Bài học thành công từ nhiều trung tâm tài chính quốc tế
Năm 2022, nhiều ý tưởng về thành lập trung tâm tài chính đã được tính đến. Trong đó, Đà Nẵng và TP.HCM là những ứng viên. TP.HCM liên tục bày tỏ mong muốn trở thành một trung tâm tài chính.
Trở thành trung tâm tài chính thế giới có thể làm đổi thay cả một vùng. Hòn đảo Cayman 40 năm trước là một quốc đảo nghèo khó, nhưng với việc thành lập trung tâm tài chính, hàng trăm ngân hàng đã đăng ký thành lập ở đây, trong đó có 50 ngân hàng lớn nhất thế giới. Cayman cũng trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất thế giới, ước tính mỗi ngày, dòng tiền chảy qua đó khoảng 2.000 tỷ USD.
Sau Cayman thì bây giờ là kinh nghiệm từ UAE, từ các trung tâm tài chính ADGM và DIFC. UAE đã thành lập DIFC vào năm 2004 và được phép hoạt động theo mô hình “một quốc gia độc lập”. Trong năm 2021, DIFC đạt được những kết quả ấn tượng: doanh thu đạt mức cao kỷ lục (tăng 16%), với 244,2 triệu USD; số lượng công ty đăng ký thành lập mới cũng cao kỷ lục (996 công ty, tăng 16%). Theo xếp hạng Chỉ số Các trung tâm tài chính toàn cầu năm 2021, DIFC là trung tâm tài chính lớn nhất ở Trung Đông và châu Phi và lớn thứ 19 trên toàn thế giới. Tổng tài sản ngân hàng đặt tại DIFC đạt khoảng 198,5 tỷ USD.
Trong khi đó, ADGM là một trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tự do tài chính duy nhất nằm trên đảo Al Maryah ở Thủ đô Abu Dhabi và là khu vực tự do tài chính thứ hai của UAE, sau DIFC. ADGM được thành lập nhằm thu hút các công ty quốc tế bằng cách cung cấp một môi trường thuận lợi để tiến hành kinh doanh ở Trung Đông, tại nơi có vị trí chiến lược giữa thị trường phương Tây và phương Đông.
Kể từ khi đi vào hoạt động vào cuối tháng 10/2015, ADGM đã nhanh chóng nhận được sự công nhận trên toàn cầu nhờ hệ sinh thái thân thiện, đổi mới với doanh nghiệp. ADGM cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện và tận dụng các xu hướng mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính quốc tế và những phát triển liên quan đến thế giới sau đại dịch.
Cần tham gia vào thị trường vốn quốc tế
Ông Dominic Scriven, Trưởng Nhóm Công tác Thị trường Vốn VBF đã đánh giá: Mặc dù Việt Nam có một nền kinh tế mở đáng kể, tuy nhiên sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường vốn của Việt Nam còn khá thấp so với mức mà Việt Nam có thể đạt được. Giải quyết tất cả các vấn đề để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có thể không đơn giản, nhưng nếu chúng ta nỗ lực phối hợp thì có thể mang lại kết quả ấn tượng hơn so với tình hình hiện tại.
“Trước mắt, chúng ta nên đẩy nhanh việc biến TP.HCM thành một trung tâm tài chính của khu vực, tìm ra những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực như Hồng Kông và Singapore”, ông Dominic Scriven khuyến nghị.
Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, có một điểm đặc biệt là, nếu ta lấy compa quay một vòng khoảng cách tương đương 3 giờ bay với trung tâm là TP.HCM hay Đà Nẵng, thì sẽ bao phủ toàn bộ khu vực ASEAN, rất thuận lợi. Hiện nay, chúng ta không trùng múi giờ với 21 trung tâm tài chính quốc tế. Đó là cái khe, là cơ hội rất hẹp. Dòng tiền có thể hình thành và luân chuyển suốt 24 giờ trên khắp các trung tâm tài chính đó. Đấy là khe rất hẹp mình chen vào.
Bộ trưởng khẳng định chúng ta có rất nhiều lợi thế. Làm trung tâm tài chính quốc tế thì sẽ mang lại cơ hội vô cùng lớn cho đất nước.
Khi làm việc tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) hồi đầu năm 2022 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã dành thời gian đến thăm và làm việc tại Trung tâm Tài chính quốc tế Abu Dhabi (ADGM), Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai (DIFC)...
Phát biểu tại các buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu việc xây dựng trung tâm tài chính quốc gia, hướng đến quy mô khu vực và quốc tế trong thời gian tới. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn được hợp tác và trao đổi với ADGM, DIFC về kinh nghiệm trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Tại buổi làm việc với UBND TPHCM tháng 7 năm nay, liên quan đến vấn đề trung tâm tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, thành phố vừa qua đã có bước tiến trong xây dựng trung tâm tài chính, tới đây Chính phủ sẽ đồng hành cùng thành phố đẩy nhanh tiến độ hình thành trung tâm tài chính; đồng thời đề nghị thành phố phối hợp với các trung tâm tài chính lớn trên thế giới sớm có nghiên cứu mô hình riêng cho thành phố, tiến tới hình thành một thành phố tài chính với nền kinh tế xoay quanh trung tâm tài chính, việc này sẽ đóng góp rất lớn cho thành phố, đất nước.
Hồng Liên,Duy Tuấn, Văn Công