Thí sinh làm bài thi trên hơn 7.400 máy tính
Chiều 28/5, ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, thực hiện thí điểm đổi mới tuyển sinh, đại học này đã thống nhất dùng bài thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học chính quy.
Thí sinh dự tuyển vào ĐHQG Hà Nội sẽ tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào 2 đợt: cuối tháng 5 và đầu tháng 8.
Bài thi được thực hiện trên máy tính tại các phòng thi tiêu chuẩn. Khi kết thúc bài làm, thí sinh sẽ biết ngay điểm bài thi của mình.
Ông Sơn lưu ý, đây là kết quả để xét tuyển vào các trường, khoa của ĐHQG Hà Nội. ĐHQG Hà Nội sẽ tách hai khâu "thi" và "tuyển".
Theo thống kê, có 45.350 thí sinh đăng ký dự thi đợt 1, vào 4 ngày, từ 30/5 đến 2/6. Ngày 3/6 là thời gian thi dự phòng. Thí sinh chỉ phải làm bài thi trong một ca.
Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn. Đề thi bao gồm 2 phần trắc nghiệm: phần bắt buộc và phần tự chọn.
ĐHQG Hà Nội đã bố trí 7.497 máy tính sử dụng cho kỳ thi (gồm cả máy tính đề phòng sự cố); huy động 698 cán bộ cho thi Ngoại ngữ và 1.007 cán bộ cho mỗi ca thi của bài thi đánh giá năng lực.
Ông Nguyễn Kim Sơn dự đoán tỷ lệ thí sinh tới dự thi so với hồ sơ đăng ký sẽ cao hơn con số 75 - 80% của những năm trước.
ĐHQG Hà Nội đã tổ chức 9 cụm thi với 21 điểm thi. Trong đó, đông nhất là ở Hà Nội với 3 cụm thi; còn lại ở các tỉnh Thái Nguyên, Nam Định, Hải Phòng,Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng có từ 1 - 2 điểm thi.
Tùy theo lượng thí sinh dự thi ở các cụm, số ca thi và thời gian thi được sắp xếp tối thiểu 2 ca, tối đa 8 ca.
Quyền lợi của thí sinh
Thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa 3 ngành học của một đơn vị đào tạo theo thứ tự ưu tiên và được 1 lần rút hồ sơ để nộp vào ngành khác của trường, khoa trực thuộc đã nộp hoặc trường, khoa trực thuộc khác trong ĐHQG Hà Nội.
Thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 không được đăng ký xét tuyển đợt bổ sung.
"Diện mạo" đề thi
Độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỉ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó. Tổng số câu hỏi thí sinh phải thực hiện là 140 câu, tổng thời gian làm bài là 195 phút.
Cơ cấu kiến thức trong phần bắt buộc được phân bổ như sau: 10% Kiến thức trong chương trình lớp 10; 20% Kiến thức trong chương trình lớp 11; 70% Kiến thức trong chương trình lớp 12.
Phần bắt buộc gồm 2 phần: Tư duy định lượng và tư duy định tính.
Phần 1: Tư duy định lượng (Kiến thức Toán) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 80 phút. Các câu hỏi của phần này có dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn hoặc câu hỏi điền giá trị số.
Phần 2: Tư duy định tính (Kiến thức Ngữ văn) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 60 phút. Tất cả các câu hỏi của phần này đều có dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn.
Phần tự chọn: Thí sinh chọn 1 trong 2 nội dung.
Kiến thức Khoa học Tự nhiên gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Kiến thức Khoa học Xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Thí sinh lựa chọn một trong hai nội dung trên. Sau thời gian 2 phút, nếu thí sinh không chọn một trong hai nội dung, máy tính sẽ mặc nhiên chọn nội dung Khoa học Tự nhiên. Mỗi nội dung có 40 câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn, thời gian hạn định là 55 phút.
Thí sinh lần lượt làm hết phần bắt buộc, sau đó làm phần tự chọn. Kết quả thi của thí sinh được tính bằng tổng số câu trả lời đúng trong bài thi. Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được điểm. Tổng điểm toàn bài là 140.
Thí sinh đến Hà Nội thi, ở ký túc giá 35.000 đồng/ngày Ban Quản lý Kí túc xá Mỹ Đình dành hơn 300 phòng ở, tương đương 1.000 chỗ ở cho thí sinh và người nhà đến dự thi (phòng rộng 42 m2 gồm 3 giường tầng...và các dịch vụ khác) với mức chi phí toàn bộ là 35.000 đồng/ người/ngày. Hiên tại đã có hơn 250 thí sinh đăng ký chỗ ở. |
- Hạ Anh