Gần đây, một số cơ quan truyền thông phản ánh vụ việc Bệnh viện Tuệ Tĩnh mua sắm hàng loạt trang thiết bị y tế nhưng “xếp xó”, không sử dụng, đồng thời nợ lương cán bộ, y bác sĩ.
Nhiều nhân viên bệnh viện, bao gồm cả những người tham gia tuyến đầu chống dịch bị nợ 50% tiền lương đã nhiều tháng qua. Để kiếm thêm thu nhập, họ phải tranh thủ bán rau, ship hàng sau giờ làm, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, trong năm 2021, Bệnh viện Tuệ Tĩnh tiếp tục phê duyệt kế hoạch mua sắm hàng loạt trang thiết bị mới, với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, từ tháng 1/2019, Bệnh viện Tuệ Tĩnh được điều chỉnh phân loại đơn vị sự nghiệp công lập, từ đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên sang đơn vị tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên.
Như vậy, bệnh viện được tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc sử nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị theo đúng quy định của Nhà nước và Học viện. Công tác quản lý đội ngũ cán bộ và chế độ tiền lương của viên chức, người lao động làm việc tại bệnh viện thực hiện theo Luật viên chức và pháp luật hiện hành.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bệnh viện Tuệ Tĩnh phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng chống dịch như thực hiện giãn cách, giảm số lượng bệnh nhân, hạn chế tiếp nhận người bệnh không phải trường hợp cấp cứu,…
Bệnh viện gần như không có bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh trong quý I năm 2021 đạt 15%, quý II đạt 51,19% và quý III đạt 12,1% so với số giường bệnh theo kế hoạch. Chính vì vậy, nguồn thu của bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, chỉ ưu tiên trả lương và các khoản trích nộp theo lương.
Tuy nguồn thu giảm rất lớn, nhưng bệnh viện vẫn phải tăng chi để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch: mua sắm trang phục chống dịch, dung dịch sát khuẩn, khử khuẩn; chi phí phục vụ công tác tiêm chủng cho viên chức, người lao động và thân nhân cán bộ, viên chức, cử cán bộ tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các địa phương.
“Trước những khó khăn đó, từ tháng 5/2021 đến nay, bệnh viện chỉ tạm chi 50% tiền lương dẫn đến đời sống của viên chức, người lao động gặp rất nhiều khó khăn”, thông cáo báo chí nêu rõ.
Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết đã tập trung chỉ đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh thực hiện những giải pháp nhằm duy trì hoạt động chuyên môn trong điều kiện phải đặt nhiệm vụ phòng chống dịch lên hàng đầu.
Cụ thể, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự, kế hoạch định hướng phát triển bệnh viện, kế hoạch tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh, phát triển một số sản phẩm thuốc lưu hành nội bộ phục vụ người bệnh, triển khai thêm một số dịch vụ kĩ thuật: xét nghiệm, tiêm chủng, đào tạo liên tục... để có nguồn thu.
Mặt khác, chỉ đạo bệnh viện thực hành tiết kiệm triệt để các khoản chi để dành kinh phí chi trả tiền lương cho viên chức, người lao động; báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về những khó khăn của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, đề xuất những giải pháp hỗ trợ.
Về giải pháp trước mắt, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh báo cáo chi tiết thực trạng về tài chính và phương án thu chi. Từ đó, báo cáo Bộ Y tế đề xuất với Bộ Tài chính, Chính phủ bố trí các nguồn kinh phí hỗ trợ, chi trả kịp thời tiền lương cho viên chức, người lao động, đoàn viên công đoàn trong năm 2021.
Bên cạnh đó, thực hiện đánh giá kết quả hoạt động sau 3 năm thực hiện loại hình đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, nhất là trong thời gian dịch bệnh hiện nay làm cơ sở đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Y tế, Bộ Tài chính,...
Điều chỉnh loại hình tự chủ về tài chính cho bệnh viện từ loại hình đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên để phù hợp với tình có kinh phí vượt qua khó khăn của giai đoạn dịch bệnh này.
Về các giải pháp lâu dài hơn, để khắc phục những khó khăn trong thời gian tới cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện sẽ tiếp tục chỉ đạo bệnh viện thực hiện nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên triển khai những nội dung sau:
- Rà soát, thu gọn đầu mối các tổ chức để nâng cao chất lượng hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiện toàn các chức danh lãnh đạo, nâng cao năng lực quản lý.
- Rà soát, sửa đổi, ban hành các quy định, quy chế... để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong tất cả các hoạt động. Xây dựng và ban hành Quy chế tài chính, Quy chế chi tiêu nội bộ theo nguyên tắc phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính, đồng thời căn cứ vào tình hình tài chính của bệnh viện và các văn bản quy định hiện hành.
- Thực hiện các giải pháp để tăng cường nguồn thu, tiết kiệm chi, từng bước đảm bảo ổn định tình tài chính của bệnh viện, đảm bảo đời sống các bộ viên chức và người lao động, nâng cao năng lực quản trị bệnh viện.
- Chỉ đạo tổ chức lại hoạt động chuyên môn của bệnh viện trong tình dịch bệnh hiện nay, tăng cường tối đa các hoạt động chuyên môn đồng thời có kế hoạch cụ thể để “thích ứng linh hoạt” theo chỉ đạo của cấp trên và phù hợp với tình hình của bệnh viện, Học viện và TP Hà Nội. Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng dịch vụ y tế.
- Tuyên truyền để người lao động thấu hiểu, chia sẻ với tình hình hiện nay của bệnh viện, Học viện.
Về các nội dung liên quan đến sử dụng trang thiết bị y tế, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho hay, khi có kết luận của đoàn thanh tra, Bộ Y tế, Học viện sẽ cung cấp thông tin cụ thể.
Bảo An
Nhân viên y tế ở Hà Nội xuống đường biểu tình vì "bị bỏ đói"
Chiều 12/1, tại cổng Bệnh viện Tuệ Tĩnh, hàng chục nhân viên y tế tiếp tục cầm băng rôn: “Hãy trả lương cho chúng tôi”; “Nhân viên bị bỏ đói”… dù nguyên lãnh đạo bệnh viện có mặt để thuyết phục họ dừng việc đấu tranh.
Người mắc Covid-19 nào phải điều trị tại tầng 2, 3 theo hướng dẫn mới nhất
Người mắc Covid-19 từ 65 tuổi trở lên, chưa tiêm đủ liều vắc xin hoặc F0 mắc bệnh lý nền, chưa tiêm đủ liều vắc xin… sẽ điều trị tại Bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 (tầng 2, 3).