Những năm qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam cùng các cấp Hội Phụ nữ đã thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình, triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, phong trào thi đua sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần giúp các địa phương từng bước hoàn thành các tiêu chí theo quy định. 

Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo VietNamNet tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò của Hội Phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2025” với sự tham gia của hai vị khách mời: 

-       Bà Trương Thị Thu Thuỷ: Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam

-       Bà Phạm Thị Thanh Hương: Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội

Mời độc giả xem video cuộc toạ đàm tại đây:

Lần đầu tiên đưa vào mục tiêu bình đẳng giới 

Nhà báo Lê Thuý: Thưa bà Thuỷ, trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, Hội phụ nữ các cấp tham gia và phát huy tích cực nhất vai trò trong các tiêu chí nào?

Bà Trương Thị Thu Thuỷ: Hội LHPN Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội có vai trò tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia thực hiện các tiêu chí, mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới. Hội được giao trách nhiệm và cũng trực tiếp thực hiện nội dung tiêu chí số 17.8 trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM và 18.7 trong NTM nâng cao. 

Chính phủ vừa trao nhiệm vụ chủ trì cho Hội hướng dẫn thực hiện các tiêu chí này. Tức là Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam ra văn bản hướng dẫn thực hiện và Ban chỉ đạo NTM các cấp triển khai thực hiện theo hướng dẫn.

Đồng thời, Hội LHPN Việt Nam với chức năng của mình tổ chức vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ trên cả nước tham gia thực hiện tiêu chí. Và tiêu chí này cũng được đặt trong cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” mà Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ 13 (năm 2022) tiếp tục triển khai, vận động sau hai nhiệm kỳ đại hội đã triển khai thí điểm và đạt thành tựu rõ nét.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì triển khai thực hiện nội dung số 05 trong nội dung thành phần số 09 là triển khai cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, chủ trì thực hiện vun đắp giá trị gia đình Việt Nam và góp phần xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới.

ntm phu nu 1.jpeg
Từ trái qua phải: nhà báo Lê Thúy, bà Trương Thị Thu Thuỷ, bà Phạm Thị Thanh Hương. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà báo Lê Thuý: Xin bà cho biết xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 có những điểm khác biệt lớn nào so với trước? Được quán triệt đến các cấp Hội ra sao? 

Bà Trương Thị Thu Thuỷ: Một nội dung đặc biệt đổi mới là lần đầu tiên trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới có mục tiêu bình đẳng giới. Đây là mục tiêu đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua nhưng cũng là kết quả của một quá trình vận động và đề xuất thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong một Chương trình MTQG rất lớn của đất nước.

Điểm mới thứ hai, ngay sau khi Ban Bí thư triển khai chỉ thị 06 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, Hội LHPN Việt Nam đã chủ động đề xuất và Ban chỉ đạo NTM cũng đồng ý giao nhiệm vụ chủ trì, tham mưu tổ chức thực hiện nội dung vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, góp phần xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong nội dung thành phần số 09. 

Một điểm mới nữa cũng là cụ thể hoá của mục tiêu bình đẳng giới là 13 tiêu chí đã được yêu cầu đặt ra đối với cả nam và nữ. Đây là một thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện cam kết của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. 

Nhà báo Lê Thuý: Thưa bà Thuỷ, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh được tiến hành ra sao, có gì mới trong tư duy, cách thức tổ chức? 

Bà Trương Thị Thu Thuỷ: Công tác tuyên truyền được chúng tôi triển khai ngay lập tức sau khi Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được Quốc hội phê chuẩn.

Chúng tôi triển khai bằng tài liệu, các video clip, các cuộc hội nghị quán triệt tới cán bộ Hội cấp tỉnh. Từ hội nghị tập huấn quán triệt của Hội phụ nữ Trung ương tới cán bộ Hội phụ nữ cấp tỉnh, đồng loạt 63/63 tỉnh, thành đã triển khai quán triệt tới cán bộ Hội các cấp. 

Hội LHPN Việt Nam đã nghiên cứu và ban hành ngay hướng dẫn số 02 để triển khai thực hiện tiêu chí 17.8, hướng dẫn 03 về triển khai cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, hướng dẫn số 12 của Đoàn Chủ tịch triển khai hướng dẫn hình thành mô hình gia đình nông thôn “5 không 3 sạch” và thí điểm mô hình “5 có 3 sạch”.

Đồng thời, chúng tôi phối hợp với tổ chức Unicef để hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu ban hành kế hoạch số 324 ngày 7/7/2022 để triển khai các hoạt động hỗ trợ, xây dựng tiêu chí 3 sạch trong NTM. 

Trên tinh thần chỉ đạo của kế hoạch này, các địa phương đang có những vấn đề liên quan đến nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch… sẽ có những giải pháp cụ thể, tương ứng với địa bàn có những vấn đề cấp thiết khác nhau, bằng các giải pháp khác nhau.

Nhà báo Lê Thuý: Thưa bà Hương, ở cấp Hội thành phố, công tác này được triển khai ra sao? 

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Hà Nội là một đô thị lớn, tuy nhiên địa bàn để triển khai thực hiện xây dựng NTM cũng rất lớn. Hiện nay số xã thực hiện NTM là 382 trong tổng số 579 xã/ phường tức là chiếm tới 66%.

Thành uỷ Hà Nội nhiệm kỳ nào cũng có chương trình công tác riêng đẩy mạnh việc thực hiện NTM, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân và dành nguồn lực rất lớn cho việc xây dựng NTM. Hiện số hội viên phụ nữ thuộc khu vực địa bàn nông thôn là trên 600.000, chiếm tới 65% tổng số hội viên phụ nữ của toàn thành phố. 

Bám sát sự chỉ đạo, các hướng dẫn của Trung ương Hội, đặc biệt là những nội dung, tiêu chí do Trung ương Hội chủ trì, các cấp Hội phụ nữ thành phố tập trung trước hết là nâng cao về nhận thức, vai trò trách nhiệm của phụ nữ. Với yêu cầu trong giai đoạn hiện nay phụ nữ vừa là chủ thể, vừa là người thụ hưởng các thành quả của xây dựng NTM, trong tuyên truyền chúng tôi chú trọng khơi dậy trách nhiệm chủ thể của phụ nữ. 

Thứ hai, chúng tôi căn cứ trên chỉ đạo của Trung ương Hội cũng như những nhiệm vụ của cấp ủy, địa phương giao cho Hội Phụ nữ để xác định nội dung tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn. Hiện nay cả 382 xã/ phường của Hà Nội đều đã đạt chuẩn NTM nên chúng tôi hướng vào những nội dung thuộc về Bộ tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu để tập trung hướng dẫn cho hội viên tuyên truyền, thực hiện.

Về phương thức, chúng tôi kết hợp tuyên truyền trên diện rộng như phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí để xây dựng các phóng sự, chuyên mục trên các đài phát thanh để tuyên truyền vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng NTM. Bên cạnh đó, chủ động biên soạn các ấn phẩm truyền thông trên cơ sở địa phương hoá các tài liệu của Trung ương Hội để phù hợp với đặc thù của địa phương của Hà Nội.

Chúng tôi cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc đổi mới hình thức tuyên truyền, kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Hiện nay tất cả hội nghị tập huấn hướng dẫn kiến thức về xây dựng NTM chúng tôi tăng cường đưa lên mọi nền tảng truyền thông, trên fanpage của Hội.

Vừa qua, chúng tôi cũng tổ chức cuộc thi trực tuyến lớn Phụ nữ Thủ đô "xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” để tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh, nhận được sự tham gia đông đảo của cán bộ, hội viên, phụ nữ của toàn thành phố. 

Tại các quận, huyện còn có nhiều hình thức tuyên truyền khác rất cụ thể, sinh động để nâng cao nhận thức cho hội viên như xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền, các chương trình hội thi… 

a58i4281-1.jpg
Bà Trương Thị Thu Thuỷ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà báo Lê Thuý: Đến nay Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới 2021– 2025 đã đi được hơn nửa chặng đường. Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam trải qua đại dịch Covid-19, sau đó là quá trình phục hồi kinh tế, xã hội. Xin bà Thủy cho biết những khó khăn, thách thức đặt ra với các cấp Hội? Các giải pháp mà Hội đã triển khai?

Bà Trương Thị Thu Thuỷ: Sau đại dịch Covid-19, cán bộ, hội viên, phụ nữ nói chung và các cấp Hội nói riêng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. 

Thứ nhất, đời sống của người dân, việc làm, thu nhập đều bị suy giảm, rất nhiều đối tượng bị mất việc. Đây là thách thức lớn nhất trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh cá thể đều gặp phải khó khăn tương tự. Chương trình MTQG nông thôn mới là chương trình phát huy sức mạnh, sự đóng góp của người dân, thì đương nhiên việc huy động nguồn lực tham gia sẽ chịu ảnh hưởng.

Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra chỉ tiêu hàng năm mỗi cơ sở Hội Phụ nữ giúp được thêm ít nhất là 5 hộ gia đình đạt tiêu chí “5 không 3 sạch” ở địa bàn xây dựng NTM, hoặc gia đình “5 có 3 sạch” ở địa bàn NTM nâng cao, kiểu mẫu. Mỗi cơ sở hội đăng ký một công trình, một phần việc để tham gia xây dựng NTM. 

Cùng với đó, chúng tôi mở ra định hướng mới cho các cấp Hội, đặc biệt là cơ sở để đăng ký các công trình, phần việc tham gia xây dựng NTM. Lâu nay Hội có ưu thế trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng HTX, xoá đói giảm nghèo,… thì tiếp tục phát huy để duy trì những công trình, phần việc có liên quan đến biện pháp công trình này.  

Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19 xuất hiện những vấn đề mới, chẳng hạn số lượng trẻ mồ côi tăng đột biến lên tới hơn 4.000 cháu và các cháu là trẻ mồ côi của các nguyên nhân khác cũng gặp khó khăn hơn rất nhiều. 

Do đó, chúng tôi định hướng các cấp hội đăng ký các công trình, phần việc tham gia xây dựng NTM mang tính xã hội, như chăm sóc trẻ mồ côi bằng việc nhận đỡ đầu các cháu. Triển khai chương trình mẹ đỡ đầu cũng là phần việc để thực hiện nội dung thành phần số 08, chăm sóc cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.  

Chủ động, sáng tạo, bám sát thực tế trong triển khai

Nhà báo Lê Thuý: Thưa bà Hương, trong giai đoạn 2021 – 2025, hoạt động của các cấp Hội LHPN TP Hà Nội đã và đang lựa chọn những nội dung nào phù hợp với tiêu chí NTM? Công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị được thực hiện ra sao?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Tháng 8/2022, UBND thành phố ban hành các quyết định về bộ tiêu chí xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, và huyện NTM, huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, một số tiêu chí và chỉ tiêu yêu cầu cao hơn so với các bộ tiêu chí do Chính phủ ban hành, nhằm đảm bảo yêu cầu về xây dựng NTM mang đặc thù của Thủ đô và đáp ứng yêu cầu một số địa bàn sẽ chuyển đổi từ huyện lên quận. 

Cùng với các nội dung tiêu chí do Hội Phụ nữ các cấp được giao chủ trì theo sự chỉ đạo của Trung ương Hội, chúng tôi căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ chính trị xã hội của thành phố, lựa chọn 4 lĩnh vực chính với 16 tiêu chí chủ yếu để tham gia tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia xây dựng NTM. 

Trong đó tập trung vào các nội dung như: tham gia xây dựng hạ tầng, kinh tế xã hội, tổ chức sản xuất, văn hoá, xã hội, môi trường, xây dựng hệ thống chính trị tại cơ sở… với rất nhiều công việc được đánh giá rất tốt. Mỗi một nội dung, tiêu chí chúng tôi có cách làm, mô hình cụ thể.

Về cách thức, chúng tôi cũng đưa vào chỉ tiêu Nghị quyết đại hội trên cơ sở chỉ tiêu của Trung ương Hội. Thứ hai, cụ thể hoá bằng những nội dung, phong trào thi đua, các cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, mô hình “5 có 3 sạch”. 

Về cách thức vận dụng chỉ đạo của Trung ương Hội và nhiệm vụ chính trị thành phố, từ năm 2021 chúng tôi đề xuất UBND thành phố phê duyệt một đề án riêng là “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025 ” trên địa bàn TP Hà Nội. 

Gần đây nhất, tháng 8/2023, chúng tôi đề xuất UBND TP ban hành kế hoạch về thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội”. 

Các đề án này đều được xác định rõ về mục tiêu, chỉ tiêu, cơ chế thực hiện, toàn bộ nguồn lực thực hiện được cấp từ ngân sách của thành phố. Riêng đề án xây dựng NTM thì chúng tôi được trên 20 tỉ cho đến 2025 để thực hiện một số việc đang là nút thắt trong quá trình Hội Phụ nữ các cấp tham gia xây dựng NTM.

Có những nội dung trong xây dựng NTM chúng tôi được giao chủ trì thực hiện nhưng cũng có nhiều tiêu chí thường trước đây chúng tôi chỉ tham gia vận động động thực hiện, chưa rõ về vai trò chủ động của Hội và nguồn lực cũng rất khó khăn. Do đó chúng tôi chủ động xây dựng các đề án trình với UBND thành phố phê duyệt. 

Toàn bộ kế hoạch, đề án này đều giao cho Hội Phụ nữ các cấp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố. Do đó chúng tôi cũng có sự chủ động và tạo ra cơ chế, nguồn lực không chỉ cho Hội Phụ nữ cấp thành phố mà còn ở cấp quận, huyện để đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương, để việc tham gia xây dựng NTM được rõ hơn về mục tiêu, chỉ tiêu, vai trò của Hội Phụ nữ trong tham gia thực hiện các nội dung này.

Nhà báo Lê Thuý: Xin bà Thủy cho biết cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” có tầm quan trọng thế nào, được triển khai ra sao thời gian qua và kết quả đạt được? Bên cạnh đó là việc thí điểm mô hình “5 có 3 sạch” hiện nay ở các địa phương? 

Bà Trương Thị Thu Thuỷ: Cuộc vận động xuất phát từ kết quả thí điểm CLB bộ “gia đình 5 không 3 sạch” từ cách đây hơn 10 năm. Sau đó, Hội LHPN Việt Nam đã đưa vào Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 11 (năm 2012) chính thức phát động cuộc vận động này.

Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” tập trung vào: "5 không" gồm gia đình không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật, không vi phạm chính sách dân số, không có bạo lực gia đình, không có trẻ suy dinh dưỡng bỏ học và "3 sạch" là: nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch.

8 tiêu chí cụ thể này của cuộc vận động đã khẳng định kết quả trong 10 năm thực hiện. Do đó, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13 quyết định cả nước vẫn tiếp tục thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” bởi nó trực tiếp tham gia tới 17/19 tiêu chí xây dựng NTM, đồng thời thí điểm mô hình “gia đình 5 có 3 sạch” ở địa bàn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Tiêu chí của cuộc vận động đã được điều chỉnh mang tính tích cực, chủ động hơn và hướng tới những chỉ tiêu cụ thể. 

Thứ nhất, gia đình có ngôi nhà an toàn về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tức là cả về mặt vật lý cũng như mặt xã hội. 

Thứ hai, gia đình có kiến thức. Việc có kiến thức sẽ chi phối đến rất nhiều nội dung khác và là nguồn gốc để gia đình đạt được các tiêu chí khác.

Thứ 3, gia đình có sức khoẻ. Chúng tôi tập trung vào toàn bộ các chuyên đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe như: phòng chống lao, suy dinh dưỡng, HIV; vận động chính sách chi trả BHYT cho tầm soát ung thư cổ tử cung… 

Thứ 4, gia đình có trách nhiệm. Chúng tôi lấy nội dung chuyên đề về an toàn thực phẩm và an toàn giao thông để hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình có trách nhiệm thực hiện các luật này. 

Thứ 5, về kinh tế, nếu như trong cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” đặt ra tiêu chí không đói nghèo thì nay ở địa bàn NTM nâng cao, kiểu mẫu đã chuyển thành có sinh kế bền vững. Theo đó, các hoạt động hỗ trợ của các cấp Hội sẽ tập trung đi sâu vào hỗ trợ, giới thiệu, tạo việc làm, khởi nghiệp sáng tạo… để tăng thu nhập của hộ gia đình hoặc doanh nghiệp, HTX do nữ làm chủ, tăng liên kết sản xuất kinh doanh… 

“3 sạch” trong mô hình “5 có 3 sạch” cơ bản vẫn giữ những tiêu chí, yêu cầu về chất lượng như trong “5 không 3 sạch”, nhưng được nâng lên một bước về chất lượng để đảm bảo đạt được những yêu cầu về cả vệ sinh cá nhân, vệ sinh gia đình và vệ sinh cộng đồng.

Nhà báo Lê Thuý: Thưa bà Hương, ở cấp Hội Phụ nữ thành phố việc thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” có gặp khó khăn gì không, và đến nay kết quả đạt được ra sao?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Hội LHPN thành phố luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương Hội, đặc biệt là những nội dung chỉ đạo mới khi một địa bàn đã chuyển từ xây dựng xã NTM sang NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, để hướng dẫn đối với hội viên, phụ nữ. Ngoài tuyên truyền, phổ biến kiến thức, bổ sung các kỹ năng… chúng tôi còn chú ý đến việc xây dựng một số mô hình để hỗ trợ các gia đình và hội viên thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và mô hình “gia đình 5 có 3 sạch”.

Ví dụ, hỗ trợ về kiến thức, chúng tôi có các CLB phụ nữ với pháp luật, nhóm phụ nữ tuyên truyền pháp luật, CLB mẹ chồng nàng dâu, CLB mẹ và con gái, CLB gia đình hạnh phúc, CLB về chăm sóc sức khỏe, nhất là phong trào thể dục thể thao quần chúng và văn hoá tại cơ sở. 

Các nhóm về tổ chức sản xuất thì ngoài việc có các mô hình như giúp phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ, hoặc giúp hộ phụ nữ cận nghèo nâng cao mức sống, mỗi năm chúng tôi cũng giúp bình quân khoảng 4.000 hộ gia đình hội viên, phụ nữ. Chúng tôi cũng khai thác tín chấp các nguồn vốn giúp phụ nữ phát triển kinh tế. Hiện nay, các nguồn tín chấp của Hội Phụ nữ thành phố là khoảng 8.400 tỷ cho khoảng 160.000 hội viên, phụ nữ để vay vốn,…

Về mô hình xây dựng thành phố an toàn, chúng tôi có các mô hình như làng quê an toàn, nhà trọ an toàn, ban tự quản chung cư an toàn… 

Về mô hình nâng cao chất lượng cuộc sống, chúng tôi có những mô hình tham gia bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống văn hoá. Riêng bảo vệ môi trường, chúng tôi có chỉ đạo một mô hình từ năm 2019 là điểm sinh hoạt cộng đồng xanh sạch đẹp thân thiện với môi trường…

Trên cơ sở các đoạn đường tự quản từ các cơ sở Hội, đến nay là năm thứ ba cấp thành phố tổ chức cuộc thi về đoạn đường tuyến phố bích họa nở hoa, hiệu ứng của cuộc thi rất tốt. Có thể tiền thưởng không nhiều chỉ khoảng 50 triệu đồng nhưng chẳng hạn ở cấp xã, bà con tự vận động phụ nữ làm nòng cốt đã xây dựng những đoạn đường có giá trị khoảng 350 triệu. Tức là, nguồn lực bỏ ra không lớn nhưng với cách thức như vậy sẽ huy động được sự tham gia của cộng đồng.

Về các mô hình tham gia xây dựng đời sống văn hóa, chúng tôi đã tham mưu với UBND thành phố ban hành kế hoạch về tuyên truyền phụ nữ ứng xử nơi công cộng. Trong đó có giao cho Hội Phụ nữ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện 3 mô hình điểm. Một là thôn, tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện quy tắc ứng xử. Hai là chợ văn minh an toàn hiệu quả. Ba là mô hình di tích danh lam thắng cảnh lịch sử kiểu mẫu. 

Hoặc các chương trình đảm bảo an sinh xã hội có sức lan tỏa, huy động được nguồn lực rất lớn. Cùng với chương trình mẹ đỡ đầu của Trung ương Hội, chúng tôi có những chương trình như: đồng hành cùng con, áo dài trao gửi yêu thương… 

Chúng tôi cũng gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Một là, nội dung bao hàm của cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và “5 có 3 sạch” tương đối rộng. Do vậy đơn vị nào không xác định được trọng tâm, trọng điểm để triển khai phù hợp thì sẽ bị dàn trải và hiệu quả không cao bằng những đơn vị xác định được nội dung cần ưu tiên ở từng giai đoạn và có những mô hình, cách làm cụ thể nâng cao chất lượng thực hiện.

Thứ hai, mức độ thực hiện một số tiêu chí ở một số địa bàn có sự chênh lệch, không đồng đều. Đặc biệt, một số địa bàn có một số tiêu chí khó thực hiện. Ví dụ tiêu chí không có người thân vi phạm pháp luật, không vi phạm tệ nạn xã hội, hay không có bạo lực gia đình là rất khó khăn đối với một số địa bàn phức tạp, nhất là địa bàn trọng điểm của thành phố về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Bên cạnh đó là việc thực hiện “3 sạch” phù hợp với tiêu chí đô thị, nhất là những vấn đề liên quan tới phân loại xử lý rác thải tại nguồn đòi hỏi phải có sự thay đổi về thói quen, nhận thức về lợi ích của nó thì mới tạo được chuyển biến. Nếu không, việc quản lý chất thải trên địa bàn thành phố, nhất là ở địa bàn nông thôn, địa bàn có làng nghề gặp khó khăn. 

Việc triển khai thí điểm mô hình “5 có 3 sạch” đòi hỏi yêu cầu cao hơn cũng là một trong những khó khăn, thách thức đối với một số địa bàn.

a58i4304-3.jpg
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bà Trương Thị Thu Thuỷ: Mặc dù còn gặp phải những khó khăn, tuy nhiên từ sự chỉ đạo của Trung ương Hội, sự nỗ lực của Hội LHPN các tỉnh, thành, hiện cả nước đã hỗ trợ được 638.165 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí, vượt xa so với các chỉ tiêu đặt ra. 

Có trên 40.000 công trình, phần việc tham gia xây dựng NTM và đô thị văn minh, hỗ trợ 771.885 hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và trên 3 triệu hộ sử dụng nước sạch.

Các hoạt động hỗ trợ của Hội đã được các cấp Hội cụ thể hóa để xây dựng, nghiên cứu để trở thành các đề án như Hà Nội vừa chia sẻ. Các đề án này có sự đầu tư nguồn lực của UBND các cấp. 

Nhận diện vấn đề, lợi thế để phát động các phong trào thi đua

Nhà báo Lê Thuý: Xin bà Thuỷ nêu một số phong trào thi đua nổi bật khác của Hội LHPN các cấp trong xây dựng NTM?

Bà Trương Thị Thu Thuỷ: Bên cạnh phong trào thi đua bao trùm nhất là cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, chúng tôi phát động phong trào thi đua lớn nhất là xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới xoay quanh các tiêu chí: có tri thức, sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức, có trách nhiệm. 

Hai phong trào thi đua có mối quan hệ rất chặt chẽ: xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới để họ có thể vươn ra, cống hiến cho xã hội cùng với xây dựng gia đình để đóng góp kiến thức, năng lực, trình độ, trách nhiệm của mình thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM.

Ngoài ra chúng tôi có các phong trào thi đua cụ thể khác, được sáng tạo, phát động tại các khu vực khác nhau. Như chị Thanh Hương có chia sẻ, mỗi một Hội Phụ nữ ở từng địa phương phải nhận diện ra vấn đề, lợi thế của địa phương mình để phát động các phong trào thi đua dài hạn hoặc ngắn hạn.

Về dài hạn thì thường bám sát các chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội về cuộc vận động “gia đình 5 không 3 sạch”, hoặc “5 có 3 sạch” ở địa bàn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Hoặc phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. 

Những cuộc vận động, phong trào thi đua ngắn hạn như: trồng cây xanh, thu gom rác thải tại nguồn, chống rác thải nhựa, phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, đặc biệt là khu vực cận đô thị, phong trào dân vũ….

Những phong trào thi đua sôi nổi đó đang hiện hữu ở tất cả cộng đồng và đáp ứng, giải quyết được vấn đề cấp bách của thực tế. Ví dụ, trên địa bàn vùng ven biển có phong trào thi đua thu gom rác thải nhựa bờ biển của phụ nữ Khánh Hòa, Phú Yên; ở phố phường Hà Nội có con đường bích họa… 

Tất cả phong trào thi đua này được phát động, được sơ kết đánh giá, biểu dương, tôn vinh, ghi nhận, sẽ tạo động lực thi đua rất mạnh mẽ trong cán bộ, hội viên, phụ nữ. Chúng tôi sử dụng các biện pháp khích lệ thi đua rất khác nhau, như biểu dương chị em kịp thời ở ngay cộng đồng, trong các cuộc họp sinh hoạt chi hội phụ nữ, trên loa phát thanh của phường, xã, sử dụng loa cầm tay ở địa bàn nông thôn miền núi,…

Sắp tới đây, chúng tôi có kế hoạch phát động cuộc thi sáng tác ca khúc cho chương trình mẹ đỡ đầu. Ngoài ra, dự kiến sẽ có biểu dương tôn vinh phụ nữ cao tuổi tham gia xây dựng NTM và vun đắp giá trị Việt Nam. 

Nhà báo Lê Thuý: Ở cấp Hội phụ nữ TP, việc hưởng ứng các phong trào này như thế nào thưa bà Hương?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Với Hội LHPN Hà Nội, chúng tôi cụ thể hóa phong trào thi đua của Trung ương Hội về phong trào xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới bằng một phong trào thi đua mang sắc thái riêng của phụ nữ Thủ đô. Đó là phong trào xây dựng người phụ nữ Thủ đô trung hậu, sáng tạo, đảm đang, thanh lịch. 

Trong đó lồng ghép việc thực hiện một cuộc vận động lớn, phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp, với cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, bao gồm ứng xử trong giao tiếp gia đình, trong các mối quan hệ tại cơ quan đơn vị, tại nơi công cộng… và nhiệm kỳ này bổ sung thêm ứng xử có văn hóa trên không gian mạng. 

Để các phong trào thi đua xây dựng NTM của Hà Nội mang bản sắc riêng, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội của thành phố, Hội đề xuất rất nhiều đề án cùng với đề án đẩy mạnh vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong xây dựng NTM, đô thị văn minh. 

Có 3 mô hình hiện nay các đơn vị đang triển khai thực hiện, được các cấp quận, huyện đưa vào thành chỉ tiêu thi đua và nhận được sự tham gia tích cực của các địa phương: mô hình phân loại xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình hội viên, phụ nữ nông thôn, mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch và mô hình sạch đồng ruộng. 

Một số đề án, kế hoạch khác như kế hoạch thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng thì qua xây dựng mô hình văn hóa trong ứng xử nơi công cộng cũng được các cấp Hội, đơn vị đưa thành các chỉ tiêu thi đua để triển khai thực hiện. 

Trên cơ sở Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ chúng tôi có một đề án riêng là hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp. Trong đó các cuộc thi về ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp rất tốt, hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ trong phát triển kinh tế. Có rất nhiều ý tưởng của các hội viên, phụ nữ ở địa bàn nông thôn tham gia xây dựng NTM.

Vừa qua, chúng tôi cũng đề xuất Đề án về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 – 2026; Đề án phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô tham gia xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo. Đây là đề án lớn nhất trong số các đề án chúng tôi đề xuất và được UBND thành phố giao cho Hội Phụ nữ thành phố tổ chức rất nhiều sự kiện để quảng bá hình ảnh của người phụ nữ Thủ đô trung hậu, sáng tạo, đảm đang, thanh lịch và tham gia vào việc xây dựng thành phố sáng tạo và hoà bình.

Chúng tôi cũng đề xuất một kế hoạch giai đoạn về tầm soát, phát hiệm sớm ung thư vú và ung thư cổ tử cung cho phụ nữ 18 huyện ngoại thành. 

Cơ chế để đề xuất các kế hoạch giúp việc tham gia của Hội trong quá trình xây dựng NTM rất tốt, tạo động lực thi đua. Khi đề án thành phố ban hành, nguồn lực được thành phố cấp rồi thì Hội phụ nữ các quận huyện sẽ thi đua làm thế nào để đề xuất UBND cùng cấp bố trí nguồn lực để thực hiện các nội dung theo nội dung định hướng khung cơ bản của UBND thành phố.

Hà Nội là một địa bàn vẫn còn phụ nữ dân tộc thiểu số và phải chủ động nguồn lực khi thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội của vùng đồng bào DTTS&MN. Chúng tôi chủ động sớm tham mưu để ban hành một số dự án, kế hoạch, đề án về nâng cao nhận thức bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ DTTS, kèm theo đó là một loạt nguồn lực để thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” ở vùng đồng bào DTTS&MN.

Ngoài ra chúng tôi còn có một số dự án quốc tế để hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù ở khu vực nông thôn, chẳng hạn phụ nữ khuyết tật…

Chúng tôi cũng có những dự án về đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho lao động cả nam cả nữ ở khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chúng tôi tập trung khai thác được 5 dự án để dành cho khu vực ngoại thành. 

Ưu tiên nhiệm vụ chuyển đổi số

Nhà báo Lê Thuý: Tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số trong xây dựng NTM được Hội LHPN xác định ra sao? Việc triển khai thực hiện và những tác động, thay đổi tích cực mà nó đem đến, thưa bà Thuỷ? 

Bà Trương Thị Thu Thuỷ: Chúng tôi xác định, Hội phải có trách nhiệm thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn 2040.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung trọng tâm rất quan trọng. Chúng tôi xác định, Hội phải tham gia cụ thể, Trung ương Hội chủ trì đề án chuyển đổi số, tham gia chuyển đổi số của các cấp Hội.

Trong chuyển đổi số đối với các cấp Hội tới hội viên, phụ nữ, chúng tôi thực hiện từng bước, theo lộ trình, phù hợp theo trình độ của từng đối tượng vùng miền. Chúng tôi cũng đi từ những khâu ứng dụng CNTT, số hóa, sau đó nâng cao hơn là chuyển đổi số.

Chúng tôi nhìn nhận trước hết cán bộ hội viên phải có trình độ nhận thức, hiểu về lợi ích của chuyển đổi số và làm thế nào để chuyển đổi số. Do đó chúng tôi triển khai kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng NTM, đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên công nghệ số. 

Tất cả tài liệu tuyên truyền giáo dục, vận động, hỗ trợ chúng tôi đều tìm mọi cách số hóa, đưa lên các nền tảng số mà Hội quản lý, quản trị, để cung cấp cho cán bộ, hội viên. 

a58i4298-2.jpg
Hai khách mời trong thảo luận trong buổi tọa đàm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thứ hai, ngay trong Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc cũng xác định khâu đột phá là đổi mới nội dung phương thức hoạt động mà tập trung là ứng dụng CNTT. Đây là một khâu đột phá được Hội đầu tư và chủ đề năm 2024 có liên quan đến chuyển đổi số trong tất cả công tác chỉ đạo điều hành của Hội chứ không chỉ trong tham gia xây dựng NTM. 

Các mô hình tiêu biểu chúng tôi cũng hình thành tư liệu hóa, rồi số hóa, để thuận lợi cho việc đưa lên các nền tảng số tuyên truyền để cán bộ, hội viên. 

Chúng tôi phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tuyên truyền các mô hình thực hiện chuyển đổi số trong quản lý rác thải cộng đồng. Về ứng dụng CNTT, các nền tảng để hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất kinh doanh, chúng tôi tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn chị em sử dụng các phần mềm để quảng bá sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của mình, của địa phương mình... 

Chúng tôi cũng tổ chức hướng dẫn sử dụng công nghệ số cho phụ nữ khuyết tật, đặc biệt là các phần mềm có thể ứng dụng vào sản xuất và kinh doanh. Hoạt động này thu hút sự quan tâm đặc biệt của chị em và các chuyên gia, các tổ chức, tập đoàn kinh tế cũng tham gia hỗ trợ. 

Chúng tôi cũng tổ chức rất nhiều cuộc nói chuyện, mời chuyên gia để nâng cao nhận thức, giúp chị em phụ nữ hiểu ứng dụng công nghệ 4.0 như thế nào. 

Nhà báo Lê Thuý: Ở Hội LHPN thành phố Hà Nội thì chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong công tác hội và phong trào phụ nữ trong xây dựng NTM ra sao, thưa bà Hương?

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Chúng tôi xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu của các ngành, lĩnh vực, việc xây dựng NTM không phải ngoại lệ. 

Trong nền kinh tế số, người nông dân trong đó có phụ nữ khu vực ngoại thành phải là chủ thể quan trọng. Chúng tôi đặt ra yêu cầu phụ nữ nông dân phải biết quản lý quy trình sản xuất của mình đảm bảo an toàn, chất lượng, minh bạch thông tin trong việc xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm thì mới có thể nâng cao giá trị sản phẩm.

Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ người nông dân chuyển đổi số. Thành phố đã triển khai một hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho các loại nông sản an toàn. Nông dân Hà Nội cũng được hỗ trợ thông qua việc xây dựng những mã quét QR code của tất cả các loại nông sản được sản xuất, hỗ trợ tập huấn các khóa bán hàng online, thương mại điện tử. 

Vừa qua văn phòng điều phối NTM thành phố Hà Nội đã có văn bản ký kết với nền tảng chính TikTok để đưa các sản phẩm OCOP của thành phố quảng bá trên nền tảng này. 

Về quản lý điều hành, trong bộ tiêu chí xây dựng xã NTM kiểu mẫu có tiêu chí rất quan trọng là xây dựng thôn thông minh. Hiện nay, một số địa bàn của Hà Nội khi xây dựng mô hình xã NTM kiểu mẫu đã phải áp dụng những yêu cầu của việc xây dựng thôn thông minh. 

Từ việc xây dựng tổ tuyên truyền cộng đồng, công nghệ cộng đồng, giao tiếp, dịch vụ du lịch, dịch vụ xã hội mang tính chất áp dụng những chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Tôi nghĩ đây là một trong những tiền đề rất quan trọng để từ thôn thông minh sẽ xây dựng những mô hình về NTM thông minh ở cấp xã.

Với Hội Phụ nữ, chúng tôi liên tục tuyên truyền, vận động hội viên tiếp cận những chương trình này và giúp họ được tham gia, thụ hưởng những chương trình hỗ trợ của thành phố trong việc chuyển đổi số. 

Hội tổ chức truyền thông, tập huấn, ứng dụng công nghệ số, nhất là việc tham gia các quy trình sản xuất, minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử (TMĐT). Chúng tôi cũng thường xuyên hỗ trợ chị em việc quản lý các kế hoạch, xây dựng sản phẩm, quản lý nhân sự, tài chính, quảng bá sản phẩm bằng các nền tảng, phần mềm.

Đặc biệt chúng tôi kết nối cho các doanh nghiệp nữ, các HTX, các sản phẩm của nữ doanh nhân Hà Nội ở khu vực ngoại thành tham gia một số nền tảng TMĐT. Chúng tôi có những hoạt động ký kết, phối hợp để đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT; cố gắng đào tạo livestream, viết bài giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội và xây dựng một số group để trực tiếp tư vấn, hỗ trợ chị em xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.

Ứng dụng chuyển đổi số như thế nào là một nội dung khó và mới đối với hoạt động của Hội. Tuy nhiên, cùng với việc chuyển đổi số trong phong trào hoạt động của Hội, chúng tôi cũng tham gia tích cực những hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực hỗ trợ phụ nữ nông dân. Đây sẽ là một trong những nội dung chúng tôi ưu tiên trong những năm tới đây, đặc biệt năm 2024.

a58i4338.jpg
Bà Trương Thị Thu Thuỷ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà báo Lê Thuý: Các hoạt động nâng cao năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng NTM cho cán bộ, hội viên Hội LHPN thực hiện như thế nào, thưa bà Thủy?

Bà Trương Thị Thu Thuỷ: Chủ đề công tác năm 2024 của Hội LHPN Việt Nam là "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội", liên quan mật thiết đến chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ lan toả đến tất cả các lĩnh vực công tác của tổ chức Hội. 

Từ tập huấn cho cán bộ Hội cho đến đề xuất phải có cơ sở vật chất như phương tiện máy tính cho chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở làm việc ở địa phương, các điều kiện về mạng kết nối, kể cả yêu cầu phần cứng, cũng như phần mềm thuộc về tri thức, kỹ năng thì chúng tôi từng bước tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ. Không chỉ tập huấn trực tiếp qua các hội nghị trực tiếp toàn quốc, khu vực mà trên cả các nền tảng. 

Chúng tôi luôn luôn bắt nhịp vào những chỉ đạo của Chính phủ sớm nhất và mong muốn Hội thể hiện được vai trò hỗ trợ, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ để kịp thời bổ sung được đầy đủ kiến thức liên quan đến chuyển đổi số. Từ đó, tự mình quyết định việc ứng dụng CNTT, số hóa, tham gia vào chuyển đổi số cụ thể của gia đình, bản thân, của doanh nghiệp, tổ chức hoặc tổ liên kết, tổ hợp tác của mình một cách phù hợp, đem lại lợi ích, lợi nhuận cao nhất, đồng thời đóng góp được nhiều thành quả tích cực nhất cho phát triển kinh tế xã hội.

Nhà báo Lê Thuý: Thời gian qua, Hội LHPN các cấp có những hoạt động gì để phát huy vai trò của phụ nữ đối với việc lưu giữ giá trị văn hoá và phát huy tài nguyên bản địa trong phát triển sản phẩm OCOP, thưa bà Thủy? 

Bà Trương Thị Thu Thuỷ: Năm 2023 chúng tôi phát động toàn quốc cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp phát huy giá trị bản địa, được tổ chức ở tất cả các cấp. Đây là trọng tâm của Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. 

Để triển khai cuộc thi này cũng như các hoạt động trọng tâm của Đề án, trong năm 2023, chúng tôi tổ chức hàng loạt hoạt động tập huấn hướng dẫn cho những chị em có ý tưởng khởi nghiệp cách thức sử dụng các nguyên liệu bản địa, phát huy văn hóa của dân tộc, của địa phương mình tích hợp vào chuỗi giá trị của sản phẩm, làm rõ giá trị của văn hóa bản địa và biến nó thành giá trị thuộc về văn hóa, vật chất, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống của người dân. 

Thông qua các cuộc thi này, chúng tôi đã hỗ trợ chị em kiến thức, cách thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đăng ký tiêu chuẩn sản phẩm đạt 3 sao hay 5 sao, mẫu mã hàng hóa, truy xuất nguồn gốc… để từng bước chuyên nghiệp và mở ra thị trường.

Qua cuộc thi, sản phẩm được các cấp Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ từ ý tưởng khởi nghiệp cho đến triển khai thành sản phẩm để thị trường biết đến. Đã có nhiều sản phẩm được nhà tài trợ đầu tư, phát triển, kể cả khi không được tài trợ, phát triển thì chị em cũng đã mở ra được thị trường quan tâm đến sản phẩm của mình. 

Từ đó chị em có cơ hội sáng tạo, đưa giá trị của văn hóa dân tộc, quê hương vào chuỗi giá trị được xác định bằng giá trị tiền tệ, đem lại thu nhập cao. Đồng thời, thông qua đó, chúng tôi cũng khẳng định được vai trò hỗ trợ của Hội LHPN Việt Nam bắt kịp với xu thế, định hướng, của quốc gia khởi nghiệp sáng tạo mà Chính phủ đã triển khai.

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Hà Nội có số lượng sản phẩm OCOP được phân hạng lớn nhất cả nước, khoảng 2.700, thuộc về 600 chủ thể, trong đó chủ thể nữ chiếm khoảng 25 - 30%. Có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao, hơn 1.500 sản phẩm đạt 4 sao…

Thực tế cho thấy sản phẩm nào có hàm lượng về giá trị văn hóa và phát huy được tài nguyên bản địa sẽ tạo được lợi thế, sự khác biệt và gia tăng giá trị. Rất nhiều sản phẩm đã được tiếp cận với các thị trường quốc tế. Đặc biệt, Hà Nội có những sản phẩm số lượng rất ít, độc đáo như khăn lụa từ tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận ở huyện Mỹ Đức, đạt OCOP 5 sao, được dùng làm quà biếu của Chính phủ, các đoàn công tác của Trung ương… 

Thành hội đã hỗ trợ chị em trong việc tập huấn, mời chuyên gia hướng dẫn. Thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, nếu thấy ý tưởng nào có thể biến thành sản phẩm OCOP thì chúng tôi sẽ hỗ trợ luôn. Hơn 250 chị em đã được chuyên gia tư vấn về việc xây dựng các sản phẩm OCOP, trong đó có khoảng 28 sản phẩm đã được đưa vào quá trình phân hạng OCOP của thành phố từ đề án hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp.

Đặc biệt, thế mạnh của Hội là kết nối tiêu thụ sản phẩm để quảng bá hình ảnh. Chẳng hạn, các chương trình quảng bá sản phẩm OCOP do Hội phụ nữ đứng ra tổ chức, đưa các sản phẩm này về các khu dân cư, nhất là khu chung cư cao tầng.

Chủ trương của thành phố là “xây dựng OCOP của Thủ đô và Thủ đô của OCOP”, làm thế nào để tôn vinh những giá trị văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Thứ hai, hiện Hà Nội là nơi có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong số 52 nghề của cả nước, Hà Nội có tới 47 nghề. 

Chúng tôi cũng bám theo chủ trương của thành phố để hỗ trợ phụ nữ trong quá trình lưu giữ văn hóa và phát huy giá trị tài nguyên bản địa. Đó chính là việc lưu giữ những giá trị văn hóa của Thủ đô và làng nghề của Thủ đô để phát triển các sản phẩm OCOP. 

Nhà báo Lê Thuý: Xin bà Hương chia sẻ thêm một số mô hình hay trong sản xuất nông nghiệp (SXNN), ứng dụng công nghệ cao hiện nay tại TP Hà Nội do phụ nữ làm chủ? 

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Hiện trên địa bàn thành phố có 160 mô hình SXNN ứng dụng công nghệ cao. Hội phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của phụ nữ: Vì sao phải tham gia việc ứng dụng công nghệ cao trong SXNN; vào các chuỗi giá trị trong SXNN hay SXNN với mục tiêu an toàn bền vững, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị, hữu cơ, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch, hoặc nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch làng nghề… 

Chúng tôi vận động thay đổi tư duy để chị em phụ nữ hiểu rằng tham gia ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm của mình, và là xu thế không thể đứng ngoài khi thành phố phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, theo chuỗi giá trị... 

Chúng tôi cũng hỗ trợ chị em phụ nữ một số mô hình. Hiện có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành rất tốt như: HTX Đoàn Kết (Ứng Hòa), HTX rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (Đan Phượng), HTX hữu cơ Tằm Xá (Đông Anh)…

Khi đã tuân thủ đúng quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao thì đầu ra của sản phẩm rất tốt, các đơn vị hầu như không có đủ hàng để bán. Ví dụ gạo hữu cơ của Đồng Phú dù ở thành phố cũng rất khó đặt hàng, bởi cung ít hơn cầu.

Những mô hình như vậy khuyến khích động viên phụ nữ ở khu vực ngoại thành tiếp tục ứng dụng công nghệ cao tốt hơn và tuân thủ toàn bộ những quy trình sản xuất để có sản phẩm được thị trường chấp nhận, kể cả thị trường quốc tế với những yêu cầu nghiêm ngặt. Từ đó gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống người phụ nữ.

a58i4299-1.jpg
Bà Phạm Thị Thanh Hương. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tập trung cao độ cho việc vun đắp giá trị gia đình Việt Nam

Nhà báo Lê Thuý: Xin bà Thủy cho biết những nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm trong nửa sau giai đoạn xây dựng NTM 2021 – 2025? Các khó khăn, thách thức đặt ra? Một số giải pháp và kiến nghị của Hội LHPN Việt Nam? 

Bà Trương Thị Thu Thuỷ: Hội LHPN Việt Nam phải tiếp tục phải bám sát vào nhiệm vụ được phân công chủ trì thực hiện và phối hợp thực hiện trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Với nhiệm vụ chủ trì, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, mỗi một cấp Hội sẽ phải thực hiện bằng được có chất lượng chỉ tiêu: mỗi năm, mỗi cơ sở hướng dẫn, vận động, hỗ trợ ít nhất 5 hộ gia đình đạt được 8 tiêu chí của “gia đình 5 không 3 sạch” ở địa bàn xây dựng NTM hoặc “5 có 3 sạch” ở địa bàn NTM nâng cao và kiểu mẫu.

Thứ hai, mỗi cơ sở đăng ký một công trình, phần việc để tham gia xây dựng NTM được cấp ủy chính quyền ghi nhận, tạo điều kiện để hỗ trợ thực hiện. Theo định hướng: bên cạnh các công trình phần việc liên quan đến các biện pháp công trình là các công trình phần việc liên quan đến phi công trình, đến những vấn đề về xã hội, gia đình. Để từ đó Hội LHPN Việt Nam có thể góp phần vun đắp vào những giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ hiện nay.

Chúng tôi cũng chủ trì việc thực hiện đề án khởi nghiệp. Hiện có Đề án 939 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và Đề án 01 về hỗ trợ phụ nữ xây dựng và phát triển HTX trong thời kỳ hiện nay. 

Chúng tôi cũng tham gia vai trò phối hợp trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong xây dựng NTM. Hiện nay đã có 13 tiêu chí (tăng tới 11 tiêu chí so với giai đoạn trước) đặt ra cho cả nam và nữ trong xây dựng NTM. Chúng tôi cũng tham gia vào việc giám sát thực hiện để thúc đẩy việc thực hiện bình đẳng giới thực chất. 

Từ phía Hội LHPN Việt Nam, chúng tôi nghiên cứu đề xuất bộ công cụ giám sát bình đẳng giới trong xây dựng NTM gửi Bộ LĐTB-XH nghiên cứu trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới. 

Thông qua diễn đàn này, chúng tôi rất mong Ban chỉ đạo nông thôn mới các cấp quan tâm đến các tiêu chí đã được yêu cầu cho cả nam và nữ, liên quan đến việc làm, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, BHYT, tỷ lệ lãnh đạo trong hệ thống chính trị, trong giáo dục… 

Tất cả những tiêu chí đó cần phải có những điều kiện để hỗ trợ và được đánh giá nghiêm túc để đảm bảo bình đẳng giới trong xây dựng NTM - một mục tiêu mà Quốc hội đã phê duyệt trong Chương trình MTQG sẽ phải đạt được thực chất.

Một nội dung nữa mà chúng tôi cũng tập trung thực hiện là tham gia chuyển đổi số trong NTM một cách thực chất và có hiệu quả rõ nét.

Chúng tôi cũng bám sát phương châm đã xác định trong Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc: Trung ương Hội định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng cụ thể sáng tạo, huyện đồng hành cùng cơ sở và xã phường nắm chắc hội viên. 

Trung ương Hội định hướng bằng việc vận động, tham gia hướng dẫn trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới quốc gia và hình thành các đề án đề xuất với Chính phủ để ban hành một số đề án hỗ trợ. Cấp địa phương đề xuất với UBND cấp tỉnh, huyện, xã… những đề án cụ thể, sáng tạo để Hội phụ nữ tham gia các mục tiêu phát triển kinh tế, tham gia vào Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới có nguồn lực từ các đề án này để hỗ trợ cho Hội. 

Hội LHPN Việt Nam các cấp sẵn sàng nhận diện những khó khăn và vượt qua bằng những giải pháp đề xuất với cấp uỷ chính quyền địa phương, để cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá đúng vai trò của tổ chức Hội tham gia trong xây dựng NTM.

Từ sự chủ động tham mưu của các cấp Hội có các đề án, chương trình cụ thể ở từng cấp độ, giúp Hội LHPN Việt Nam có thêm điều kiện để thực hiện bằng được các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ 13 đề ra, tương ứng với nhiệm vụ mà Hội được giao chủ trì trong tham gia xây dựng NTM.

Trong nhiệm kỳ này, chúng tôi đặt ra yêu cầu cao và tập trung cao độ cho việc vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong xây dựng NTM. Chúng tôi kỳ vọng với sự chủ động của Hội, cùng trách nhiệm quản lý nhà nước, những vấn đề liên quan đến gia đình, đến văn hóa trong xây dựng NTM sẽ được được quan tâm đúng mức, đầu tư ở cấp độ cao hơn, để xã hội phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chúng tôi cũng kỳ vọng, các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo liên quan đến dịch vụ gia đình có khả năng sinh lợi cho startup cũng sẽ quan tâm đầu tư. Thông qua dịch vụ gia đình này, lao động không được trả công của người phụ nữ sẽ được nhìn nhận và các thành viên trong gia đình có điều kiện để chăm sóc đến thế hệ tiếp nối. Qua đó đảm bảo được thế hệ tương lai giữ gìn, phát huy được thành quả của xây dựng NTM. 

ntm phu nu 2.jpeg
Ảnh: Lê Anh Dũng

Bà Phạm Thị Thanh Hương: Trong giai đoạn từ 2023 - 2025, TP Hà Nội đặt ra yêu cầu rất cao là sẽ phải hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM vào năm 2025. Trong đó 100% các huyện, xã đạt NTM của giai đoạn mới, 20% số huyện phải đạt chuẩn NTM nâng cao, 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 

Yêu cầu đặt ra là NTM của Hà Nội phải có sự khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác. Không chỉ ở việc các giá trị văn hóa lịch sử được bảo tồn, gìn giữ, phát huy, giá trị truyền thống được vun đắp, mà cao hơn là những yêu cầu về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật, xã hội của TP phải tiệm cận ở tiêu chí đô thị. Bởi vì một số địa bàn sẽ phải đảm bảo yêu cầu từ huyện chuyển thành quận, xã thành phường. 

Hội phụ nữ phải nghiên cứu, có cách thức triển khai thực hiện những nội dung Hội được giao nhiệm vụ chủ trì từ cấp Trung ương đến các tỉnh/ thành phố, huyện/ quận, xã/ phường và những nhiệm vụ chính trị được giao cụ thể trên địa bàn mỗi địa phương, để tham gia hiệu quả, thực chất và bền vững hơn trong xây dựng NTM.

Cùng với những yêu cầu chỉ đạo từ cấp Trung ương Hội, chúng tôi sẽ tập trung giải quyết nhiều vấn đề ở khu vực nông thôn như: đào tạo nghề, đào tạo nghề phi nông nghiệp, việc tiếp cận các nguồn lực (trong đó bao gồm tiếp cận nguồn lực sở hữu về đất đai). Bên cạnh đó là việc giảm nhẹ gánh nặng gia đình, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em thành phố... 

Vừa qua Trung ương Hội rất quyết tâm trong việc lồng ghép các chỉ tiêu bình đẳng giới ở 13 tiêu chí. Chúng tôi đề xuất Trung ương Hội cùng các bộ, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu để việc lồng ghép giới được đảm bảo ở các tất cả các khâu và các tiêu chí khác, từ việc xây dựng kế hoạch tổ chức, triển khai thực hiện, nguồn lực, giám sát thực hiện… 

Đơn cử như một số tiêu chí liên quan đến quy hoạch, việc xây dựng các công trình hạ tầng cũng cần phải có sự tham gia của cả nam cả nữ. Có những công trình nếu nam giới quy hoạch thì chưa chắc đã phù hợp với lợi ích của cả hai giới, như trường học, chợ... 

Việc đảm bảo lồng ghép giới ở các khâu sẽ giúp việc triển khai thực hiện các tiêu chí của bộ tiêu chí mới trong xây dựng NTM hiệu quả, thực chất hơn. 

Bà Trương Thu Thuỷ: Đây cũng là mong đợi của Trung ương Hội. Trong quá trình chúng tôi vận động, lồng ghép giới, thúc đẩy bình đẳng giới trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thì kỳ vọng để lồng ghép rất nhiều. Nhưng thực tế nhìn nhận, nó là thách thức đối với tất cả các cấp và phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có 13 tiêu chí cũng đã là một bước nhảy vọt. 

Hãy cứ thực hiện 13 tiêu chí này đặt ra cho cả nam và nữ và lồng ghép các giải pháp để thực hiện ở trong tất cả các khâu, thì giai đoạn tới hi vọng sẽ lồng ghép giới toàn diện hơn ở các tiêu chí thực hiện NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. 

Nhà báo Lê Thuý: Thưa quý vị và các bạn, buổi Tọa đàm hôm nay xin được kết thúc tại đây. Một lần nữa xin cảm ơn sự tham dự của 2 vị khách mời. Cảm ơn sự theo dõi quý độc giả1

Đắc Vịnh, Kim Duyên, Minh Khuê, Hồng Kiên, Thanh Hùng, Trần Sâm