Dưới đây là bài viết của tác giả Florence Myles – giáo sư ngành Ngôn ngữ thứ hai tại ĐH Essex, Anh. Bài viết của ông chia sẻ một quan điểm khác và đưa ra những dẫn chứng ít được biết đến làm rõ quan điểm “học ngoại ngữ càng sớm càng tốt, có đúng không?”
Tác giả Florence Myles cũng là tác giả của nghiên cứu “Học tiếng Pháp ở học sinh 5 tuổi, 7 tuổi và 11 tuổi”.
Bắt đầu từ tháng 9/2014, các trường tiểu học của Anh quy định học sinh bắt buộc phải học một môn ngoại ngữ. Và kỳ nghỉ hè năm nay sẽ là cơ hội đầu tiên để những em có may mắn được đi du lịch nước ngoài thực hành vốn ngoại ngữ của mình.
Vẫn có những quan điểm tin tưởng rằng nếu như các trường học của chúng ta có thể dạy ngoại ngữ sớm hơn thì học sinh của chúng ta có thể sẽ theo kịp học sinh châu Âu về khả năng học ngoại ngữ. Nhưng liệu có phải học ngoại ngữ càng sớm thì càng tốt không?
Với trường hợp trẻ em nhập cư, nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ vị thành niên và thanh niên tiếp thu nhanh hơn trẻ nhỏ. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn thì các em nhỏ cũng sẽ bắt kịp các anh chị lớn và chúng thường đạt tới khả năng giao tiếp không khác gì người bản xứ - một điều hiếm có ở các trường hợp lớn tuổi. Với trẻ nhập cư, thì học ngoại ngữ càng sớm càng tốt chỉ đúng khi trẻ được cho nhiều thời gian và cơ hội để hòa nhập với ngôn ngữ mới.
Trong lớp học, trẻ lớn học nhanh hơn
Với trường hợp học ngoại ngữ trong lớp học, không có nhiều nghiên cứu xem xét về việc liệu bắt đầu càng sớm có phải là càng tốt hay không. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ càng nhỏ thì càng nhiệt tình. Chúng thích học ngôn ngữ mới, thích khám phá thế giới mới và thích những cách thể hiện mới mẻ. Nhưng trẻ ở độ tuổi tiểu học thì học ngoại ngữ chậm hơn.
Một nghiên cứu về khả năng học ngoại ngữ của các sinh viên Nhật Bản bắt đầu học tiếng Anh từ 3-12 tuổi, cho thấy trẻ học sớm hơn chỉ có một chút lợi thế hơn so với trẻ học muộn. Những sinh viên được khảo sát đã dành 6-8 tiếng/ tuần trong 44 tuần/ năm trong vòng 6 năm để học tiếng Anh, trong khi trẻ tiểu học ở Anh bình thường chỉ học 1 giờ/ tuần.
Bà Carmen Munoz và nhóm của bà từng thực hiện một dự án nghiên cứu mang tên “Yếu tố độ tuổi Barcelona”. Nghiên cứu này theo dõi một lượng lớn người học trong một quá trình dài (200, 416 và 726 giờ học), sau đó so sánh kết quả học tập của họ dựa trên nhiều thước đo. Kết quả cho thấy với cùng một giờ học như nhau, những người học muộn hơn luôn học nhanh hơn và hiệu quả hơn những người học sớm.
Hầu hết các nghiên cứu cho tới nay đều tập trung vào khả năng học tiếng Anh ở các quốc gia áp đặt trẻ phải học tiếng Anh để trở thành công dân toàn cầu. Nhưng ở Anh, trẻ sinh ra và lớn lên đã nói ngôn ngữ “toàn cầu”, vì thế việc thiếu bối cảnh văn hóa và thiếu những cam kết từ Chính phủ khiến việc học ngoại ngữ ở Anh chưa bao giờ được coi là trọng điểm giáo dục.
Nghiên cứu mới đây của tôi so sánh việc học tiếng Pháp của trẻ 5 tuổi, 7 tuổi và 11 tuổi trong lớp học. Tất cả trẻ được khảo sát đều mới bắt đầu học tiếng Pháp khi dự án này được triển khai. Các em được học 2 giờ/ tuần trong vòng 19 tuần, hướng dẫn bởi cùng một giáo viên.
Và chúng tôi nhận thấy rằng trẻ lớn hơn học nhanh hơn, bởi vì chúng có thể sử dụng nhiều “chiến lược nhận thức” để hỗ trợ việc học của mình. Chúng cũng sử dụng các kỹ năng đọc hiểu cao cấp hơn để hỗ trợ việc học ngoại ngữ của mình. Tuy nhiên, trẻ càng nhỏ thì học càng nhiệt tình hơn.
Số giờ học là vấn đề
Vậy có phải học càng sớm thì càng tốt? Nếu “tốt hơn” theo nghĩa phát triển sự nhiệt tình với việc học ngoại ngữ thì có nhiều bằng chứng cho thấy càng sớm là càng tốt. Như chúng ta biết, trẻ càng lớn thì càng kém nhiệt tình. Có nhiều lý do giải thích cho vấn đề này, nhưng trong đó có việc chuyển tiếp từ cấp tiểu học lên trung học, khi mà những trẻ đã học ngoại ngữ ở tiểu học cùng tham gia học ngoại ngữ với những trẻ không học ngoại ngữ ở tiểu học và thấy học ngoại ngữ là nhàm chán.
Nếu “tốt hơn” theo nghĩa là tiến bộ nhanh hơn về mặt ngôn ngữ thì nghiên cứu này cho thấy trẻ lớn học tốt hơn trẻ nhỏ (do vấn đề nhận thức). Còn có một số nghiên cứu khẳng định trẻ học sớm có lợi thế hơn chút ít là trong bối cảnh trẻ học nhiều giờ/ tuần. Có vẻ như trẻ nhỏ có khả năng tự tìm tòi nhiều hơn trẻ lớn, nên chúng cần một lượng đầu vào dồi dào và sự tương tác phong phú để cơ chế học ngoại ngữ theo kiểu tự tìm hiểu của chúng có thể làm việc hiệu quả.
- Nguyễn Thảo (Theo Conversation)