- "Đặt hàng" mãi, cuối cùng Vietnamnet cũng "tóm" được Hà Anh trong hối hả bận rộn của những ngày giáp Tết để bắt cô chia sẻ những ký ức về những cái tết đã qua.

Hà Anh với ký ức về chiếc xe đạp mua được bằng tiềng mừng tuổi.

Tết! năm nào cũng thế, cứ mỗi khi gần đến nó, ban đầu lòng tôi vẫn còn “dửng dưng” lắm. Tôi thầm nghĩ “mọi người làm gì mà cứ rối lên thế nhỉ?” mỗi khi nhìn thấy những giục giã, hối hả đón chào ngày tết. Và tôi vẫn thản nhiên quay cùng cái vòng công việc bận rộn của riêng mình cho đến khi mọi người chuẩn bị nghỉ hết cả, chẳng ai “làm việc” cùng với tôi nữa. Và thế rồi thấy mọi người rộn ràng, lòng tôi cũng “rộn ràng” theo.
Tết đến, trẻ con thì “háo hức”, người lớn thì “sợ” vì sắp sửa phải tốn tiền, phải bận rộn, phải lễ nghĩa…Tôi thì ở giữa, tôi nghĩ thế. Tôi cũng “người lớn” rồi mà, nhưng mà chưa có “nghĩa vụ gia đình” nên đôi khi tôi vẫn cho phép mình trẻ con.
Hồi bé tôi mê Tết cực! Tôi thấy thích nhất là được mừng tuổi, được ăn hạt bí (rác đầy nhà- ba tôi hay phàn nàn thế!), được mặc áo dài, được đánh môi son má phấn đi thăm ông bà nội ngoại và các cô chú. Lũ em họ của tôi và tôi, đứa nào cũng được trang bị một cái ví đeo vai để đựng tiền mừng tuổi.
Lúc ít tuổi, ba mẹ không cho tôi tiêu tiền, nên toàn “giả vờ” vay tiền của tôi, xong cứ mỗi lần tôi đòi thì nào là hết “ba mẹ mua gạo nuôi con bao năm nay”, xong “Đấy, tiền mừng tuổi của con biến thành cái đèn chùm của nhà mình đấy!” nên là tôi ấm ức lắm lắm. Tôi thấy lý do cái đèn chùm không thuyết phục tí nào. Tôi có them ngắm cái đèn chùm ấy đâu!?
Thế là lớn hơn tí nữa tôi mang gửi hết tiền mừng tuổi cho bà nội. Bà chẳng bao giờ tiêu tiền của tôi, ngược lại bà còn cho thêm tôi, xong làm thành sổ mang tên tôi. Bà chính vì thế mà “uy tín” hơn ba mẹ tôi nhiều! Tôi nhủ thầm!
Sau này khi đi học cấp ba, tôi muốn mua xe đạp, bà rút “sổ tích kiệm” cho tôi và hình như còn cho tôi thêm tiền để tôi mua chiếc xe đạp màu xanh ngọc. Tôi thích lắm! Chỉ tiếc rằng chỉ một tháng sau tôi bị trộm nó bẻ khóa lấy mất! Thế là tiêu cả số tiền “tích cóp” bấy lâu.
Tết, ngày xưa tôi “vừa sợ vừa thích” nhất hai thứ, một là tắm tất niên, và hai là pháo.
Tắm tất niên là vì là Tết Hà Nội thường rất lạnh, bị bắt cởi quần áo để tắm là một cực hành, nhưng rồi tôi lại cực mê “món” nước lá sả và hương liệu nóng ấm khi được sối lên người tôi. Tôi cứ tưởng tượng mình sẽ thực sự biến thành con người mới cho năm mới vậy.
Cái thứ hai là tiếng pháo, tôi rất sợ tiếng pháo, lại sợ cả tấm Áp Phích khuyến cáo đốt pháo sẽ bị nổ cụt ngón tay tóe máu ở đầu đường ngã tư Cửa Nam. Cứ mỗi lần ba đèo xe máy qua chỗ ấy là tôi nhắm tịt cả mắt lại! Nhưng tôi lại rất mê mùi thuốc pháo, tiếng nổ báo hiệu năm mới tới.

Trong ký ức của cô người mẫu 30 tuổi luôn dành chỗ cho những món ăn đặc trưng của Hà Nội
Năm nào cả đại gia đình của tôi cũng đi dạo “du Xuân”… Ông chẳng bao giờ khuyến khích chúng tôi bẻ cây lấy “lộc”, ông bảo, tội nghiệp chúng nó. Tôi cũng chẳng “thiết tha” lắm vì Tết đầy thứ để thích thú. Tôi rất thích cùng ông nội vào “xông nhà”. Ông lớn tuổi nhất nhà, lại rất hiền, nên mọi người đều quyết định mọi năm sẽ để ông xông nhà, vì ông sống tốt, nên mọi thứ tốt sẽ đến, chẳng quan trọng tuổi năm nào hợp “con giáp” gì hết.
Cảm giác bước vào nhà năm mới thật là thiêng liêng làm sao!
Năm nào năm mới, cả nhà tôi cũng sum tụ, đầy tiếng cười. Mẹ tôi nấu canh măng cực ngon. Ba tôi vẽ “Con giáp” cực giỏi.
Tôi mê nhất ăn món bún ốc mỗi khi lên thăm cụ tôi vào sáng mồng 1. Phố phường vắng tanh, ba lại kể, ngày xưa đường vắng vậy đấy, làm gì nhiều xe máy như bây giờ.
Và bây giờ mỗi lần “du xuân” cùng bạn bè, giọng tôi lại “trầm bổng” … ngày xưa đường vắng vậy đó… cứ như thể chính tôi được chứng kiến tân mắt vậy!

Hà Anh