Sự kiện do Thanhmaihsk phối hợp tổ chức cùng Đại học Phúc Đán, Đại học Sư Phạm Hoa Trung và đại học Sư Phạm Thủ Đô (Bắc Kinh) tại trụ sở chính ở Hà Nội và được livestream trực tuyến trên nền tảng Zoom. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ mừng sinh nhật Thanhmaihsk bước sang tuổi thứ 9 đồng thời nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu và giảng dạy Hán ngữ trong cộng đồng người yêu tiếng Trung tại Việt Nam.
Hội thảo thu hút sự tham gia của các giảng viên tại Thanhmaihsk, các trường đại học lớn, các nhà nghiên cứu, giáo viên trên khắp cả nước cùng các chuyên gia tại các trường ĐH tại Trung Quốc.
Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 3 được tổ chức bởi Thanhmaihsk cùng các trường đại học nổi tiếng của Trung Quốc |
Hội thảo có sự hiện diện của các thầy cô giảng viên tại Thanhmaihsk, giảng viên tại các trường đại học lớn, các nhà nghiên cứu, giáo viên trên khắp cả nước. Đặc biệt, hội thảo còn vinh dự có sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành tại các trường đại học nổi tiếng của Trung Quốc: GS Ngô Trung Vỹ (Đại học Phúc Đán); GS Lý Bỉnh Chấn (Phó Viện trưởng Học viện Văn hóa Quốc tế, Đại học Sư phạm Thủ Đô); GS Chử Trạch Tường (Phó viện trưởng viện nghiên cứu Văn học, Đại học Sư phạm Hoa Trung); PGS Hồ Văn Hoa (Học viện Giao lưu văn hóa quốc tế, Đại học Phúc Đán).
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhà quản lý giáo dục Hán ngữ,... Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà giáo, các học giả, nhà quản lý giáo dục và những người quan tâm chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm để cùng giải quyết các vấn đề, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục tiếng Trung hiện nay.
GS Lý Bỉnh Chấn - Phó viện trưởng Học viện Văn hóa Quốc tế, Đại học Sư phạm Thủ Đô phát biểu tại sự kiện) |
Theo đó, báo cáo của GS Lý Bỉnh Chấn tập trung vào “Thiết kế hệ thống khóa đào tạo giáo viên Hán ngữ”. Phần thảo luận tại hội thảo diễn ra khá sôi nổi với những ý kiến tranh luận, phản biện về thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp trong đào tạo, giảng dạy tiếng Trung hiện nay.
Phát biểu về “Một số điều cần chú ý trong biên soạn giáo trình Hán ngữ cho học sinh Việt Nam”, GS Chử Trạch Tường đã chia sẻ, đưa ra nhiều nhận định, đánh giá của bản thân về các nghiên cứu. Theo đó, hình thức sách không những phải bắt mắt, nội dung còn cần được cập nhật liên tục, các bài khóa phải gần gũi, thiết thực với đời sống, lấy người học làm trung tâm. Chuyên gia cũng cho rằng, sách khi biên soạn và Việt hóa cần đảm bảo tính chính xác, khoa học, hiện đại, tiếp cận trình độ phát triển của các nước trên thế giới, đáp ứng xu thế phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Từ đó, các vấn đề chính thảo luận trong hội thảo gồm có: Chức năng "kép" của hoạt động nghe/ đọc và ý nghĩa trong dạy học Hán ngữ”; “Thiết kế, giảng dạy, áp dụng nguyên tắc học và vận dụng đồng thời bàn đến kết cấu giáo trình Hán ngữ MSutong trung cấp”; “Thiết kế hệ thống khóa đào tạo cho giáo viên Hán ngữ”; “Một số điều cần chú ý trong biên soạn giáo trình Hán ngữ cho học sinh Việt Nam”.
Các giảng viên Hán ngữ tại các trường đại học lớn tham dự hội thảo tại Hà Nội |
Tại hội thảo, các đại biểu cũng bàn luận đến sự thay đổi về vai trò của giáo viên trong thời kỳ chuyển đổi số.
Trong thời kỳ giáo dục 4.0, việc giáo viên giảng trên bục, học sinh cắm cúi viết bài sẽ dần trở thành dĩ vãng. Thay vì giảng dạy truyền thống, các cách thức giảng dạy áp dụng công nghệ hiện đại cùng các công cụ như các nền tảng trực tuyến hay trí tuệ nhân tạo AI sẽ trở nên phổ cập, được ứng dụng rộng rãi.
TS. Trần Thị Thanh Mai phát biểu cảm ơn các chuyên gia, giảng viên tham dự |
Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Trần Thị Thanh Mai (CEO tiếng Trung Thanhmaihsk) bày tỏ lòng cảm ơn với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà giáo và người quan tâm đã tham dự hội thảo. Kết quả của sự kiện không chỉ đóng góp về mặt khoa học mà còn kết nối các chuyên gia, nhà nghiên cứu với các thầy cô, nhà quản lý giáo dục Hán ngữ để cùng đóng góp, tạo ra sự đổi mới trong giáo dục, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Ngọc Minh