- Một bộ phận học sinh bây giờ dùng mạng xã hội facebook như một phương tiện để phục vụ mục đích “tống điểm” thầy cô giáo.
Không chỉ vất vả với việc truyền đạt kiến thức, nhiều giáo viên hiện nay cũng đau đầu trước với tình trạng học sinh sử dụng di động ở trường - Ảnh: Ngọc Thắng/Thanh Niên. |
Rình rập
“Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, học sinh ngày càng có những chiêu trò mà nhiều khi các thầy không thể lường hết được. Không ít tình huống, học trò cãi tay đôi với giáo viên ngay trên bục giảng.
Thời gian qua bạo lực học đường ngày càng lan rộng. Tuy nhiên điều khiến cả xã hội đang lên tiếng đó là ngoài việc học trò “xử” lẫn nhau còn xảy ra tình trạng trò quay sang đe dọa cả thầy. Điển hình nhất qua mạng xã hội facebook.
Hôm đến chơi nhà cô em gái, ngồi nói chuyên với một nhóm bạn học của cô nàng, tỉ tê kể chuyện trường, lớp thì được biết, dạo này “mốt” của học sinh các trường bây giờ là tung ảnh mang tính chất “dìm hàng” của thầy cô để chuộc điểm.
H mạnh miệng nhất hội chạy ra cạnh tôi với vẻ tự hào: “Chị không biết thì thôi, kỳ vừa rồi em được liên tiếp điểm kém vì tội nói chuyện với lên mấy đứa bàn trên trong giờ học.
Hôm trước, em mang con Iphone mượn của anh trai đến lớp, lôi ra nghịch bất ngờ chụp được cái ảnh cô đang ưỡn người ra nhìn dáng xấu lắm. Ngay tối hôm đấy, em đưa hình ảnh đó lên facebook của lớp.
Thế là hôm sau có tiết của cô, cô gọi em lên bảng, hỏi tội trực tiếp trước lớp. Sau vụ đấy, em chừa hẳn. Không được sửa điểm mà còn bị vác thêm 2 con 0 to tướng ở sổ ghi đầu bài”.
Một cậu học sinh duy nhất trong hội lại chôm chỉa thêm: “Cái H nói đúng đấy chị, làm theo cách đó chúng em tưởng là hiệu quả nhưng phản tác dụng lắm. Chúng em đều bị đòn “gậy ông đập lưng ông” thôi.
Mấy đứa tự nghĩ với nhau, các thầy cô bây giờ cũng “xì tin” lắm, lướt facebook cũng thường xuyên. Các thầy, các cô còn có vô vàn là bạn bè trên đó. Nếu bất ngờ tung một, hai tấm hình mang tính chất “dìm hàng” thì các cô sẽ tự tìm cách dỗ dành học sinh.
Bạn nào có điểm thấp cứ nhằm theo cách đó mà chiến đấu ắt sẽ có kết quả. Em cũng từng thực hiện theo cách chụp ảnh này đôi ba lần nhưng cũng rước họa vào thân giống cái H”.
T mặt tiu nghỉu: “Em cũng từng cao tay hơn, không chơi trò chụp ảnh giống một số đứa mà sẽ quay camera cho sinh động. Bố em cho em cái điện thoại nhưng cũng được hơn “4 chấm”, quay nét căng.
Lúc nào thầy cô có những biểu hiện lạ, biểu hiện không bình thường thì em sẽ lén quay và đưa lên facebook. Em sẽ lấy đó là bằng chứng, là bùa hộ mệnh cho những lần lên bảng trả lời miệng không thuộc bài hoặc bài kiểm tra kém.
Nhưng rồi, cái lần đó em bị đưa ra trước toàn trường vào sáng chào cờ thứ 2 vì tội đe dọa giáo viên. Em bị kỷ luật nặng, dọn vệ sinh cho cả tháng trời”.
Các thầy cô giáo hiện nay đang phải chiu nhiều áp lực từ phía xã hội, phụ huynh và thậm chí áp lực nặng nề hơn nữa từ phía chính các học sinh thân yêu của mình.
Một bộ phận học sinh hiện nay cũng rất hiếu động khiến không ít giáo viên gặp phải những “tai nạn nghề nghiệp” khó quên nào quên. Đó có lẽ là những ký ức buồn, là những nỗi đau tinh thần ám ảnh nhiều thầy cô giáo.
Thầy, trò đều phải xem lại
Nhiều học sinh sử dụng facebook như một công cụ để bày tỏ bức xúc, nói xấu thầy cô. (Ảnh chụp lại từ màn hình). |
Trao đổi với phóng viên, cô Văn Thị Mai (giáo viên dạy Văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Nội) cho rằng: “Học sinh bây giờ “ranh ma” hơn thế hệ học trò ngày xưa rất nhiều.
Cũng một phần do môi trường sống, bố mẹ bận bịu mà phó thác con cái cho nhà trường, cho xã hội nên nhiều khi không quản lý được đạo đức, lối sống của con em mình. Con học hành chểnh mảng, sa sút cũng không hay biết. Cần hơn nữa sự quản lý chặt chẽ từ phía gia đình và nhà trường”.
Là người thường xuyên sử dụng facebook, thầy Hiệu, giáo viên trẻ dạy tiếng Anh một trường THPT tại Vĩnh Phúc cho rằng: “Sẽ tốt hơn nếu trò góp ý với thầy cô khi nhận ra những sai sót hay “tai nạn nghề nghiệp” của người dạy.
Tuy nhiên cũng không nên nặng nề tới mức kỉ luật học sinh vì những lỗi này bởi nhờ facebook mà thầy và trò hiểu nhau hơn. Thầy cũng phải tự rút ra bài học về cách ứng xử trên lớp và cả facebook với trò. Chỉ cần nhẹ nhàng trao đổi, phân tích tôi tin các em sẽ nhận hành động của mình là đúng hay chưa để sửa chữa”.
Ý thức được sự lan truyền và tác động của facebook, đầu năm vừa qua Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) còn tổ chức hẳn một chuyên đề bàn về văn hóa ứng xử trên facebook cho thầy/trò.
Theo hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm: “Facebook dù là cuộc sống ảo nhưng cũng thể hiện tính cách cá nhân của mỗi em. Thế giới giữa ảo và thật giờ không cách xa nhau nhiều đâu. Có trường hợp trên facebook nói chửi nhau rồi hẹn ra ngoài đường đánh nhau rồi.
Như vậy, dù là trên facebook cũng cần dạy học trò ứng xử có văn hóa, chừng mực”.
- Linh Nguyễn – Phong Đăng