"Vui hội trăng rằm" chiều 03/10/2017 ở trường THCS Nam Trung Yên, lần đầu tiên học sinh một lớp đăng cai tổ chức Trung thu. Kịch bản song ngữ Anh - Việt "tự biên - tự diễn" với các hoạt cảnh, gameshow, màn múa hát... đậm đà bản sắc Việt nhưng rộn rã sắc màu 5 châu, cho học sinh toàn trường những trải nghiệm sáng tạo và kỷ niệm không thể nào quên.

"Vui hội trăng rằm" đưa khán giả từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, khi đưa màn nhảy siêu chất, "Rock vầng trăng", xen giữa múa - hát thuần Việt và múa Lân - rước đèn đậm đà bản sắc Việt Nam.

{keywords}

Không gian toàn cầu mở ra lộng lẫy trong màn trình diễn thời trang các nước, với thông tin đầy ắp về tục đón Trung thu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Trung Quốc... và Việt Nam.

{keywords}

Tiết mục Ảo thuật "Vui Trung Thu" của một học sinh chưa từng biểu diễn trước đám đông thôi thúc khao khát khám phá tiềm năng bản thân trong mọi khán giả.

{keywords}

Trò chơi Làm bánh Trung thu cho cả diễn viên và khán giả cơ hội tự tin bước ra sân khấu, tuy để thi nặn bánh, nhưng lại học được cách giao tiếp với bạn chơi, tập xử lý tình huống, cách đồng thuận và phản biện với thái độ tích cực khi phối hợp làm việc nhóm.

{keywords}

Đặc biệt, chưa bao giờ sự tích Trung thu lại được diễn tả bởi ngôn ngữ sân khấu hiện đại và cốt truyện mới lạ, nhân văn đến thế. Lần đầu tiên, nguồn gốc Tết Trung thu không được kể bằng các truyền thuyết quen thuộc, bắt nguồn từ Trung Quốc, với sự tích Hằng Nga hay Chú Cuội trông trăng. Tết Trung thu, theo sân khấu trường Nam Trung Yên, là dịp để một người mẹ gặp lại 3 con, sau khi bà hy sinh thân mình để hóa thành mặt trăng. Nhờ vậy, trần gian từ chỗ điêu tàn vì nắng nóng, bắt đầu có đêm tối dịu mát, với ánh trăng soi rọi xua đuổi quỷ dữ, dẫn lối soi đường cho con người. Cũng dịp Tết Trung thu, 3 con làm bánh cúng dâng, tỏ niềm hiếu kính, tưởng nhớ mẹ hiền.

{keywords}
Hoạt cảnh: Sự tích mặt trăng và bánh trung thu. Biểu diễn: Học sinh lớp 9A5 trường THCS Nam Trung Yên

Nói về việc kết hợp chất hiện đại và bản sắc Việt trong Vui hội trăng rằm 2017, Tổng đạo diễn chương trình, thầy Đỗ Lê Hoàn- Giáo viên chủ nhiệm lớp 9A5 chia sẻ, đây là Tết Trung thu "cải tiến" từ nội dung đến hình thức. Bằng việc để học sinh được tự dàn dựng và thực hiện chương trình đón Trung thu, nhà trường mong muốn các con không chỉ bày tỏ tình yêu với hương vị Trung thu truyền thống, mà còn được bộc lộ cá tính và năng lực sáng tạo của thế hệ trẻ.

{keywords}
Thầy Đỗ Lê Hoàn (bìa phải) - Giáo viên Chủ nhiệm lớp 9A5, Tổng đạo diễn chương trình.

Cô giáo Trương Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng trường THCS Nam Trung Yên cho biết, Vui hội trăng rằm 2017 là một trong những hoạt động trải nghiệm sáng tạo mà nhà trường đang nỗ lực tổ chức, nhằm hỗ trợ học sinh hình thành và phát triển kỹ năng sống, thúc đẩy năng lực mọi lĩnh vực (đặc biệt là giao tiếp tiếng Anh và Công nghệ thông tin), từ đó đặt nền móng xây dựng nhân cách công dân toàn cầu.

{keywords}
MC dẫn chương trình bằng kịch bản song ngữ Anh - Việt. Học sinh tự lo kịch bản, tự dàn dựng chương trình, phân công nhau phục vụ sân khấu-hậu trường; học sinh khuyết tật cũng lên sân khấu biểu diễn cùng các bạn.
{keywords}
Khoảnh khắc tuyệt đẹp trên sân khấu Vui hội Trăng Rằm 2017 trường THCS Nam Trung Yên.

Theo đánh giá của phụ huynh dự "Vui hội trăng rằm 2017" tại trường THCS Nam Trung Yên, đây là cơ hội hiếm có để các con học hỏi kỹ năng sống, gắn kết và gia tăng tình thân. Đặc biệt, khi mà Trung thu nay đã mất sức hút với con trẻ. Những Trung thu phai nhạt hương vị truyền thống, được người lớn tranh thủ tổ chức cho các con, với các hoạt động nhàm chán giống đúc nhau; cùng những mâm cỗ "phá cách", dưới ánh điện sáng lòa. Vui hội trăng rằm 2017 mới đích thị là Trung thu hợp ý, là quà tặng kỷ niệm tuổi thơ quý giá cho mỗi học sinh.

Clip: Học sinh trường THCS Nam Trung Yên vui Tết Trung thu 2017

Quảng Hạnh