Sáng nay (1/10), đại diện Công an TP.HCM cho biết, tối 30/9 và rạng sáng 1/10, tại cửa ngõ phía Tây TP.HCM, có hơn 1.000 người dân mong muốn về quê, đã tự phát rời TP.
Theo Công an TP.HCM, những người này chủ yếu ở 13 tỉnh thành miền Tây, có mong muốn về quê khi TP nới lỏng giãn cách.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, đêm 30/9 và rạng sáng 1/10, quốc lộ 1A đoạn qua xã Tân Túc (huyện Bình Chánh) đã xuất hiện dòng người đi xe máy nối đuôi nhau rời TP.
Đây là những người quê ở miền Tây, đi xe máy san sát nhau, nối thành đoàn dài 200m, chờ được qua chốt kiểm soát. Các lực lượng thực hành nhiệm vụ kiểm soát phòng chống dịch cũng đã được huy động, vận động, tuyên truyền tới người dân.
Trong đoàn người muốn rời thành phố, đã có những ý kiến đề đạt: "Cho chúng tôi qua, cho chúng tôi về nhà. Chúng tôi không thể bám trụ thêm được nữa rồi".
Người dân chờ đợi ở cửa ngõ về quê miền Tây |
Nhiều người khác trong đoàn cũng nêu ý kiến: "Suốt 4 tháng nay chúng tôi đã chung sức cùng cùng TP thực hiện nghiêm các quy định giãn cách, phòng chống dịch bệnh. Đến giờ này, chúng tôi tha thiết xin được về quê".
Lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ tại chốt đã liên tục phát loa, di chuyển đến từng người để vận động họ quay trở về nơi ở, tránh tụ tập nguy cơ lây dịch bệnh.
Tuy nhiên, người dân vẫn bám trụ tại tuyến đường huyết mạch về miền Tây, trong đó có không ít gia đình đã đưa theo cả con nhỏ rời TP.
|
Các lực lượng chức năng vận động, nhưng người dân vẫn bám trụ ở cửa ngõ để mong được qua chốt về quê |
Khi đồng hồ đã điểm sang ngày 1/10, mốc thời gian TP.HCM nới lỏng một số hoạt động phòng chống dịch, dòng người mong muốn về quê vẫn bám trụ tại chốt. Những gương mặt hiện rõ sự mệt mỏi, chờ đợi và đành tá túc tạm ngay ở vỉa hè, lòng đường.
Anh Trần Thảo (29 tuổi, quê ở Sóc Trăng) chở vợ cùng ba con nhỏ về, nhưng "kẹt" ở chốt từ 16h. Anh cho biết, vợ chồng anh làm phụ hồ nhưng đã thất nghiệp ba tháng nay, phải ở tạm trong xưởng của người quen.
"Giờ họ không cho ở nữa nên cả nhà tôi biết đi đâu ngoài tìm đường về quê. Tiền bạc cũng không còn..." - anh Thảo bộc bạch.
Anh Trần Thảo cùng vợ và 3 con thơ trên đường về quê Sóc Trăng, kẹt ở địa phận giáp ranh TP.HCM và Long An |
Ngồi trên ghế đá ở vỉa hè , chị Trần Thị Như Ý (32 tuổi) quê Mỏ Cày (Bến Tre) rơm rớm nước mắt khi chờ cả buổi tối và qua luôn ngày mới nhưng vẫn chưa được qua chốt để di chuyển tiếp.
"Vì nhớ con gửi ở quê, cũng không có tiền, không việc làm nên tôi mới quyết định về. Bây giờ tôi ở thành phố cũng không được nên chỉ có nguyện vọng được về quê"- chị Ý nói.
Đến 0h30 ngày 1/10, chính quyền huyện Bình Chánh phát "phiếu thu thập thông tin", vận động người dân về điểm tập trung ở tạm qua đêm, chờ phương án để về quê.
Theo đại diện Công an TP.HCM, hiện chính quyền TP đang sắp xếp cho số người dân này về quê bằng xe khách, còn xe gắn máy thì vận chuyển bằng xe tải.
Cũng theo cơ quan công an, TP.HCM đang thống kê danh sách, nhu cầu của người dân để chủ động sắp xếp các phương án.
Trước mắt, Công an TP khuyến cáo, người dân nếu không có nhu cầu cấp bách về quê thì nên ở lại TP.
TP đang trở lại trạng thái bình thường mới, mở cửa dần nên có nhiều việc làm cho người dân mưu sinh, dần ổn định cuộc sống. Vì vậy cơ quan chức năng TP.HCM mong người dân phối hợp cùng chính quyền để ổn định tình hình, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường
Tuấn Kiệt - Phước An
Tự phát rời TP.HCM, cả nghìn người mắc kẹt ở cửa ngõ về miền Tây lúc nửa đêm
Khuya 30/9, quốc lộ 1, đoạn qua huyện Bình Chánh theo hướng về Long An xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài do nhiều người tự phát về quê.