Theo nghệ sĩ Tạ Minh Tâm, chương trình Vietnam’s Got Talent thực ra chỉ là một trò chơi truyền hình nhằm mục đích giải trí, chứ không phải là cuộc thi nhằm tìm kiếm tài năng thực sự, có sự cân đo đong đếm về kỹ năng hay học thuật. Do vậy, yếu tố của nó là tạo ra sự hấp dẫn về mặt biểu diễn. Trong cuộc thi này, ai trội hơn thì người đó được. “Theo tôi, trong các cuộc thi như vậy, người giành chiến thắng bao giờ cũng là người xứng đáng”.
Phóng viên: Là một người tham gia đào tạo nhiều tài năng ca hát, tuyển chọn đầu vào học sinh thi vào Khoa thanh nhạc, anh có thể chia sẻ những dấu hiệu nhận biết tài năng ca hát của một người?
NSƯT Tạ Minh Tâm: Khái niệm tài năng là một khái niệm gây tranh cãi, không thể thống nhất tuyệt đối được khái niệm này. Tranh luận thế nào là tài năng về mặt nghệ thuật (cái Đẹp) thì càng khó thống nhất hơn.
Tuỳ theo tiêu chí của từng cuộc thi, người ta sẽ chọn ra được người tài năng phù hợp với tiêu chí đó. Chẳng hạn, trong các cuộc thi đầu vào môi trường học thuật như Nhạc viện, chúng tôi phải lựa chọn những người có năng khiếu âm nhạc để đào tạo, chứ không phải chọn một gương mặt sáng giá để lăng xê. Yếu tố thuộc về năng khiếu là một tố chất thuận lợi để đào tạo.
Người có năng khiếu về ca hát là người phải có giọng tốt. Giọng tốt là giọng khoẻ khoắn, trong trẻo, vang, sáng, không có tật về phát âm, có cảm thụ âm nhạc nhạy bén (có thể nhại lại- nghe và lặp lại bất kỳ một giai điệu nào, đặc biệt là giai điệu khó một cách dễ dàng, người ta gọi là có trí nhớ âm nhạc tốt).
Giọng khoẻ khoắn là do buồng hơi, lực hơi, hoạt động cơ bắp tốt của bộ máy phát âm, thanh đới, cổ họng. Giọng sang sảng, vang, trong trẻo, chuẩn về cao độ, phát âm, không khuyết tật.
Giọng không được chông chênh, không bị phô, không bị lạc giọng, có thể sai nhạc (do chưa được học nhạc) nhưng không được lạc giọng. Lạc giọng là do sự cảm thụ âm thanh không tốt, sự phối hợp giữa thần kinh thính giác và bộ máy phát âm không tốt.
Đó là yếu tố đánh giá người đó có khả năng học âm nhạc dễ dàng hay không. Nhạc viện nhắm vào điều đó để tuyển và đào tạo người có yếu tố “trời cho” đó, giúp họ vươn tới đỉnh cao, bổ sung cho họ hệ thống kiến thức về lý luận nghệ thuật…
Phóng viên: Theo anh, năng khiếu bẩm sinh có là yếu tố quyết định thành công của một ca sĩ hay không?
NSƯT Tạ Minh Tâm: Nói năng khiếu bẩm sinh là trời cho hoàn toàn cũng không hẳn chính xác.
Có những em bé vừa sinh ra cũng có những biểu hiện rất tốt về cảm thụ âm nhạc, đó là trời cho, nhưng nếu sống trong môi trường không tiếp xúc với âm nhạc thì năng khiếu đó cũng mai một.
Yếu tố năng khiếu vẫn dừng lại ở chỗ là điều kiện thuận lợi. Cái quyết định vẫn là sự đam mê và dày công luyện tập. Năng khiếu chỉ giúp cho người ta học nhanh hơn và dễ hơn thôi.
Tài bẩm sinh- thể hiện năng khiếu đặc biệt trong một vài tiết mục, nếu không được đào tạo dễ trở thành tài vặt, không lâu bền, vì thiếu sự đầu tư trí tuệ, chỉ mang đến một vài tiết mục ngẫu hứng.
Khi bước vào con đường chuyên nghiệp, yếu tố quyết định là ai lao động nhiều hơn chứ không phải là năng khiếu nữa. Một người có năng khiếu, ban đầu họ học rất nhanh so với người năng khiếu kém hơn. Nhưng vì lý do nào đó, người ta rẽ sang hướng khác, không tập trung thì mức độ tiến bộ sẽ dừng lại. Người năng khiếu kém hơn, nỗ lực trong một thời gian dài thì lại đạt được năng khiếu của người có năng khiếu tự nhiên.
Phóng viên: Để có thể ca hát được chuẩn, người ta cần phải học ít nhất trong bao lâu, thưa nghệ sĩ?
NSƯT Tạ Minh Tâm: Có một nghiên cứu ở Mỹ, với một người có năng khiếu bình thường, không khuyết tật, để điều khiển được giọng hát của mình, với phương pháp luyện tập tốt, thì mất 900 giờ, nếu bình quân mỗi ngày 1 giờ luyện tập thì phải mất 3 năm. Với các giọng hát đỉnh cao thì không thể lấy mốc 3 năm được, mà có khi vài chục năm, càng hát, giọng của họ càng tinh tế.
Để đạt được trình độ ca hát bậc đại học thì sinh viên mất tổng cộng là 8 năm (4 năm trung cấp, 4 năm đại học). Ngành nào cũng vậy, đã đi sâu thì phải đầu tư trí tuệ và thời gian rất lớn.
Thầy giỏi giúp cho người học tiến bộ nhanh, có hệ thống, tiến xa hơn. Nếu thầy kém thì tất nhiên có ảnh hưởng đến sự tiến bộ của trò.
Nhưng tất nhiên, vẫn có những người có nhận thức sắc sảo và quyết tâm thì họ vẫn đạt được chuẩn mực nghệ thuật một cách tự thân, không qua trường lớp, nhưng họ phải trả giá về mặt thời gian nhiều hơn.
Tác phẩm khi thể hiện một cách tự phát chỉ dựa trên năng khiếu thì phụ thuộc vào cảm hứng, thiếu yếu tố trí tuệ trong đó. Tiếu nền tảng thì sẽ dễ rơi vào xử lý một cách chủ quan, chạy theo thị hiếu.
Thế giới vẫn chấp nhận nhiều kiểu học khác nhau, nhưng phụ thuộc vào nỗ lực tự thân của người học- sự đam mê, cố gắng.
Phóng viên: Anh nhận xét thế nào về năng khiếu của những người như bé Xuân Mai trước đây, hay Uyên Linh, người không được đào tạo bài bản?
NSƯT Tạ Minh Tâm: Uyên Linh là một tài năng bẩm sinh, tự rèn luyện, giọng đẹp, tốt, thông minh, tự lực khá tốt, tất nhiên cũng có một số hạn chế. Tuổi cao thì khả năng cũng bị hạn chế hơn.
Xuân Mai thì tôi biết rất rõ, vì có thân với gia đình. Năng khiếu của Xuân Mai không phải là quá tốt, bé bình thường như những đứa trẻ khác, chứ không phải năng khiếu bẩm sinh thật xuất sắc, nhưng sự đầu tư của bố mẹ thì quá tốt.
Những đứa trẻ như vậy để đạt tới đỉnh cao thì rất khó. Để trở thành xuất chúng thì phải có một năng khiếu tuyệt vời và một nỗ lực tự thân phải nói là kinh khủng, vượt bậc. Có một trong hai thì chỉ có thể gọi là một tài năng. Con người xuất chúng là tài sản của nhân loại.
Phóng viên: Nếu bây giờ có một người mẹ mang con đến nhờ anh kiểm tra tài năng ca hát, anh sẽ kiểm tra như thế nào? Có phụ huynh nào vẫn quyết tâm cho con theo đuổi ca hát dù bị anh “chê” hay không?
NSƯT Tạ Minh Tâm: Điều này không khó lắm. Chỉ cần nghe một bài mà em đó thích hát nhất, hát nhiều nhất là đánh giá được giọng có tốt hay không, đam mê đến đâu, năng khiếu cỡ nào.
Nghe một em bé biết giọng tốt, tư duy trình độ kiến thức và vốn sống cũng thể hiện. Hát mà không hiểu lắm về bài hát, không hiểu ca từ thì có nghĩa là em đó không chú tâm nghiên cứu bài hát. Đứa bé ấy không có khả năng tiếp thu bài giảng dễ dàng. Nếu chỉ hát được một bài, có nhiều chỗ sai, thì đam mê không lớn, em nào đam mê thì hát được nhiều bài.
Hầu hết các trường hợp nhờ tôi kiểm tra năng khiếu ca hát đều đồng tình với lời khuyên của tôi, tuy nhiên, có một số cha mẹ vẫn quyết tâm. Cần phải lưu ý rằng, tự thân em bé quyết tâm thì tốt hơn, nếu là ý chí của cha mẹ thì khổ cho nó, nó sẽ học như bị tra tấn.
Phóng viên: Theo anh, tại sao Việt Nam vẫn chưa có được giọng ca bất hủ mà thế giới phải ngưỡng mộ?
NSƯT Tạ Minh Tâm: Do sự đóng góp của nền âm nhạc của VN so với thế giới là nhỏ bé, hạn chế, và do vậy, so với thị trường âm nhạc thế giới, chúng ta không có ngôi sao tương ứng. Tuy nhiên, tôi cho rằng VN cũng đủ sức, vấn đề là thời gian.
Có người cho rằng do thanh nhạc bị rào cản ngôn ngữ nên nếu hát tiếng Việt thì khó có cơ hội, điều này đúng nhưng không hoàn toàn như vậy. Nền nghệ thuật thế giới vẫn tôn trọng bản sắc riêng của từng nền văn hoá. Làm sao hát tiếng Việt thật hay mà các nước công nhận được giai điệu và vẻ đẹp ngôn ngữ dù họ không hiểu mới là thành công lớn hơn là hát tiếng Anh. Tại các Liên hoan âm nhạc thế giới, người ta vẫn yêu cầu các nghệ sĩ hát tiếng của nước mình.
Nhiều người “Anh hoá” hết không phải là hoàn toàn hay. Thậm chí nhiều ca sĩ còn không sử dụng tên VN, đó là sự lố bịch, thiếu tự trọng.
Đa số nghệ sĩ bây giờ, khán giả thích cái gì là chiều theo cái đó, cởi đồ, hay làm trò gì đó, hát ngọng ngọng, đớt, miễn khán giả thích. Họ chỉ sử dụng khả năng sẵn có để trục lợi, bất chấp hậu quả. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm với lịch sử.
Theo tôi, người nghệ sĩ đích thực phải có khả năng nâng thẩm mỹ công chúng lên chứ không chạy theo thị hiếu quần chúng.
Phóng viên: Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.
- Hương Giang (thực hiện)
Nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm từng đoạt giải nhất đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc các năm: 1983, 1985, 1986. Giọng ca Vàng ASEAN năm 1996. Đoạt cúp vàng – Liên hoan nghệ thuật quốc tế Bình Nhưỡng năm 1997. Là thành viên Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú – Nghệ sỹ nhân dân do Bộ Văn hóa tổ chức. Tham gia Hội đồng nghệ thuật và Hội đồng giám khảo của các cuộc thi ca hát chuyên nghiệp toàn quốc. Là thành viên Ban giám khảo của nhiều cuộc thi Tiếng hát Truyền hình, Tiếng hát Phát thanh trên toàn quốc. |