Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh và tiếp cận thông tin.

{keywords}
Hơn 1,3 triệu hộ nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế

Trong đợt sơ kết  6 tháng triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, kết quả cho thấy việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, cả nước có 44/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; hơn 60 xã và hơn 1.000 thôn bản đủ điều kiện để hoàn thành Chương trình 135; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hơn 1,3 triệu hộ nghèo, hơn 1,2 triệu hộ cận nghèo và hỗ trợ các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục - đào tạo giúp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ trẻ em đến trường: tiểu học 99,84%; trung học cơ sở 98,73%; phổ thông trung học 98,21%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương rất thấp, chỉ đạt 23%; vẫn còn chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền; việc triển khai thực hiện nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương của một số địa phương chưa đúng quy định của Luật đầu tư công và các văn bản liên quan; tỷ lệ xã, thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn thấp.

Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các bộ, ngành đề xuất khung khổ thể chế về tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và 5 năm tiếp theo, nâng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên nguyên tắc không làm tăng cấp bù, mà là trên cơ sở huy động tín dụng xã hội, quay vòng vốn.

Đồng thời, ông cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để bảo đảm kịp thời phát huy ý nghĩa an sinh xã hội đối với người dân, nhất là các hộ nghèo.

Bài: Lê Thị Thu Hiền - Nhóm PV
Ảnh: Lê Anh Dũng - Nhóm PV