- Trong suốt 8 năm làm Chủ tịch UBND tỉnh, chứng kiến từ đầu quá trình cây mắc ca thâm nhập và phát triển trên mảnh đất Đắk Nông, ông Lê Diễn lạc quan khi nói về triển vọng của loại cây này.

Với quyết định quy hoạch 13.000 ha, Đắk Nông là tỉnh đầu tiên có quyết định chính thức đầy táo bạo trong phát triển loại cây mắc ca tiềm năng.

Ông Lê Diễn cho biết:

Qua theo dõi và nghiên cứu chúng tôi thấy việc phát triển mắc ca ở Đắk Nông rất hợp lý, gắn với lợi thế của tỉnh. Do vậy, tỉnh chủ trương phát triển mạnh loại cây này. Trước mắt, chúng tôi đã quyết định quy hoạch khoảng trên 13.000 ha, đặc biệt là tại huyện Tuy Đức, địa bàn phù hợp nhất.

Song song với phát triển các cây truyền thống là cà phê và tiêu, chúng tôi lựa chọn mắc ca để bổ sung thêm một nguồn lực nữa cho địa phương, vì đây là cây đa chức năng, vừa là cây môi trường, vừa là cây kinh tế có sản phẩm đa dạng.

{keywords}
Chủ tịch tỉnh Đăk Nông Lê Diễn: Chiến lược phát triển mắc ca của Đắk Nông là phù hợp với điều kiện và lợi thế của địa phương. Ảnh: Pháp luật VN

Muốn phát triển được thì phải dựa vào doanh nghiệp. Chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp vào để cùng làm bài bản, chặt chẽ ngay từ đầu.

Thu nhập phải cao hơn trồng cà phê, tiêu

Là tỉnh đầu tiên phê duyệt quy hoạch mắc ca, ông có niềm tin thế nào với loại cây mới này trên đất Tây Nguyên?

Tôi rất lạc quan trong vấn đề phát triển mắc ca. Không phải chỗ nào trồng cũng được. Đắk Nông có lợi thế là nơi rất thích hợp để trồng mắc ca, theo nghiên cứu của các nhà khoa học và thực tế đã thí điểm thành công tại huyện Tuy Đức. Cây mắc ca cũng là cây có giá trị kinh tế rất cao. Tỉnh xác định phát triển cây mắc ca là cây chủ lực của địa phương.

Nhưng chúng tôi đang lo lắng là làm thế nào phát triển cây mắc ca một cách bền vững, mang lại lợi ích cho người dân. Phải làm sao để người dân trồng mắc ca có thu nhập tốt hơn trồng cà phê, cây tiêu, thì người dân mới tin tưởng, mới đầu tư, mới yên tâm cùng với doanh nghiệp phát triển mắc ca.

Trong định hướng phát triển đó, Đắk Nông còn thiếu gì, thưa ông?

Khó khăn nhất hiện nay là có được những nhà đầu tư chiến lược, đủ sức mạnh về nguồn vốn, về kinh nghiệm, về thị trường, về công nghệ để tập trung làm cơ bản, xây dựng chuỗi giá trị cây mắc ca. Cần cơ chế chính sách đồng bộ để làm chỗ dựa cho người dân tập trung phát triển cây mắc ca.

Đặc biệt, điều quan trọng nhất là vấn đề giống, hiện còn khó khăn. Để tạo ra nguồn giống tốt, phù hợp với điều kiện của địa phương cần có sự nghiên cứu của các nhà khoa học, cần sự lựa chọn du nhập các loại giống từ các nước phù hợp với điều kiện của Việt Nam nói chung và tỉnh nói riêng.

Khi có sự tham gia của những DN và ngân hàng có tiềm lực và tâm huyết, chúng tôi tin tưởng vào khẳng định, cam kết của họ.

Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu trên phạm vi toàn tỉnh để có định hướng rõ ràng hơn cho cây mắc ca, vì mắc ca vừa là cây kinh tế, vừa là cây trồng rừng. Nó là một trong 15 loại cây được Bộ Nông nghiệp cho phép trồng rừng. Điều kiện trồng nó cũng tốt hơn so với trồng các loại cây khác.

Mắc ca đã vào Đắk Nông từ 2010, là người chứng kiến từ đầu sự phát triển của nó trên vùng đất này, ông đánh giá gì về tiềm năng và kết quả ban đầu?

Thực tế, mới đầu không mấy ai quan tâm đến mắc ca. Từ năm 2010 bắt đầu phát triển nhưng còn lưa thưa, người dân trồng ít. Nhưng dần dần qua thực tế cho thấy đây là loại cây phù hợp và có hiệu quả, người dân dân trồng ngày càng nhiều.

Đến nay, khi diện tích phát triển ngày càng nhiều thì chúng tôi lo lắng nhất là chưa đảm bảo được giống tốt và đồng bộ cho dân. Hiện nay, mới chỉ có công ty Nữ hoàng mắc ca, thành viên của công ty Him Lam, là DN đầu tiên triển khai trồng có tính bài bản và khoa học, tạo thành chuỗi giá trị về lâu dài nên chúng tôi đã đặt vấn đề với DN phải làm bài bản từ khâu nghiên cứu giống, nghiên cứu khoa học, sản xuất giống, rồi đến khâu trồng, chế biến và tiêu thụ… làm chỗ dựa cho người dân trong trồng và chế biến tiêu thụ loại quả khô này.

{keywords}
Mắc ca trên đất Tây Nguyên

Người dân đã trồng và chứng minh hiệu quả loại cây này, nhưng cũng có không ít băn khoăn. Vậy những bước đi trong quy hoạch và phát triển mắc ca của Đắk Nông sẽ như thế nào?

Cây mắc ca chỉ mới ở Việt Nam, mới trong chiến lược phát triển, chứ trước đây nó đã phát triển trước rồi, nhưng lẻ tẻ thôi chứ chưa phải là lớn.

Để phát triển phải chứng minh đây loại cây phù hợp với khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng. Bên cạnh đó phải quan tâm đến về quy trình sản xuất, úng dụng khoa học kỹ thuật hiên đại. Còn nếu mình trồng theo quy trình truyền thống, xách nước đi tưới từng cây thì sẽ gây hậu quả về hiệu quả kinh tế của người dân. Vì vậy, mình phải làm thế nào rút kinh nghiệm từ cây cà phê, cây tiêu trồng theo phong trào.

Ở Việt Nam hay có phong trào, lúc thì trồng ào ào, ví dụ như việc trồng cây cao su. Vì vậy mình phải làm thế nào cho có bài bản. Muốn vậy, cơ quan nghiên cứu vĩ mô, Bộ Nông nghiệp phải có những nghiên cứu và tổng kết khoa học. Phải xây dựng được chính sách xác định mắc ca là có thể tồn tại ở đây, lại là cây trồng có hiệu quả kinh tế rất cao, là cây đa chức năng.

Ở Tây Nguyên, bên cạnh cà phê, hồ tiêu, cao su là cây truyền thống thì mắc ca là một cây mới. Đã là mới thì phải thận trọng, bài bản, phải làm khoa học chứ làm như kiểu ngày xưa là không được. Khi khẳng định được rồi thì phải mạnh dạn phát triển, tạo ra một hàng hóa cạnh tranh, trở thành cây chiến lược của Tây Nguyên.

Thực tiễn từ địa phương, không phải trên trời rơi xuống

Trước những khó khăn và lo lắng khi quy hoạch như vậy, ông có kiến nghị gì với các nhà hoạch định chính sách?

Chúng ta phải có cơ chế chính sách phát triển bền vững để người dân yên tâm. Trong một vài năm tới cần phải khẳng định được yếu tố về lợi ích của nó, khẳng định nó sáng suốt ở Việt Nam, phải khẳng định giá trị về kinh tế.

Chúng tôi đề nghị với cấp trên có một chính sách rõ ràng, thu hút, tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế không những của Đắk Nông mà của cả nước tham gia phát triển cây mắc ca. Về mặt khoa học cần có những nghiên cứu hết sức thận trọng để làm sao cây mắc ca thành cây phát triển bền vững.

Chúng tôi quan tâm đến công tác tuyên truyền, làm thế nào để người dân yên tâm, tin cơ sở khoa học để yên tâm trồng mắc ca và từng bước biến cây mắc ca trở thành cây chiến lược của Tây Nguyên cũng như cả nước.

Về định hướng quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì sao?

Nhiệm vụ của chúng tôi là phát triển cây mắc ca này cụ thể như thế nào. Khi có chiến lược phát triển hợp lý và triển vọng giá trị kinh tế thì bộ chức năng phải tham mưu cho Chính phủ, cho hệ thống chính sách để làm sao hỗ trợ phát triển bền vững.

Trong định hướng quy hoạch, tất cả đều từ thực tiễn mà ra, đâu phải trên trời rơi xuống đâu. Thực tiễn ở đâu? Thực tiễn là từ địa phương. Thực tiễn địa phương là bây giờ chúng tôi đang làm, đang phát triển đó.

Chiến lược phát triển mắc ca của Đắk Nông là phù hợp với điều kiện và lợi thế của địa phương. Chúng tôi kêu gọi DN cùng tham gia, để quan trọng nhất là phối hợp làm chặt chẽ, bài bản ngay từ đầu, từ chuẩn hóa giống đến tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ, để đảm bảo lợi ích và sự tin tưởng của người dân.

Song Phước

Bài tiếp: Hàng ngàn xe dưa hấu ùn tắc và thối rữa, cả ngàn hộ dân đang đau lòng lo cái đói ngày mai. Trong khi đó, cả ngàn hộ dân đang hào hứng phát triển mắc ca vẫn ngóng đợi những chính sách rõ ràng. Với dưa hấu, người nông dân cô độc và luôn thất bại. Còn với mắc ca, có DN và nhà khoa học vào cuộc, thì nông dân vẫn mang nỗi niềm chờ đợi chính sách.