- 310 cuốn sách giáo khoa và bài tập của học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đã được 'gói gọn' trong một thiết bị cầm tay có trọng lượng 500 gram. Đó là sách giáo khoa điện tử đầu tiên ở Việt Nam vừa được giới thiệu ngày 25/6 tại Hà Nội.

{keywords}

Sản phẩm sách giáo khoa điện tử Việt Nam được giới thiệu ngày 25/6

Sách giáo khoa số hóa

Sách giáo khoa điện tử (Classbook) là một thiết bị giống như Ipad, kích thước 8 inch, tỉ lệ 4:3, độ phân giải 1024x762 pixel. có màn hình chống loá. Công nghệ chống lóa IPS (In Plane Switching) được giới thiệu sẽ đảm bảo hỗ trợ góc nhìn rộng (tối đa 178 độ) với màu sắc trung thực và tự nhiên, không gây ảnh hưởng xấu tới thị lực người dùng. Với thời lượng pin từ 8-10 giờ, thiết bị đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong thời gian ở trường của học sinh.

Classbook cài đặt sẵn trọn bộ sách giáo khoa và sách bổ trợ theo chương trình phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12.

Ngoài ra, trên Classbook còn có hơn 20 ứng dụng bổ trợ cho nhiều môn học, thích ứng với các độ tuổi khác nhau.

Classbook có ưu điểm nổi bật so với sách giáo khoa truyền thống ở tính tương tác. Sách hỗ trợ  việc biên tập và gắn kết với những nội dung đa phương tiện mở rộng cho bài học, cung cấp chức năng cho phép học sinh tương tác với nội dung của bài.

Chẳng hạn, với sách Tiếng Anh, học sinh có thể tra nghĩa của từ bằng cách chạm trên màn hình, nghe phát âm chuẩn một câu, một đoạn văn hoặc cả bài học, ghi âm lại giọng đọc của mình để đối chiếu với giọng bản ngữ hoặc xem các video bài giảng...

Với các môn học khác như Toán học, Vật lý, Hoá học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Ngữ Văn, học sinh có thể khai thác những thí nghiệm mô phỏng, hình ảnh, bản đồ, những đoạn âm thanh hoặc phim tư liệu hoặc nghe ngâm thơ, kể chuyên...

Là thiết bị học tập chuyên dụng, Classbook không được trang bị Camera, 3G, bluetooth và GPS. Chức năng WiFi bị kiểm soát, chỉ dùng để kết nối vào mạng phân phối sách điện tử và những mạng giáo dục được duyệt nội dung.

Ông Phạm Thúc Trương Lương, Giám đốc Công ty cổ phần Sách điện tử giáo dục, NXB Giáo Dục Việt Nam cho biết, sách có cài thêm 20 ứng dụng. Các ứng dụng bổ trợ cho việc học tập khác, nếu được cho phép cũng sẽ cập nhật thêm, khi đó Classbook sẽ như một "gian hàng".

Mặc dù tích hợp sách từ lớp 1 đến 12, nhưng việc 1 thiết bị có 'theo" học sinh đến 12 năm được hay không lại là chuyện khác. Ông Lương cho biết , nếu người dùng có xu hướng cập nhật phiên bản mới sẽ cập nhật ba năm/lần. Người dùng coi sách đơn thuần là tài liệu học tập thì sau 5-6 năm cũng sẽ phải thay sách mới. Ông Ngô Trần Ái, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục cho biết, khi sách tái bản hoặc sửa chữa, người dùng có thể cập nhật miễn phí.

Không bắt buộc trong nhà trường

Có mặt tại buổi lễ giới thiệu sản phẩm sáng 25/6, nhiều người nhìn nhận 4,8 triệu đồng cho "cuốn sách đặc biệt" này là cái giá không rẻ đối với đa số học sinh.

GS Ngô Bảo Châu cho hay, đây là một cản trở với học sinh vùng khó khăn. Theo ông, cần phải tìm cách để học sinh nhiều nơi được tiếp cận với sách điện tử. Không để tình trạng trong một môi trường giáo dục em thì mang sách giấy, em thì mang sách điện tử.

Ông Ngô Trần Ái, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục cho biết, ban đầu khi đối tượng sử dụng còn ít thì mức chi phí này cao, nhưng khi được sử dụng rộng rãi hơn thì chi phí sẽ điều chỉnh cho hợp lý.

Trong giai đoạn thí  điểm, Classbook đã được triển khai giới thiệu tại gần 400 trường phổ thông tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng và Đà Nẵng.

Một mối băn khoăn khác cũng được nhiều người trao đổi tại buổi giới thiệu sản phẩm, liệu sắp tới đây các trường học có "ép buộc" học sinh mua sản phẩm này, như hiện tượng nhiều hàng hóa phục vụ cho giáo dục đang thâm nhập sôi động vào các nhà trường?

Ông Lương nhìn nhận, đây là một hàng hóa trên thị trường, không phải là yếu tố "bắt buộc" trong các trường học. Nếu muốn đưa sản phẩm với chi phí giá rẻ đến đông đảo học sinh thì phải có các chính sách bao cấp hoặc trợ giá.

Số hóa và đổi mới giáo dục

Theo GS Ngô Bảo Châu, trên thế giới đã có những sáng kiến hoặc chương trình để xây dựng và triển khai sử dụng sách giáo khoa điện tử rộng rãi, nhưng ông chưa thấy nơi nào có ứng dụng tổng thể như ở Việt Nam. Lợi thế là do ở VN chỉ có một nhà xuất bản và chỉ có một bộ sách. Còn ở nước ngoài thì có nhiều bộ sách khác nhau, không có sản phẩm chung cho các cấp học.

Tại Việt Nam, từ năm 2009, NXB Giáo dục Việt Nam đã kết hợp với đối tác Hàn Quốc để thử nghiệm đầu tiên về sách giáo khoa điện tử. Đến năm 2012, NXB thành lập Công ty Cổ phần Sách điện tử Giáo dục (EDC) – với chức năng nhiệm vụ chính là phát triển và triển khai sách giáo khoa điện tử trên thiết bị học tập chuyên dụng Classbook.

TS Trần Thị Bích Liễu, một chuyên gia giáo dục đang nghiên cứu và áp dụng "giáo dục sáng tạo" trong trường học cho biết, nếu Bộ GD-DT cũng như Chính phủ quyết tâm đổi mới giáo dục Việt Nam, đột phá để theo kịp bước đi của thế giới thì nên tập trung vào để hiện thực hóa sách giáo khoa điện tử. Ví dụ như hướng dẫn sử dụng cho giáo viên, phụ huynh, tạo các điều kiện để học sinh sử dụng được sách như hỗ trợ kinh phí để học sinh vùng khó khăn cũng dùng được, tạo kết nối internet ổn định, đủ mạnh,v.v..Một số nước đã phát triển sự sáng tạo của học sinh nhờ các tương tác công nghệ thông tin ở trong sách giáo khoa điện tử.

  • Song Nguyên