vực. ….
Không loại trừ giải quyết đa phương
Liên quan đến giải quyết vấn đề Biển Đông, GS Tô Hạo nói, chính sách rõ ràng của Trung Quốc quyết định hành xử của nước này với láng giềng là đàm phán song phương.
“Đó là nền tảng cho chính sách Trung Quốc ở Biển Đông”, ông nói.
Ông phân trần, vì Biển Đông gắn với vấn đề an ninh cứng, nhạy cảm, sẽ dễ quản lý hơn thông qua con đường song phương.
Tuy nhiên, “việc giải quyết tranh chấp qua đa phương cũng là một cách. Bản thân Trung Quốc đã là thành viên của nhiều cơ chế an ninh đa phương để thảo luận các vấn đề về an ninh khu vực biển Đông”, GS Chu Hạo nói.
Ông nói thêm, nhiều phương tiện truyền thông nói Trung Quốc không muốn giải quyết qua cơ chế đa phương. Sự thực không hẳn như vậy. “Trung Quốc không loại trừ việc sử dụng cơ chế đa phương như là cách giải quyết tranh chấp”.
Ông nhấn mạnh Trung Quốc có kế hoạch thực sự để giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực. Lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố “gác tranh chấp, cùng khai thác” với láng giềng…
“Đó là chính sách thật, quan điểm thật trong việc định dạng chính sách của Trung Quốc”, ông nói.
Về sự can dự của Mỹ, Giáo sư Tô Hạo cho rằng việc Mỹ tham gia một cách tích cực để giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông cũng được Trung Quốc chào đón.
Tuy nhiên “những can thiệp của Mỹ có nhiều khi không tích cực ở ĐNA và đó là lý do vì sao Trung Quốc không chào đón những can thiệp này”.
Vị giáo sư này cũng muốn các nước cùng có “chính sách khôn ngoan, hành xử có thể kiểm soát”, vì một Biển Đông hòa bình, ổn định.
- Hoàng Phương
-