Diễn đàn Nghị sĩ Trẻ là được thành lập trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) năm 2013. Kể từ năm 2014, Hội nghị Nghị sĩ Trẻ Toàn cầu được IPU tổ chức thường niên, được coi là nền tảng quan trọng để trao quyền cho các nhà lãnh đạo trẻ.

Mục đích của Hội nghị là tăng cường vai trò của nghị sĩ trẻ và sự tham gia của thanh niên vào hoạt động nghị viện và đưa ra những khuyến nghị dưới góc nhìn của giới trẻ về các hoạt động cũng như nội dung nghị sự của IPU; xây dựng mạng lưới, đoàn kết và nâng cao năng lực, mở rộng cách tiếp cận của giới trẻ đối với các vấn đề cùng quan tâm.

Việc Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 (dự kiến diễn ra từ ngày 14-18/9/2023, tại Thủ đô Hà Nội có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn, khẳng định sự chủ động, tích cực, có trách nhiệm vào việc tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu hiện nay và thể hiện sự quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên.

Đồng thời, là dịp giới thiệu với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại cũng như thành tựu phục hồi hậu Covid-19 của Việt Nam.

Hội nghị nghị năm nay bao gồm 3 chuyên đề: Chuyển đổi số; Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo; Giá trị Văn hóa và Con người trong Phát triển bền vững là sự kiện đối ngoại.

Đến nay công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị đang dần hoàn tất. Chiều 22/6, tại Nhà Quốc hội, Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 tổ chức Phiên họp lần thứ 2 để đánh giá, triển khai tiến độ công tác chuẩn bị.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu các đơn vị chức năng phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm,” đề cao tính chuyên nghiệp để góp phần vào thành công của Hội nghị, tạo dấn ấn và sức lan tỏa về đất nước và con người Việt Nam.

Lưu ý Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 là hoạt động nổi bật, trọng tâm của Quốc hội trong năm 2023, do đó, công tác tổ chức hội nghị hết sức quan trọng, phải đảm bảo cả về nội dung, hậu cần, an toàn tuyệt đối, để lại dấu ấn tốt đẹp về đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình đối với bạn bè quốc tế.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết thời gian từ nay đến khi diễn ra hội nghị không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, đòi hỏi các tiểu ban, Ban Tổ chức, đơn vị phải hết sức chủ động, tích cực, trách nhiệm cao; thường xuyên phối hợp chặt chẽ, thực chất, hiệu quả.

Nhấn mạnh công tác thông tin-tuyên truyền hết sức quan trọng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tiểu ban Thông tin Tuyên truyền cần phối hợp, tăng cường tuyên truyền thông tin về Hội nghị.

Bên cạnh đó, cần lồng ghép thông điệp về đất nước, con người Việt Nam, lựa chọn các hoạt động phù hợp để tạo dấn ấn và sức lan tỏa, đồng thời quan tâm hơn đến truyền thông quốc tế và phối hợp chặt chẽ với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) để truyền tải hiệu quả nội dung và thông điệp của Việt Nam.

Với phương châm “hữu nghị, trọng thị, chu đáo, an toàn và tiết kiệm,” Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần quán triệt tinh thần chủ động, tích cực đóng góp thực chất vào nội dung của hội nghị, bảo đảm hài hòa lợi ích của Việt Nam với lợi ích chung của khu vực và thế giới, thể hiện được vị thế và vai trò của Quốc hội nước chủ nhà, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các đại biểu tham dự hội nghị.

Báo cáo công tác chuẩn bị Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội nghị cho biết, ngay sau khi thành lập, Ban Tổ chức đã thành lập 3 tiểu ban gồm Tiểu ban Nội dung; Tiểu ban Lễ tân-Hậu cầu-An ninh-Y tế; Tiểu ban Thông tin-Tuyên truyền và Ban Thư ký Quốc gia thuộc Ban Tổ chức Hội nghị.

Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 sẽ gồm 4 phiên thảo luận chuyên đề gồm đánh giá tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững kể từ Tuyên bố Hà Nội năm 2015 và tầm quan trọng ngày càng tăng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy quá trình hướng đến các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường; thúc đẩy chuyển đổi số vì nền kinh tế xanh công bằng và có khả năng chống chịu; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vì nền kinh tế xanh, bền vững trong tương lai; thúc đẩy sự tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Về công tác chuẩn bị trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, Ban Tổ chức sẽ chỉ đạo các Tiểu ban hoàn thành xây dựng trang web của nước chủ nhà; phối hợp với Ban Thư ký IPU trong việc đăng ký đại biểu tham dự Hội nghị; hoàn thiện Bộ nhận diện và logo của hội nghị để trao đổi với Ban Thư ký IPU đưa vào các văn kiện chính thức, đồng thời phê duyệt danh sách, chỉ đạo Ban Thư ký Quốc gia phối hợp với Ban Thư ký IPU gửi Thư mời, thông tin chung tới các Nghị viện thành viên IPU, Nghị viện quan sát viên, khách mời của nước chủ nhà…

Tại phiên họp, các thành viên ban tổ chức và đại biểu đã tập trung thảo luận về công tác chuẩn bị cho hội nghị, trong đó đề xuất sớm hoàn thiện bộ nhận diện, trang web của hội nghị; đổi mới phương thức tuyên truyền, đẩy mạnh thông tin về hội nghị trên các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa hội nghị tới bạn bè quốc tế, đặc biệt là giới trẻ.

Giao Linh và nhóm PV, BTV