J.R Storment đã viết như vậy trên trang mạng xã hội LinkedIn sau nỗi đau đột ngột mất con. Bài viết có tiêu đề “Đã muộn hơn bạn nghĩ” nhận được nhiều đồng cảm và sẻ chia.

{keywords}
J.R Storment chia sẻ về gia đình lúc còn đủ 4 người, Wiley là cậu bé ngoài cùng bên phải.

“Vào khoảng thời gian này của 8 năm về trước, tôi trở thành một người hạnh phúc nhất khi làm bố của hai đứa trẻ sinh đôi, và là đồng sáng lập công ty Cloudability. Cách đây 3 tháng, Cloudability được mua lại. Và 3 tuần trước, tôi đã mất đi một đứa con trai.

Khi nhận được cuộc gọi, tôi đang ngồi trong phòng họp cùng với 12 người khác ở Portland. Chỉ vài phút trước đó, tôi thừa nhận với mọi người, rằng trong 8 năm qua, tôi chưa từng nghỉ phép liên tiếp 1 tuần.

Vợ chồng tôi có thỏa thuận với nhau, khi người kia gọi điện, chỉ trong trường hợp bất khả kháng, còn lại, đối phương đều phải nghe máy. Vì vậy, khi cô ấy gọi đến, tôi đã lập tức đứng dậy và đi ra khỏi phòng họp.

Có chuyện gì vậy?”, tôi vừa bắt máy, vừa đi ra cửa.

J.R., Wiley mất rồi”, vợ tôi lạnh lùng đáp.

Gì cơ?”, tôi nghi hoặc hỏi.

J.R., Wiley mất rồi”, cô ấy nhắc lại.

Cái gì?! Không!”, tôi hét lên. “Không”.

Em xin lỗi, em phải gọi 911”.

Đó là toàn bộ cuộc trò chuyện. Điều tiếp theo tôi nhớ được là tôi đã chạy rất nhanh ra khỏi cửa. Vừa chạy vừa lẩm bẩm: “Chết tiệt”. Rồi tôi chợt nhận ra mình không thể mở cửa nhà xe, vậy là tôi lại chạy quay lại sảnh và hét to: “Có ai lái xe giúp tôi! Có ai lái xe giúp tôi!”. Thật may là có một đồng nghiệp đã lập tức nhận lời.

Tôi về đến nhà sau 12 phút, trước nhà tôi chật cứng xe cấp cứu. Tôi chạy vội thẳng đến phòng ngủ của các con trai. Một số cảnh sát bước ra chặn đường tôi. Vì con trai tôi mất đột nên căn phòng trở thành hiện trường vụ án.

Tôi phải trải qua khoảng 2,5 giờ đồng hồ đầy khủng hoảng, trước khi có thể nhìn thấy con trai mình. Sau đó, tôi đã nói với cảnh sát, tôi không thể chờ đợi được nữa, và tôi được chấp nhận. Tôi chạy vào. Thằng bé nằm trên giường, gọn gàng trong giấc ngủ yên bình.

Sau khi kết thúc khám nghiệm, chúng tôi được phép ở lại trong phòng. Một cảm giác bình tĩnh kỳ lạ. Tôi nằm xuống cạnh, trên chiếc giường mà thằng bé yêu thích, cầm bàn tay nhỏ nhắn và không ngừng nhắc lại: “Chuyện gì đã xảy ra vậy chàng trai? Chuyện gì đã xảy ra?”.

Chúng tôi đã ở cạnh thằng bé khoảng 30 phút, vuốt tóc con trước khi họ trở lại và đưa con đi. Những chiếc xe rời đi, chiếc cuối cùng có Wiley của tôi trong đó.

Wiley vô cùng yêu thích kinh doanh. Thằng bé có rất nhiều ý tưởng, lúc thì muốn mở một quầy sinh tố, có lúc là một phòng trưng bày, một công ty sản xuất tai nghe thực tế ảo, một lập trình viên, một công ty xây dựng tàu vũ trụ. Trong mỗi một ý tưởng, thằng bé đều là ông chủ, còn em trai (hoặc đôi khi là cả chúng tôi) sẽ được mời vào làm việc. Trong ý tưởng mở phòng trưng bày, Wiley sẽ cho phép Oliver làm ở vị trí làm thu ngân.

{keywords}
Một trong những trang nhật ký của Wiley năm 8 tuổi.

Khoảng 5 tuổi, Wiley đã có ý định kết hôn. Lên 6 tuổi, thằng bé “ngắm” được cô gái mình thích, nắm tay cô bé vào giờ ra chơi ngay trong ngày đầu tiên học lớp mẫu giáo. Trong 2 năm tiếp theo, chúng tôi chuyển từ Portland đến Hawaii, 2 đứa nhỏ đã liên lạc với nhau qua những lá thư viết tay. Không lâu trước khi chúng tôi chuyển về Portland, tụi nhỏ đã đồng ý kết hôn (qua thư).

Một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất trong đời là ký vào giấy chứng tử cho con trai mình. Chỉ riêng việc nhìn dòng tên đã vô cùng đau đớn, thế nhưng, khi nhìn thấy 2 mục phía dưới, tôi cảm giác trái tim mình đang bị nghiền nát. Mục thứ nhất: Nghề nghiệp: Chưa từng; mục thứ 2: Tình trạng hôn nhân: Chưa kết hôn. Đó là 2 điều mà Wiley luôn hi vọng.

Trong 3 tuần, tôi đã nghĩ ra vô vàn những điều hối tiếc, nhưng chung quy lại, chúng đều thuộc 2 điều: Một là, tôi ước gì tôi đã không làm như vậy; hai là, những gì con trai đã làm, qua lời kể của vợ. “Wiley đã đi đến 10 quốc gia, một nông trại ở Hawaii, dạo bộ ở Hy Lạp, lặn ở Fiji, mặc suit đi học mẫu giáo trong hai năm ở Anh, được cứu khỏi cá mập khi đi môtô nước, thơm nhiều bé gái, chơi cờ vua đủ giỏi để đánh bại tôi hai lần liên tiếp, viết truyện ngắn và mê vẽ truyện tranh”.

Và rồi thằng bé đã mất trên giường ngủ, cả 1 đêm. Trước đó là một buổi tối bình thường, Wiley khỏe mạnh và rất hợp tác. Bạn bè của chúng tôi đưa con nhỏ đến ăn tối. Chúng tôi cùng nhảy trên tấm đệm lò xo khổng lồ, món đồ đầu tiên mua được sau khi chuyển đến căn nhà mới cách đây vài tuần.

Tối đó, Wiley khá hách dịch với những đứa trẻ khác và thường la ó mọi người khi họ chơi sai cách. Tôi đã kéo riêng thằng bé ra, nghiêm khắc dạy dỗ khiến con bật khóc. Đó là một trong những lần cuối cùng chúng tôi tương tác với nhau. Và tôi đã tự đánh mình hàng chục lần vì điều này. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt thằng bé cùng những lời phản đối: “Bố không nghe con. Không có ai nghe con hết”.

Sau vài giờ, mọi chuyện lắng dịu, chúng tôi gọi đồ ăn tối, Wiley thích thú ăn cơm với súp Ấn Độ. Rồi chúng tôi cho bọn trẻ đi ngủ. Tôi trò chuyện tình cảm với Wiley và xin lỗi vì đã khiến con khóc. Chúng tôi ôm tạm biệt rồi tôi trở về phòng ngủ.

Khoảng 15 phút sau, Wiley bước vào phòng tôi nói: “Bố ơi, con không ngủ được”.

Có tiếng nhạc lớn phát ra từ bữa tiệc ngoài trời của nhà hàng xóm. Tôi đóng cửa sổ phòng thằng bé. Khi con cảm thấy tốt hơn, chúng tôi ôm hôn chúc ngủ ngon. Sau đó tôi trở về phòng.

Khoảng 5h40 sáng hôm sau, tôi thức dậy, lại đưa mình vào guồng quay của công việc. Tôi đi làm mà không kiểm tra hay tạm biệt các con trai.

Cuối buổi sáng, Jessica chỉ nghĩ đơn giản là Wiley đang ngủ, thằng bé đặc biệt thích ngủ nướng và rất yêu chiếc giường của mình. Nhưng rồi, cô ấy có cảm giác không đúng, thằng bé ngủ quá lâu so với bình thường, vì vậy đã đi vào để gọi.

Người thằng bé lạnh ngắt. Bác sĩ pháp y ước tính, thằng bé đã ra đi ít nhất 8-10 tiếng.

Năm ngoái, Wiley được chẩn đoán mắc một dạng động kinh nhẹ, thường gặp ở độ tuổi khoảng 8-13. Chúng tôi đã trao đổi với rất nhiều bác sĩ nhi khoa và bác sĩ thần kinh, nhưng không ai đề cập đến việc cái chết đột ngột có thể xảy ra ở thằng bé.

Có nhiều người hỏi làm cách nào để có thể giúp đỡ chúng tôi bây giờ. Hãy ôm con của các bạn, đừng để việc đó trở thành quá muộn. Tôi đoán rằng nhiều người trong số các bạn đã lên lịch gặp đối tác. Nhưng bạn có chắc đã dành thời gian cho con cái chưa? Bài học rút ra từ bi kịch của chúng tôi là đừng bỏ lỡ những điều quan trọng.

Một câu hỏi lớn là làm thế nào để tôi có thể trở lại với công việc, sau những tiếc nuối của tôi bây giờ. Thành thật mà nói, tôi đã cân nhắc đến việc không trở lại nữa.

Trong khi tôi đang viết những dòng này, đứa con trai còn lại của tôi, Oliver, đi đến và muốn xem thiết bị điện tử. Thay vì nói “không” như trước đây, tôi dừng viết và đề nghị chơi cùng con. Thằng bé rất ngạc nhiên, sự vui vẻ được hiện rõ trên khuôn mặt. Thật là quá đắt khi mối quan hệ giữa cha con chúng tôi được cải thiện bằng mạng sống của một đứa con khác!

Trước đây, khi tôi bán công ty, tôi đã cho mỗi đứa trẻ 100 USD. Chúng quyết định gom tiền để mua lều cắm trại. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa kịp thực hiện điều đó trước khi Wiley ra đi. Vì vậy, tôi quyết định đưa Jessica và Oliver đi cắm trại ở gần núi St. Helans.

Chúng tôi đã đến khu cắm trại mới phát hiện không mang đủ tiền mặt để trả phí. Vô tình Jessica nhìn thấy tờ 100 USD trong túi tiền của Wiley ở ghế của con hay ngồi. Cuối cùng, cậu bé vẫn tham gia vào chuyến cắm trại cùng cả gia đình. Chúng tôi cùng hét to: “Cám ơn chàng trai!”.

Wiley từng rất thích nghe nhạc và nhảy múa. Một năm trước khi sang London, chúng tôi đã nghe một ban nhạc biểu diễn ca khúc “Enjoy yourself” (It's later than you think). Từng câu hát từ 3 năm trước hiện giờ lại khiến tôi vông cùng đau đớn:

“Bạn làm việc và làm việc, năm này qua năm khác, lúc nào cũng di chuyển

Bạn không bao giờ nghỉ dù là một phút, thực quá bận rộn 

Bạn nói một ngày nào đó, bạn sẽ có niềm vui khi trở thành triệu phú

Nhưng hãy tưởng tượng niềm vui sẽ thế nào khi bạn ngồi trên chiếc ghế cũ

Hãy tận hưởng đi, đã muộn hơn bạn nghĩ rồi

Hãy tận hưởng đi, khi cuộc sống còn là màu hồng

Năm tháng trôi qua nhanh như cái chớp mắt

Hãy tận hưởng đi, đã muộn hơn bạn nghĩ rồi đấy".

Khánh Hòa (Nguồn: LinkedIn)

Lời  dặn con chạm cảm xúc khiến nhiều người bật khóc

Lời dặn con chạm cảm xúc khiến nhiều người bật khóc

 Bài thơ là những lời răn dạy con, nhẹ nhàng và sâu lắng, chạm đến sâu cảm xúc của người đọc. Đây là bài thơ do một người bố viết tặng con trai trong những ngày cậu bé chập chững đến trường.