- ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhận định khối vốn nhà nước hơn 1 triệu tỷ đồng đang nằm phân tán ở các DNNN, bộ, ngành, địa phương, nhưng phân bổ, sử dụng mỗi nơi mỗi kiểu, thiếu hiệu quả.

Thảo luận dự thảo luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào doanh nghiệp sáng nay, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị thành lập một cơ quan chuyên trách ngang bộ làm đại diện chủ sở hữu.

"Đây sẽ là một đột phá, tách chức năng quản lý nhà nước khỏi chức năng sản xuất kinh doanh để cơ quan nhà nước tập trung hơn vào việc xây dựng thể chế, chính sách, hoạt động của DN cũng sẽ công khai minh bạch hơn", ông nói.

{keywords}

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai)

Ông Vở khằng định đây là một đòi hỏi khách quan của thực tế và thời điểm cũng đã chín muồi để chấm dứt tình trạng không có địa chỉ quy trách nhiệm khi có thất thoát, đổ vỡ như thời gian qua, làm mất lòng tin của nhân dân.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) thì nhận định khối vốn nhà nước tới hơn 1 triệu tỷ đồng hiện đang nằm rải rác, phân tán ở các DNNN, bộ, ngành, địa phương, nhưng phân bổ, điều hòa, sử dụng mỗi nơi mỗi kiểu, chưa hợp lý, thiếu hiệu quả.

Ông Ngân ủng hộ hình thành Tổng cục quản lý vốn nhằm tập trung đầu mối quản lý, sử dụng và có chiến lược, tính toán đầu tư nguồn vốn khổng lồ vào các ngành, lĩnh vực.

{keywords}

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)

“Nếu chưa có cơ quan này, có thể quản lý tập trung ở Bộ KH-ĐT hoặc Bộ Tài chính. Cơ quan này sẽ do QH giám sát, chịu trách nhiệm trước các cổ đông, trước nhân dân về hiệu quả đầu tư nguồn vốn”, ông Ngân nói.

Tuy nhiên, theo UB Thường vụ QH, việc thay đổi mô hình đại diện chủ sở hữu sẽ tác động đến mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ cũng như thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước. Vì vậy, luật chưa quy định cụ thể vấn đề này mà vẫn giao quyền cho Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình.

Nhưng ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) vẫn không đồng tình "giao hết quyền quyết định cho Chính phủ, QH hoàn toàn đứng ngoài, chỉ còn giữ chức năng giám sát": "Tôi đánh giá cao vai trò của DNNN trong thực hiện 4 chức năng đã được quy định, nhưng muốn thực hiện tốt các chức năng này, hoạt động của DN phải gắn với kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế xã hội của QH. Do đó, luật nên có chế định mở để trong tương lai, QH sẽ quyết định hoạt động của một số tập đoàn lớn, không thụ động như hiện nay”.

Theo dự thảo luật, vốn ngân sách được đưa vào 4 loại hình doanh nghiệp: DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước; DN ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng phạm vi như thế là rộng và chưa cụ thể, khó xác định giới hạn và danh mục những lĩnh vực mà nhà nước định phải đầu tư để tạo ảnh hưởng cho cả nền kinh tế.

"Cần quy định rõ hơn ngành nào nhà nước cần nắm 100%, ngành nào nhà nước góp vốn để có cổ phần chi phối, ngành nào nhà nước không cần đầu tư để đẩy mạnh xã hội hóa cũng như thoái vốn nhà nước", ông Vinh nói.

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng nhận định khó có thể sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế vì như vậy trái với nguyên tắc kinh tế thị trường, trên thực tế nhà nước toàn phải đi bù những khoản lỗ của DNNN mà ngân sách không gánh nổi. Ông Vẻ nhắc lại chủ trương của Đảng và Nhà nước là giảm dần số lượng DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

{keywords}

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình)

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thì muốn luật ghi rõ "nhà nước không đầu tư hoặc tiếp tục đầu tư vào những ngành, sản phẩm, dịch vụ mà khu vực tư nhân hoặc xã hội có đủ năng lực đầu tư với chất lượng bằng hoặc cao hơn nhà nước". Ông Nghĩa chỉ ra kinh nghiệm quốc tế rằng những lĩnh vực như hàng không, bưu điện..., nhà nước hoàn toàn có thể rút ra, thoái vốn, để các khu vực khác đảm nhận.

Dự thảo luật có một điểm mới đáng chú ý liên quan tiền lương, tiền thưởng, đặc biệt là của người quản lý DN. Lương của người quản lý phải căn cứ vào hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng năm của DN.

Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng